Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội để nâng cao vị thế quốc gia
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 17:51 - 31/12/2016
Cùng với quá trình phát triển đất nước, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và toàn diện với khu vực và quốc tế, trong đó có lĩnh vực lao động và xã hội. Đây là quá trình Việt Nam tham gia vào phân công lao động quốc tế, thực hiện yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, công bằng xã hội và tuân thủ các luật chơi chung, trong đó có các công ước quốc tế của Liên hợp quốc, các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016 đã tập trung vào việc hoàn thiện thể chế; thúc đẩy việc làm; tăng cường đào tạo nghề chất lượng cao; thúc đẩy an sinh xã hội và hội nhập ASEAN.
Thực hiện chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, theo Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Bộ LĐ-TB&XH đã tích cực, chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, đảm nhiệm vai trò đầu mối chủ trì Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và là cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và đại diện IM Japan tại Lễ ký biên bản ghi nhớ về thực hiện chương trình Thực tập sinh kỹ năng Việt Nam tại Nhật Bản.
Tăng cường quan hệ đối tác
Về quan hệ đối tác, ngành LĐ-TB&XH đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác tích cực với các cơ quan của Liên hợp quốc, như: Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), Cơ quan của Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Phụ nữ (UN WOMEN), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Cơ quan Phòng, chống ma túy (UNODC), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM)..., với các định chế tài chính quốc tế và khu vực như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); tham gia các tổ chức kinh tế, thương mại khu vực và thế giới, ký kết các hiệp định hợp tác đa phương cụ thể về các lĩnh vực lao động và xã hội, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các tổ chức này đã cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính trong việc xây dựng và thực hiện chính sách giải quyết những vấn đề ưu tiên của quốc gia và khu vực, thúc đẩy hội nhập trong việc đảm bảo phát triển bền vững, an sinh xã hội, mục tiêu phát triển bền vững, nghèo đa chiều, bình đẳng giới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm...
Đối với đối tác song phương, Bộ đã ký kết và tiếp tục thực hiện trên 40 thỏa thuận, biên bản hợp tác; xây dựng và triển khai các đề án/kế hoạch hợp tác song phương nhiều nước như: Lào, Nhật Bản, Đức, Hoa Kỳ, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Belarus; xây dựng và triển khai Thỏa thuận về Chương trình lao động trong kỳ nghỉ với New Zealand và Úc; các thỏa thuận về nâng cao năng lực, xây dựng chính sách, pháp luật, thanh tra, an toàn, vệ sinh lao động, công tác hòa giải, giảm nghèo, phúc lợi xã hội, y tá, điều đưỡng, lao động ngoài nước. Tiến hành đàm phán các Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội tương hỗ với Đức và Hàn Quốc. Đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ với các nước.
Hiện có khoảng hơn 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với 30 nhóm ngành nghề công việc. Kể từ năm 2011 đến nay, mỗi năm Việt Nam đưa được khoảng trên 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bộ LĐ-TB&XH có quan hệ hợp tác với gần 30 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, trong đó có gần 20 tổ chức phi chính phủ hợp tác trực tiếp với Bộ để thực hiện 130 dự án hỗ trợ, ưu tiên vào xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Hợp tác ASEAN và hội nhập khu vực về lao động và xã hội ngày càng mở rộng, thông qua các kênh hợp tác chuyên ngành về lao động, phúc lợi xã hội, phụ nữ và kênh của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Việt Nam đã chủ động đưa nhiều sáng kiến là ưu tiên của nước ta trong chương trình nghị sự của khu vực như an sinh xã hội, thúc đẩy quyền của nhóm yếu thế, bao gồm người khuyết tật, lao động di cư, an sinh xã hội và việc làm bền vững cho phụ nữ ở khu vực phi chính thức.
Hình thức hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực lao động và xã hội ngày càng phát triển theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa và coi trọng chất lượng, hiệu quả, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và tạo tiền đề, mở ra khả năng mới hợp tác trong tương lai. Việt Nam đã chủ động hơn trong việc tham gia vào các hoạt động của các tổ chức quốc tế và khu vực về các lĩnh vực lao động và xã hội, nhất là tham gia vào Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN; hoạt động hợp tác trong ASEM; tham gia vào các diễn đàn hợp tác khu vực và thế giới; thực hiện tích cực, có trách nhiệm vai trò là thành viên của ILO từ năm 1993 đến nay. Kết quả hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực lao động và xã hội đã góp phần khẳng định, nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới, trở thành đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Thông qua hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực lao động và xã hội, năng lực quốc gia từng bước được nâng cao.
Chủ động, tích cực hội nhập
Trong năm 2017 và giai đoạn tiếp theo, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của Bộ sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương đối ngoại đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, về chủ động và tích cực hội nhập trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân lực; nỗ lực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế; cùng cộng đồng quốc tế giải quyết tốt các vấn đề lao động và xã hội có tính chất toàn cầu; tranh thủ tối đa sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế để có thêm nguồn lực thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược về lao động và xã hội trong thời gian tới; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện công bằng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh.
Các mục tiêu cụ thể bao gồm: (i) Huy động nguồn lực (tư vấn kỹ thuật, tri thức, kinh nghiệm và tài chính) cho nhiệm vụ trọng tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế (cơ chế, chính sách, luật pháp) về lao động và xã hội phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; (ii) Tập trung thu hút nguồn lực xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; (iii) Đột phá vào nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển; (iv) Giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư, các dân tộc; (v) Phát triển hệ thống an sinh xã hội quốc gia đa tầng, linh hoạt và hiệu quả, tăng cường bảo vệ nhóm yếu thế như trẻ em, người nghèo, người khuyết tật, người nhập cư; (vi) Thúc đẩy bình đẳng giới và trước hết là về cơ hội việc làm, thu nhập.
Để đạt được mục tiêu trên, hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội cần đẩy mạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN đến năm 2025 và Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau: Tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập trên các lĩnh vực lao động và xã hội nói riêng; bồi dưỡng kiến thức hội nhập về các lĩnh vực lao động và xã hội trong toàn ngành, cũng như đối với các bộ, ngành liên quan, các địa phương để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận và tăng cường trách nhiệm, có hành động thống nhất trong thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế của ngành.
Tiếp tục nghiên cứu làm rõ các nội hàm và lộ trình hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực lao động và xã hội phù hợp với tình hình phát triển của đất nước và bối cảnh, xu hướng vận động của quốc tế; nắm vững các chế định quốc tế và trong nước trong hội nhập các lĩnh vực lao động và xã hội; phân tích những cơ hội và thách thức, tìm ra giải pháp để phát huy cơ hội, biến thách thức thành cơ hội trong quá trình hội nhập nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực và khai thác tối đa cơ hội từ hội nhập quốc tế.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế về lao động và xã hội phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo đối xử công bằng giữa các chủ thể kinh tế và xã hội, phù hợp với các công ước và thông lệ quốc tế mà Việt Nam tham gia và cam kết thực hiện nhằm tạo hành lang và cơ sở pháp lý cho các hoạt động hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực lao động và xã hội trong hội nhập. Bổ sung, hoàn thiện chiến lược tổng thể ưu tiên hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực lao động và xã hội, xây dựng lộ trình hội nhập; gắn kết, lồng ghép các nội dung ưu tiên về lao động và xã hội trong tất cả các hình thức của hội nhập quốc tế với lộ trình thích hợp, khả thi, dựa trên sự chia sẻ và hài hòa về lợi ích, mục tiêu, giá trị, nguồn lực, quyền lực và tuân thủ các quy định, nguyên tắc chung trong khuôn khổ các chế định hoặc tổ chức quốc tế.
Tăng cường các hoạt động hợp tác đa phương, tham gia và thực hiện các cam kết, chuẩn mực, sáng kiến của Liên hợp quốc, ASEAN... trong các lĩnh vực lao động và xã hội; Tăng cường hợp tác song phương, chủ động vận động tài trợ quốc tế cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược trong lĩnh vực lao động và xã hội; Phát triển đa dạng các hình thức hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong lĩnh vực xã hội, nhân đạo. Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của ngành LĐ-TB&XH. Phát triển mạnh nguồn nhân lực làm công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, nhất là nghiệp vụ ngoại giao, kỹ năng đàm phán và ngoại ngữ.
Tăng cường quản lý nhà nước về hội nhập trong lĩnh vực lao động và xã hội. Coi trọng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, trao đổi học tập kinh nghiệm với nước ngoài; thực hiện tốt công tác dự báo tình hình khu vực và thế giới phục vụ cho hoạt động hội nhập. Cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát các hoạt động hội nhập trong lĩnh vực lao động và xã hội.