CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 07:20

Mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm

 

Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế  Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội chia sẻ những điểm mới trong Dự thảo Luật lao động sửa đổi lần này tại Hội thảo  đối thoại “Bình đẳng giới tại nơi làm việc và những điểm mới trong Bộ Luật Lao động sửa đổi – Cơ hội cho doanh nghiệp” diễn ra sáng nay ngày 5/4.

Theo đó, Dự thảo mở rộng khung thoả thuận về thời giờ làm thêm. “Mở rộng khung thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về thời giờ làm thêm để tăng sự linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cao thu nhập của người lao động khi làm thêm giờ”, ông Thiện nói.

Tuy nhiên, ông Thiện cũng lưu ý, người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi nhận được sự đồng ý của người lao động. Đồng thời, Dự thảo Luật đề xuất hai phương án tăng khung giờ làm thêm như sau:

Phương án 1, quy định số giờ làm thêm tối đa là 200 giờ/ năm, trường hợp đặc biệt doanh nghiệp có nhu cầu và người lao động đồng ý thì hai bên thỏa thuận làm thêm giờ  không quá 400 giờ/1 năm. Phương án 2, giữ nguyên quy định hiện hành".

“Với hai phương án này, người lao động và người sử dụng lao động sẽ được thỏa thuận thời gian trong khung giờ cho phép”, ông Thiện nhấn mạnh.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định Chính phủ quy định chi tiết điều kiện tổ chức làm thêm giờ  nhằm hạn chế tác động đến sức khỏe nghề nghiệp của người lao động. Nghị định sẽ  hướng dẫn chi tiết để doanh nghiệp không được huy động người lao động làm thêm giờ  nhiều tháng liên tục và phải bố trí thời gian nghỉ giải lao hợp lý, cũng như các đãi ngộ cho  người lao động khi tổ chức làm thêm giờ.

Về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số ông Thiện cho hay những sửa đổi về vấn đề này nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế xã hội  của đất nước, tận dụng tối đa nguồn nhân lực có kinh nghiệm, chất lượng để phát  triển kinh tế - xã hội và bảo đảm cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn.

Theo đó, Dự thảo Luật đề xuất tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi với hai phương án như sau:

 Phương án 1, kể từ 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng mỗi năm 03  tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

 Phương án 2, kể từ 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng mỗi năm 04  tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi”. “Đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm,  hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung”, ông Thiện lưu ý.

Ban soạn thảo cũng cho rằng, việc mở rộng khung làm thêm giờ cũng đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người lao động và góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi tiền lương của NLĐ. Theo ghi nhận thực tế, một bộ phận người lao động cũng mong muốn nâng giới hạn giờ làm thêm để có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Báo cáo của một số địa phương, doanh nghiệp thời gian qua cho thấy khó tuyển dụng người lao động vì không tổ chức làm thêm giờ hoặc nếu không có cam kết làm thêm giờ thì người lao động sẽ bỏ việc để chuyển sang doanh nghiệp khác có làm thêm giờ.

Sau khi nghiên cứu và tham vấn ý kiến các cơ quan liên quan, Ban soạn thảo thấy rằng việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa là cần thiết và áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt, đối với một số ngành nghề sản xuất kinh doanh nhất định. Ban soạn thảo đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt này sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: Từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.

Theo kết quả khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến tán thành việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ. Đây là mức giờ tăng thêm tối ưu hóa mặt tích cực, hạn chế thấp nhất mặt tiêu cực của việc làm thêm giờ trên cơ sở các nghiên cứu, cân nhắc và đánh giá tác động về kinh tế, xã hội và tác động giới.

CHÂU ANH - QUÝ ĐỨC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh