THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:35

Gần 10.000 ca ghép nội tạng mỗi năm liên quan đến tội phạm buôn người

 

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo "Rà soát, đánh giá chính sách pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về" do Cục Phòng, Chống TNXH (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức ngày 11/9/2018. Tới dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà; Trưởng bộ phận Chương trình IOM tại Việt Nam ông Paul Priest; Phó Cục trưởng Cục Phòng, Chống TNXH Lê Đức Hiền, cùng đại diện các Bộ, ngành, địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, tình hình mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp.

Theo báo cáo của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), trên thế giới có khoảng 244 triệu người di cư và vẫn tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của khủng bố, xung đột, bạo lực…, nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân. Tổ chức Y tế thế giới công bố mỗi năm có khoảng gần 10.000 ca ghép nội tạng trái phép có sự tham gia của các tổ chức tội phạm buôn người. Riêng khu vực các nước Tiểu vùng song Mê – Kông (trong đó có Việt Nam) vẫn được đánh giá là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp, ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực lên tới hàng chục tỷ đô la/năm.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, tình hình mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, tình trạng mua bán người có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng tội phạm hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt: lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường phổ thông, đại học; thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber…) các đối tượng tiếp cận, rủ rê, giả vờ làm người yêu, lôi kéo đi du lịch, đi làm thuê thu nhập cao, xuất khẩu lao động với chi phí thấp… để lừa bán làm vợ, đẻ thuê, ép buộc làm mại dâm, cưỡng bức lao động…
Mỗi năm gần 10.000 ca ghép nội tạng liên quan đến các tổ chức tội phạm buôn người (ảnh minh họa)

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, từ năm 2012 đến hết năm 2017, các lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận khoảng 7.500 người. Qua điều tra, rà soát cho thấy trên 90% nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em; trên 80% nạn nhân thuộc các dân tộc thiểu số, trình độ học vấn, nhận thức, tiếp cận thông tin ít hơn và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; hơn 70% nạn nhân làm nông nghiệp hoặc không có việc làm; 37,2% không biết chữ và khoảng 6,8% nạn nhân là người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên.
Trên 98% nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, trong đó chủ yếu sang Trung Quốc (trên 90%). Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bóc lột tình dục (gần 80%).
100% nạn nhân sau khi được tiếp nhận, xác minh đều được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; 50% (khoảng trên 3.500 nạn nhân) được ngành LĐ-TB&XH thực hiện các chế độ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng theo quy định.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác phòng, chống mua bán người nói chung và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nói riêng. Từ khi Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực từ ngày 01/01/2012 đến nay, Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan đã ban hành hệ thống các văn bản, chính sách cơ bản đồng bộ, có tính khả thi, tạo khung pháp lý thuận lợi hơn để thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hoà nhập cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trong thực tế, đã nảy sinh những bất cập về cơ chế, chính sách dẫn đến việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục PCTNXH phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà hy vọng sau phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp về vấn đề này, Hội thảo sẽ góp phần tích cực cho Bộ LĐ-TB&XH trong việc rà soát hệ thống pháp luật có liên quan đến phòng, chống mua bán người.
Tại hội thảo, ông Paul Priest, Trưởng bộ phận Chương trình IOM tại Việt Nam cho biết, mỗi năm có hàng triệu người di cư bị mua bán trong nội địa và xuyên biên giới để rồi cuối cùng trở thành nạn nhân của lao động cưỡng bức. Theo ước tính trên thế giới hiện có khoảng 20 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức bao gồm cả các nạn bị mua bán vì mục đích bóc lột tình dục và lao động.
 
Ông Paul Priest, Trưởng bộ phận Chương trình IOM tại Việt Nam

Đối với Việt Nam, sự tập trung ngày càng cao vào các khu vực kinh tế tư nhân sẽ ảnh hưởng vào quá trình môi giới tuyển dụng đối với toàn lãnh thổ Việt Nam cho các thị trường công việc ở nước ngoài và cả trong nội địa. 
Việt Nam được hưởng lợi rất lớn từ những mối quan hệ đối tác này thông qua nhiều kênh, từ các sáng kiến cấp vùng và tiểu vùng như những ý tưởng được đề xuất trong các chương trình nghị sự của ASEAN hay Tiến trình COMMIT tới các thỏa thuận hợp tác song phương giữa các chính phủ hay sự đóng góp mạnh mẽ của các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự. 
Trong 12 tháng vừa qua, mạng lưới quốc gia phòng chống mua bán người tại Việt Nam (CTN) là 1 diễn đàn quan trọng nhằm đảm bảo rằng những nỗ lực đáng trân trọng của chúng ta được kết hợp và bổ sung lẫn nhau, tránh sự chồng chéo và sự lãng phí các nguồn lực. 
Mạng lưới phòng chống mua bán người hiện bao gồm 20 cơ quan từ các bộ, ngành của Việt Nam, các cơ quan Liên Hợp Quốc, các đại sứ quán, các tổ chức phi chính phủ, và các tổ chức xã hội dân sự. 
Các thành viên của mạng lưới phòng chống mua bán người hoạt động không ngừng nhằm giảm bớt nguy cơ mọi người bị trở thành nạn nhân của nạn mua bán người. Mạng lưới cũng cam kết hợp tác nỗ lực ngăn ngừa, bắt giữ và truy tố tội phạm mua bán người cũng như hỗ trợ hồi hương và ổn định cuộc sống của những nạn nhân bị mua bán. 
Rõ ràng đã có nhiều tiến triển tốt trong việc nâng cao nhận thức về nạn nô lệ hiện đại và mua bán người ở Việt Nam, cũng như cung cấp những hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán. Song quả thực là còn rất nhiều việc cần làm. Cụ thể vẫn còn những khoảng cách giữa cấp tỉnh và huyện trong việc đảm bảo các cán bộ có những công cụ, kiến thức và nguồn lực để xác định và bảo vệ nạn nhân của mua bán ngườibên cạnh việc xúc tiến điều tra và truy tố những kẻ phạm tội liên quan đến mua bán người. 
Việt Nam vẫn là một nước có thu nhập trung bình. Còn nhiều điều cần làm để không chỉ bảo vệ công dân Việt Nam khỏi những rủi ro của mua bán người, mà còn để bảo vệ những công dân ở nước thứ ba tại Việt Nam – những người là nạn nhân bị mua bán hay trong tình trạng dễ bị tổn thương. 

Chu Lương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh