THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:41

Kẹo mút cần sa biến nhiều học sinh thành con nghiện

 

Thời gian gần đây, dân chơi ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành chuyền tay nhau rất nhiều những loại bánh, kẹo mà được quảng cáo là “chất hơn nước cất”. Đó là những thanh chocolate trông rất ngon lành, những cây kẹo mút có mùi thơm hấp dẫn. Và theo như lời của một đầu nậu thì hơn cả những bánh kẹo bán trên thị trường, bánh này có mùi thơm của chocolate, vị ngọt của nho khô... thực sự là một thứ bánh dành cho những teen “sành điệu”.

 

Kẹo mút, chocolate có chứa cần sa.

 

M. Tùng, đang học lớp 12 trường THPT T.H. - cũng là thành viên của một nhóm nhảy nổi tiếng của Hà Nội kể với chúng tôi một cách hết sức... hào hứng: “Em và nhóm của mình xài kẹo mút, chocolate cả năm nay rồi. Lần đầu tiên là trong buổi tiệc sinh nhật của một thành viên trong nhóm. Dần dà, mỗi lần “học nhóm” hay tụ tập vỡ bài là mọi người lại góp tiền mua. Ít tiền thì ăn kẹo mút, còn nhiều thì mua cả phong chocolate. Chỉ cần ăn khoảng nửa thanh chocolate, đầu óc tự nhiên hưng phấn, tay chân linh hoạt hơn. Đặc biệt khi có nhạc vào thì nhảy “sung” hơn”.

Cũng theo Tùng, trước kia muốn “fly so high” (“bay” thật cao), các dân chơi thường phải hút cỏ một cách dấm dúi, thông qua việc quấn vào giấy OCB hút như thuốc lá. Việc này nhiều khi khiến cho bố mẹ tưởng là nghiện thuốc lá, sẽ ngăn cấm. Song khi chuyển sang kẹo mút, chocolate có chứa tinh chất thì có thể dễ dàng qua mặt được thầy cô và phụ huynh. Cũng vì thế mà nhu cầu về món này luôn rất nhiều.

Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm được pha trộn cần sa. Hiện đang “hot” các sản phẩm kẹo mút, chocolate, “bánh lười” hoặc rượu cần... Đây đều là hàng xách tay từ nước ngoài về. Do là hàng nhập khẩu nên đảm bảo chất lượng và độ “phê”. Linh cũng cho biết, khách hàng chủ yếu của cô là học sinh THPT. Cũng có những học sinh lớp 8, lớp 9 hỏi mua.

Trên thị trường “ngầm” hiện nay kẹo mút cần sa có giá 45-50 ngàn đồng/chiếc; chocolate trộn cần sa giá từ 1,3-1,5 triệu đồng/hộp 180g, kẹo cao su có chứa cần sa có giá 120 ngàn đồng/thỏi 5 chiếc, rượu cần sa (chai 220ml) giá 950 ngàn đến 1,2 triệu đồng.

Ngoài việc mút kẹo, xơi bánh chocolate để “bay”, thì nhiều con nghiện của cần sa còn thường sử dụng theo kiểu “gấp đôi”. Đó là vừa mút kẹo vừa hút một điếu cần sa, tạo sự cộng hưởng cho cảm giác phiêu.

Cách đây vài năm trước, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội đã lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng và đã bắt được một ổ nhóm chuyên chế ma túy dạng “bánh lười” tại khu vực quận Hà Đông (Hà Nội). “Bánh lười” du nhập về Việt Nam bởi một số sinh viên du học ở nước ngoài, mang công thức về làm bánh tại Việt Nam và bán công khai trên mạng xã hội. Thực chất “bánh lười” là một loại ma túy được chế dưới dạng bánh ngọt.

Nguyên liệu để làm bánh là bột mì, trái cây khô, chocolate... trộn với tinh chất cần sa rồi làm thành bánh ngọt. Theo như lời quảng cáo, “bánh lười” là chiếc bánh ngọt có tẩm cần sa. Bánh này có mùi thơm của chocolate, vị ngọt của nho khô... Giá bán khoảng 200.000 - 300.000 đồng/bánh. Do có tinh chất cần sa nên khi ăn, chất ma túy sẽ ngấm nhanh vào máu khiến cho người sử dụng có cảm giác “phê”, hưng phấn, ảo giác. Người sử dụng sẽ dễ buồn ngủ hoặc chỉ thích nằm hay ngồi một chỗ cười. Vì vậy bánh còn gọi là “bánh lười”.

Kẹo mút vị cần sa rao bán công khai trên mạng.

 

Năm 2016 Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Nam Từ Liêm cũng từng bắt được hai đối tượng buôn bán, tàng trữ cần sa dưới dạng các thanh chocolate. Theo đó về hình thức không khác gì thanh chocolate bán trên thị trường nhưng thực chất là hỗn hợp cần sa trộn lẫn bột cacao, trong đó thành phần chính là THC, CBN, CBD là những chất được chiết xuất từ cây cần sa, gây ảo giác cho người sử dụng.

Theo một lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, cần sa là một loại ma túy thảo mộc nằm trong danh mục bị cấm mua bán, sử dụng. Thời gian vừa qua sau khi lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tăng cường ra quân, triệt phá những đường dây mua bán, vận chuyển cần sa thì tình hình sử dụng cần sa trong nước có dấu hiệu giảm nhiệt. Tuy nhiên, để đối phó với cơ quan chức năng hiện, cần sa lại được mua bán trá hình dưới nhiều tên gọi khác nhau hoặc được trộn lẫn trong các loại thực phẩm như chocolate, kẹo, bánh ngọt, kẹo cao su, rượu... sau đó được rao bán trên mạng Internet.

Trước đây, cần sa thường xuất hiện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM thì nay đã mở rộng ra nhiều địa phương trên cả nước. Số người mua bán và sử dụng cần sa cũng tăng lên.

Theo Bộ luật Hình sự, người trồng cây cần sa đã được giáo dục nhiều lần, đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép cần sa bị phạt tù từ 1 - 10 năm. Người sử dụng trái phép cần sa dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm

VÂN KHÁNH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh