THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:29

Mổ xẻ hạn chế, yếu kém để khắc phục, phát triển

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Ách tắc nông sản chưa biết bao giờ có hồi kết

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về vấn đề xuất khẩu nông sản, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), nói: “Chắc Bộ trưởng và mỗi người dân Việt Nam hết sức đau lòng trước tình cảnh hàng đoàn xe nối đuôi nhau xếp hàng chở nông sản, hàng hóa của đất nước ta nằm dài ngày tại cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn làm cho một số hàng hóa, trong đó có dưa hấu phải đổ bỏ. Tình trạng này đã kéo dài hơn 10 năm nay mà không thấy giải pháp hữu hiệu nào của Bộ Công Thương.Bộ trưởng nói đã được đi nước ngoài nhiều, xin hỏi Bộ trưởng có nước nào có tình trạng làm ăn kiểu như chúng ta không. Đề nghị Bộ trưởng trả lời ngắn là đến bao giờ thì chấm dứt tình trạng này, không nói đã có chủ trương, nghị quyết, thông tư, nghị định”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Chưa biết bao giờ có thể chấm dứt được tình trạng trên và cũng không biết trên thế giới có nước nào rơi vào tình trạng như của chúng ta hay không. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, các chuyến đi công tác nước ngoài của ông chủ yếu là đi đàm phán các hiệp định thương mại tự do, do đó không có thời gian khảo sát. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoàng thừa nhận thực trạng trên đã kéo dài trong nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, dù trong mấy năm vừa qua Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với tỉnh Lạng Sơn và đã có những kiến nghị với Chính phủ, trong đó tập trung vào việc xây dựng một khu trung chuyển đủ sức chứa khoảng trên 1000 xe tải, vừa là để chờ tập kết, vừa để phân loại hàng hóa trong khi chờ thông quan, tránh tình trạng ách tắc trên đường giao thông. “Sau tình trạng ách tắc năm 2015 vừa qua, chúng tôi đã bàn với tỉnh Lạng Sơn để chủ động triển khai dự án này. Trước mắt, tỉnh đang chuẩn bị đầu tư khu vực cách cửa khẩu Tân Thanh hơn 10km, nhưng dự án đầu tư đòi hỏi vốn tương đối lớn, chúng tôi sẽ báo cáo với Chính phủ để xem xét có sự hỗ trợ”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết. 

Thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.

Vì sao doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) nguyên nhân vì sao DN tư nhân, DN nước ngoài ít đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cần có cơ chế, chính sách gì thiết thực để hấp dẫn các DN đầu tư vào lĩnh vực này?

Nguyên nhân chính được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ ra là do các doanh nghiệp gặp khó khăn về đất đai. Trong khi đó, hiện nay  trong nông nghiệp chúng ta đã chia ruộng đất cho nông dân, “chúng ta cũng không thể thu hồi ruộng đất của nông dân nhỏ, của hàng trăm, hàng nghìn hộ nông dân nhỏ để đưa cho một doanh nghiệp làm. Mặc dù chúng ta biết có thể doanh nghiệp làm hiệu quả cao hơn”, Bộ trưởng Phát cho biết.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện một số địa phương đã bắt đầu thử nghiệm và hình thành những chính sách phù hợp. Như tổ chức nhân dân, vận động nhân dân để cho doanh nghiệp thuê lại ruộng đất để tổ chức sản xuất. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đây là cách làm tốt, bởi bây giờ không có quỹ đất trống để giao cho doanh nghiệp hành nghìn ha, “hợp tác với nông dân, thuê lại ruộng đất của nông dân, đặt ra những chính sách mới về đất đai để tạo thuận lợi cho DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”. Đối với việc DN đầu tư vào chế biến nông sản cũng tương tự. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, DN phải làm việc với hàng vạn hộ nông dân nhỏ, trong khi sản xuất mỗi người một kiểu. Để tạo thuận lợi cho DN đầu tư vào lĩnh vực này “Nhà nước phải đứng ra tổ chức nhân dân, vận động nhân dân để hỗ trợ DN thông qua việc hình thành các hợp tác, các liên kết thì DN mới có thể có những vùng nguyên liệu ổn định để sản xuất hiệu quả”.

Bên cạnh những khó khăn trên, còn nhiều vấn đề khác như cơ sở hạ tầng, phòng chống dịch bệnh cũng được Bộ trưởng chỉ ra. Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành nông nghiệp “vừa qua Quốc hội đã thông qua những luật và có những chính sách rất ưu đãi cho DN, điều đó đang tác động mạnh và cũng là một trong những nguyên nhân mà thời gian gần đây nhiều DN đã bắt đầu quan tâm và đầu tư vào trong nông nghiệp”.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận.

Không thi tuyển vào lớp 6 để tránh dạy thêm, học thêm

Nhận định quy định không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 của Bộ GD&ĐT đã được sự đồng tình của xã hội vì làm giảm nhiều việc dạy học, học thêm ở tiểu học. Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP Hồ Chí Minh), cho rằng quy định này lại gây khó khăn ở một số trường Trung học cơ sở có số lượng học sinh dự tuyển đông gấp nhiều lần chỉ tiêu tuyển sinh. “Bộ đã có chỉ đạo gì để tháo gỡ khó khăn này?”, đại biểu Huỳnh Minh Thiện chất vấn.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận việc không thi tuyển vào lớp 6 xuất phát từ Nghị quyết trung ương 2 khoá VIII. Theo đó, Nghị quyết khẳng định là không có trường chuyên lớp chọn ở trường THCS để đảm bảo giáo dục toàn diện. Tuy Bộ GD&ĐT đã triển khai ngay từ khi có Nghị quyết nhưng trên thực tế vẫn có hiện tượng trường chuyên, lớp chọn ở THCS biến tướng. “Với tinh thần nói đi đôi với làm và nghiêm túc triển khai Nghị quyết, lần này chúng tôi quyết tâm phải bỏ trường chuyên, lớp chọn. Việc không tổ chức thi vào lớp 6 sẽ giảm chuyện dậy thêm, học thêm gây căng thẳng cho các cháu cấp tiểu học”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phân trần.

Học sinh tiểu học TP.Huế (Thừa Thiên-Huế).

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận: Việc thay đổi trên lúc đầu cũng có lúng túng và gây bất ngờ cho một số trường ở một số địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Nhưng sau đó Bộ GD&ĐT đã kịp thời chỉ đạo các Sở GD&ĐT các phòng giáo dục, các nhà trường lập phương án, báo cáo cơ quan có thẩm quyền tại địa phương xem xét phê duyệt phương án phù hợp với điều kiện của từng địa bàn dân cư nơi các trường hoạt động. Cho đến nay vấn đề tuyển sinh vào lớp 6 ở tất cả các địa phương có trường chuyên, lớp chọn cũ biến tướng, về cơ bản đã giải quyết xong”.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Minh (Bắc Kạn) về những ý kiến trái chiều trong việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014 của Bộ GD&ĐT trong năm học vừa qua. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, khẳng định: “Việc đánh giá học sinh tiểu học bằng kết quả điểm sang việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, kết hợp với đánh giá bằng điểm tại kỳ thi kiểm tra học kỳ và thi cuối năm là một bước chuyển phù hợp với thực tế đang triển khai tại các nước có nền giáo dục phát triển. Quá trình này nhằm để thay đổi động lực học của các cháu, từ chỗ học vì điểm số sang chỗ học để hoàn thiện kỹ năng và hình thành phẩm chất của con người trong quá trình phát triển”

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận, trong quá trình triển khai đồng loạt vừa rồi có xuất hiện một số trục trặc nhỏ. Như vấn đề khen thưởng, có chỗ khen thưởng khắt khe quá, có chỗ khen rộng rãi quá, do đó gia đình không biết kết quả học tập thật của các cháu. Đó là những trục trặc bước đầu làm chưa quen, chúng tôi sẽ có chấn chỉnh. 

Nghiên cứu khoa học, cách kiếm tiền khá dễ

Chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu thực trạng: mặc dù còn rất khiêm tốn nhưng mỗi năm ngân sách Nhà nước dành khoảng 1.300 tỷ cho các công trình nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, tình trạng đề tài nghiên cứu xong xếp ngăn kéo rất phổ biến, tỷ lệ các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế rất. “Có phải sản phẩm khoa học của chúng ta nghiệm thu trên bàn là chủ yếu? có phải do chúng ta đầu tư dàn trải, không tập trung, đầu tư không đúng chỗ, đúng người, đúng việc? có hay không cơ chế xin, cho? đến bao giờ tình trạng này cơ bản được khắc phục?”.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân.

Thừa nhận có có tình trạng đề tài nghiên cứu khoa học xong xếp ngăn kéo. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, các đề tài xếp ngăn kéo trên có 3 loại. Loại thứ nhất là các đề tài nghiên cứu cơ bản. Đây là những đề tài về cơ bản là xếp ngăn kéo, bởi vì nó là những nghiên cứu đi trước thời đại, phải nằm trong ngăn kéo để chờ đợi trình độ phát triển của xã hội đến một mức độ nhất định mới có thể ứng dụng được. Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: “Chất bán dẫn được người Mỹ phát minh ra từ đầu thập kỷ 50 nhưng phải nằm ngăn kéo đến đầu thập kỷ 60 khi người Nhật mua sáng chế đó thì mới trở thành sản phẩm hàng hóa và ngày nay mỗi năm đóng góp cho thế giới hơn 20.000 tỷ đô la”.

Loại đề tài thứ 2, là những đề tài nghiên cứu ứng dụng, nhưng để nó trở thành sản phẩm hàng hóa, được ứng dụng thì phải có điều kiện về đầu tư.  “Rất nhiều đề tài nghiên cứu thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho giai đoạn nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm. Vì thế muốn trở thành sản phẩm được thương mại hóa thì phải có sự đầu tư từ doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp của chúng ta hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư nên nhiều kết quả nghiên cứu tốt vẫn phải chờ cơ hội”.

Loại đề tài thứ 3, nghiên cứu xong cất ngăn kéo, là loại đề tài nghiên cứu xong không ứng dụng được. Do các đề tài này khi nghiên cứu không xuất phát từ thực tiễn, nhu cầu của doanh nghiệp, của nền kinh tế, mà xuất phát từ sở thích và mong muốn của người nghiên cứu. “Việc này cũng là việc tốt, vì những người làm khoa học có ý tưởng, có mong muốn họ được nghiên cứu”.

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), khẳng định: “Lãng phí trong nghiên cứu khoa học là vô cùng lớn. Mỗi năm, một bộ chi đến vài chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ để nghiên cứu khoa học. Nhưng sau đó xếp lên giàn mà không có ứng dụng gì cả. Có nhiều người còn nói với tôi một câu rằng là nghiên cứu khoa học là một cách kiếm tiền khá dễ dàng. Xin Bộ trưởng cho biết thêm ý kiến?”.

Không khẳng định trong nghiên cứu khoa học không có sự lãng phí. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, nếu có sự lãng phí là do đầu tư chưa tới ngưỡng. “Còn với lãng phí do tham nhũng, nếu đại biểu cung cấp thông tin chúng tôi sắn sang xử lý. Đến nay chúng tôi chưa nhận được thông tin này”. 

Hội nhập kinh tế quốc tế không thể “con trâu đi trước, cái cày theo sau”

Trước bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia ký kết nhiều hiệp định song phương, đa phương và đặc biệt đang tham gia đàm phán Hiệp định đối tác thương mại Thái Bình Dương (TPP), đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, bên cạnh những thời cơ còn không ít khó khăn được đặt ra. “Chính phủ đã chuẩn bị những khâu then chốt nào và đưa ra những thông điệp gì để gửi đến người nông dân, người lao động, các nhà doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước thay đổi nếp nghĩ, cách làm như thế nào? Hay vẫn là con trâu đi trước cái cày đi sau để tự tin bước vào sân chơi đầy cam go mới”, đại biểu Khá chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Khá, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nói: “Giải pháp then chốt nhất là nâng cao cạnh tranh ở ba cấp: Quốc gia, doanh nghiệp và người dân. Đi liền với nó phải nâng cao sức cạnh tranh các quốc gia, các doanh nghiệp và sản phẩm. Ý thức tư duy của người nông dân phải thay đổi, phải ứng dụng trong khoa học công nghệ, sản xuất hàng hóa lớn phải cạnh tranh, phải giảm chi phí, nâng cao chất lượng”.

Vấn đề liên kết sản xuất, theo Phó Thủ tướng, Nhà nước phải tiếp tục có trách nhiệm hướng dẫn công nghệ, mô hình, phát huy vai trò hiệp hội ngành, nghề.

Phải tổ chức tốt hơn nữa việc tiếp cận thị trường cho người nông dân. Không thể để từng hộ riêng rẽ tiếp cận với thị trường mà chính vai trò của nhà nước có tổ chức trung gian làm việc này tốt hơn để hỗ trợ, hướng dẫn cho nông dân. Đặc biệt Nhà nước phải có một hàng rào kỹ thuật tốt hơn để ngăn chặn, hoặc kỹ thuật này là phù hợp quốc tế để ngăn chặn những mặt sai trái của kinh tế thị trường để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nông dân nói chung và các doanh nghiệp của Việt Nam nói riêng”.

Ngọc Ước

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh