CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:19

Mở rộng dịch vụ chăm sóc cho trẻ nhiễm HIV, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS

Còn khoảng trống trong chính sách cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện toàn quốc có 345 cơ sở điều trị HIV/AIDS cho trẻ em, trong đó có 70 cơ sở tuyến tỉnh và 275 cơ sở tuyến huyện. Tại tuyến huyện là lồng ghép điều trị cho trẻ em và người lớn nhiễm HIV. 
Việc điều trị cho trẻ nhiễm HIV ở Việt Nam trong những năm qua đã có hiệu quả tốt. So với năm 2009, đến nay số trẻ em nhiễm HIV được điều trị ARV tăng gấp 2,5 lần. Từ năm 2007 đến nay, hàng năm tỷ lệ duy trì sau điều trị ARV sau 12 tháng ở trẻ em đều đạt trên 80%. 
Các mục tiêu Kế hoạch hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020 cũng đã đạt được một số kết quả bước đầu. Cụ thể, 70% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được cung cấp các dịch vụ chăm sóc về y tế, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi giải trí và các chính sách xã hội; 72% cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở chăm sóc điều trị trẻ em nhiễm HIV, các tổ chức xã hội có liên quan được cung cấp kỹ năng về BVCSTE bị HIV/AIDS; 61% cơ sở chăm sóc và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; 83% cơ sở trợ giúp trẻ em, các tổ chức xã hội liên quan được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS); 84% trường học tạo cơ hội cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đi học theo nhu cầu.
Tuy nhiên, theo Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), qua nghiên cứu “Rà soát các chính sách hiện hành về trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV” do Cục thực hiện cho thấy vẫn còn nhiều khoảng trống trong chính sách. Nhiều trẻ sinh sống trong gia đình có bố, mẹ hoặc người thân nhiễm HIV/AIDS chưa được xét nghiệm định kỳ phát hiện HIV do kinh tế khó khăn, thiếu phương tiện đi lại hoặc chưa nhận thức hết về sự cần thiết phải tiến hành xét nghiệm để phòng ngừa và phát hiện sớm lây nhiễm HIV.
Dạy vẽ cho trẻ nhiễm HIV
Bên cạnh đó, còn thiếu các chính sách phòng ngừa HIV đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao nhiễm HIV như trẻ em sử dụng ma túy, trẻ sống trong các cơ sở trợ giúp, trẻ là con của người mua dâm, bán dâm, sử dụng ma túy...
Ngoài ra, đa phần trẻ nhiễm HIV thường sống trong các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên việc trang trải các khoản học phí và các khoản đóng góp khác là một trong những khó khăn lớn đối với gia đình của trẻ. Chính sách hiện nay chỉ cho phép những trẻ nhiễm HIV thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo được miễn giảm học phí. Trong khi đó, cơ chế bình xét hộ nghèo tại cộng đồng cùng với tâm lý e ngại bị kỳ thị lại chính là rào cản khiến nhiều trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và  gia đình bị hạn chế năng lực tham gia, đóng góp ý kiến, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Tăng cường phối hợp liên ngành trong chăm sóc cho trẻ nhiễm HIV, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh cho biết, thời gian tới, Cục Phòng chống HIV/AIDS sẽ hỗ trợ tối đa cho trẻ nhiễm HIV và phơi nhiễm với HIV để được quản lý, duy trì điều trị bằng ARV, theo dõi điều trị ARV ở các cơ sở y tế một cách thuận tiện nhất. Cục phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục mở rộng dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ điều trị HIV cho trẻ nhiễm tại tuyến huyện, xã, phường; thực hiện tốt chương trình cải thiện chất lượng chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để tăng tỷ lệ trẻ nhiễm HIV sống khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, Cục sẽ mở rộng chương trình xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, sử dụng các phác đồ hiệu quả cho dự phòng lây truyền mẹ con để đạt được và duy trì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con dưới 5%; mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế và thanh toán các dịch vụ chăm sóc cho trẻ nhiễm HIV và phơi nhiễm với HIV thông qua bảo hiểm y tế; huy động nguồn lực địa phương, hỗ trợ trẻ nhiễm HIV và trẻ phơi nhiễm với HIV...

Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong một chuyến thăm trẻ nhiễm HIV tại Việt Nam năm 2010
Tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 22/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014 – 2020, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cũng khẳng định, giai đoạn 2016-2020, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong việc triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật  về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Hỗ trợ tối đa cho trẻ nhiễm HIV và phơi nhiễm với HIV để được quản lý, duy trì điều trị bằng thuốc ARV; Kiện toàn hệ thống điều trị HIV/AIDS theo hướng đảm bảo sự bền vững; Tiếp tục mở rộng dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị, mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế cho trẻ nhiễm và phơi nhiễm HIV…

Theo Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, để đảm bảo quyền của trẻ em bị nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm, Việt Nam cần tiến hành rà soát các dịch vụ khám và điều trị HIV được bảo hiểm y tế hỗ trợ, trong đó xem xét đưa thuốc kháng HIV, thuốc bổ trợ và một số xét nghiệm vào danh mục chi trả bởi bảo hiểm y tế; cần có cơ chế cho phép người nhiễm HIV được thanh toán bảo hiểm y tế tại tất cả các phòng khám điều trị ngoại trú.

Đồng thời, cần đẩy mạnh cơ chế phối hợp giữa các ngành trong công tác rà soát trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đặc biệt là cơ chế phối hợp cung cấp thông tin về trẻ nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giữa ba ngành chức năng (y tế-lao động thương binh và xã hội-giáo dục); tăng cường tập huấn kỹ năng cho cán bộ làm công tác trợ giúp trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; có chính sách hỗ trợ nhóm cộng tác viên của mô hình kết nối dịch vụ trợ giúp trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh