THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:03

Mở nút thắt cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam

 

Từ ngày 1/7, Luật Nhà ở mới được áp dụng cho phép người nước ngoài và Việt kiều về đầu tư và được phép mua nhà, đất tại Việt Nam. Song đến nay những đối tượng này vẫn chưa thực sự tiếp cận được việc mua nhà, đất tại Việt Nam do những vướng mắc về mặt thủ tục pháp lý.

  Phát biểu tại buổi hội thảo “Mở nút thắt cho người Nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam”, do Báo Thanh niên tổ chức ngày 15/9, ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên cho biết, thị trường bất động sản (BĐS) đã bước vào giai đoạn ổn định và phát triển. Việt Nam hiện có khoảng 4 triệu Việt kiều, rất nhiều người trong số này mong muốn trổ về sinh sống tại quê hương khi đã có tuổi, vì vậy việc nhu cầu sở hữu nhà, đất là có thật và không nhỏ.

  TS Nguyễn Trí Hiếu, Việt kiều Mỹ, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Theo hiến pháp đất đai thuộc quyền sở hữu của nhà nước, khi mua nhà, người nước ngoài và Việt kiều chỉ được sở hữu những thứ trên đất đai đó như nhà cửa, vật dụng và chỉ được sở hữu trong khoảng 50 năm và khi thời hạn hết thì họ không có gì ngoài căn nhà trên đất. Đây là vướng mắc rất lớn”

 

Khá nhiều Việt kiều mong muốn trở về quê hương và được sở hữu nhà ở

 

Đối với các thủ tục hành chính để chứng minh đủ điều kiện mua nhà tại Việt Nam, ông Tạ Nguyên Ngọc, Vụ trưởng Vụ nghiên cứu Tổng hợp Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, việc người Việt Nam tại nước ngoài hay người nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam phải xuất trình giấy tờ chứng minh quốc tịch, hay giấy chứng minh đang kinh doanh, sinh sống tại Việt Nam kèm chứng minh được phép nhập cảnh là “làm khó” cho những nhà đầu tư nước ngoài hay Việt kiều đang có ý định về Việt Nam sinh sống chứ chưa định cư hẳn tại Việt Nam.

Cũng về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHồ Chí Minh cho rằng: Theo quy định, cơ quan có thẩm quyền xác nhận nguồn gốc là Sở Tư pháp cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Hiện chỉ có Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài nhưng cơ quan này không có thẩm quyền xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài). Căn cứ để xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu là khai sinh, thẻ căn cước, tờ khai gia đình, chứng minh nhân dân, hộ khẩu... Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử của đất nước, có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài nay không còn lưu giữ được hồ sơ hộ tịch, nhiều trường hợp hồ sơ hộ tịch gốc cũng không còn lưu trữ tại các cơ quan có thẩm quyền trong nước. Đó cũng là một vấn đề trở ngại đối vớinhiều người. Theo ông Châu: “Cần bổ sung chế định giao cho Tòa Dân sự thẩm quyền ban hành "án thế vì khai sinh" để giải quyết hợp pháp hóa các trường hợp chưa có khai sinh, hoặc không còn hồ sơ hộ tịch gốc, trong đó có mục đích nhằm xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài để góp phần thực hiện đầy đủ quy định của Luật Nhà ở 2014 cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà như người trong nước”.

    Hy vọng những vướng mắc trên sẽ nhanh chóng được tháo gỡ, giúp cho người nước ngoài và Việt kiều có thể dễ dàng hơn với việc mua nhà, đất tại Việt Nam như luật đã cho phép.

Đinh Hoa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh