CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:02

Nhà thơ Việt Phương: Mở mắt ra đã thấy những điều tốt đẹp, cao cả...

nhà thơ việt phương

Nhà thơ Việt Phương tên khai sinh là Trần Quang Huy, sinh năm 1928, quê Hà Nội. Năm 1970, ông cho in tập thơ “Cửa mở” gây  tiếng vang nhưng cũng không ít hệ luỵ.

Sau “Cửa mở”, ông còn cho ra đời nhiều tập thơ khác như: “Cửa đã mở”, “Cát dưới chân người”,  “Nhặt nắng trong sương”,  “Cỏ dọc đường trần”...

“Cửa  mở” ra đời năm 1970, sở dĩ tôi chọn thời điểm ấy vì đó là năm kỷ niệm 25 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. 30 bài thơ trong tập “Cửa mở” là những bài thơ tôi viết trong 10 năm, từ năm 1960 đến 1970. 

Khi đó tôi đưa cho anh Như Phong, Giám đốc NXB Văn học hàng trăm bài thơ của tôi, có một số bài còn “dữ“  hơn cả những bài mà người ta cho là “dữ“ trong tập “Cửa mở”.

Anh Như Phong rất tâm đắc, tuy nhiên anh bảo tôi: “Những bài này để dành làm vốn ông ạ”. Quả thật, lúc bấy giờ đưa ra thì nó dữ dội quá, anh Như Phong khuyên như thế thì tôi cũng tán thành, những bài thơ ấy được lần lượt đưa ra hết trong những tập thơ sau này.

Mặc dù có chuyện ồn ào về tập thơ này, nhưng có lẽ trong đời thơ của tôi, “Cửa mở” là tập thơ được hơn cả. 

* “Cửa mở” được hơn cả, nhưng cũng gây rắc rối cho ông hơn cả. Ở thời điểm đó, người ta đã phải tổ chức cả một hội thảo về tập thơ này của ông?

- Cuộc hội thảo gồm hơn 50 người, đến giờ tôi vẫn giữ biên bản của cuộc hội thảo, trong đó, mọi người bàn luận và phê bình, nhưng chủ yếu chỉ toàn khen thôi.

 Sau cuộc đó, Nguyễn Đình Thi phải tổ chức một cuộc họp phạm vi hẹp hơn, với những người như Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Chế Lan Viên... do Nguyễn Đình Thi chủ trì.

Nhưng cuộc thứ hai đó họ vẫn tiếp tục biểu dương chứ không phê phán, vì họ là những nhà văn, nhà thơ, là những trí thức lớn, họ có lòng tự trọng của mình, mặc dù mọi người biết cuộc họp thứ hai này yêu cầu họ phải thay đổi thái độ, phải phê phán, nhưng họ vẫn giữ nguyên chính kiến của mình.

* Nhiều nhà văn, nhà thơ thường tránh những chuyện thế sự, thời cuộc, coi nó như “vùng cấm”, nhất là trong giai đoạn đó, nó rất nhạy cảm. Ông dám, phải chăng vì ông là thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng?

- Tôi có những người bạn thơ ủng hộ mình như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh... và chúng tôi thường trao đổi về thơ với nhau.

Tôi cũng thường trao đổi thơ với đồng chí Tố Hữu, Trường Chinh, những người phụ trách về tư tưởng, văn hóa của Đảng. Tất cả những bài thơ trong tập “Cửa mở” và nhiều bài khác nữa tôi đều đưa cho Tố Hữu và Trường Chinh đọc trước.

nhà thơ việt phương

Tất nhiên, lúc tôi đưa cho họ đọc là trao tay, họ có thể gật gù tán thành, nhưng khi công bố, có dư luận xã hội, có ý kiến của bạn đọc, họ có thể  thay đổi ý kiến và tôi tôn trọng điều đó.

Khi tập thơ ra đời, cả anh Trường Chinh và Tố Hữu đều gặp riêng tôi. Tuy có phê bình về tập thơ nhưng không nặng nề. Có những phê bình tôi không tiếp nhận, chẳng hạn,  một bài thơ về Đảng trong tập “Cửa mở”, trong đó tôi viết khoảng 4 trang.

Đồng chí Trường Chinh bảo: “Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, thế thôi, chứ sao anh viết dài dòng thế”. Tôi không đồng ý với ý kiến đó, vì tôi làm thơ chứ có phải nghị quyết của Đảng đâu.

Hay anh ấy bảo, đọc thơ thấy anh kiêu lắm, nhưng tôi không cho là mình tự kiêu. Còn tư thế của người làm thơ, như Nguyễn Tuân viết, “khi ngồi trước tờ giấy trắng, viết nên tác phẩm của mình thì đó giống như đứng trước pháp trường và thơ cũng là vương quốc mà ta là chúa tể”.

Và tôi nghĩ đó là tư thế cần thiết của người làm văn, làm thơ. Tất nhiên có những phê bình tôi tiếp thu, đó là đồng chí Trường Chinh bảo: “Thơ của anh Tây quá. Một hình thức thơ dân tộc rất hay của Việt Nam là lục bát thì cả tập thơ của anh không có một bài nào cả”. 

Điều đó đúng và tôi đã tiếp thu, về sau tôi viết lục bát nhiều lắm... Tôi cũng được nhiều người ủng hộ. Khi có sự xôn xao về tập thơ, có nhiều ý kiến “đánh hôi”, họ chuyển sang bên quân đội.

Lúc bấy giờ, cả Cục trưởng và Cục phó Cục Tuyên huấn đến gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp, hỏi: “Bộ đội có lên tiếng phê phán tập thơ đó không?” . Anh Giáp trả lời: “Bộ đội im, hoàn toàn im“.

Và sự im lặng đó cũng là sự ủng hộ cho tôi rất lớn.  Một người nữa là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Khi đó anh Đồng cũng nói với tôi: “Tiếc quá, sao không cho tôi biết, nếu tôi biết trước thì có thể tôi góp ý về một vài bài thơ trong lúc này chưa nên đưa ra vội, sẽ tránh được những ồn ào”. 

Tôi có nói vui với anh và cũng là trả lời anh rằng: “Thật tình tôi có nhiều cái riêng lắm, tôi có năng khiếu riêng, sở thích riêng, ý định riêng, hoài bão riêng...

Khi làm thư ký riêng cho anh, tôi đã phải hy sinh nhiều cái riêng quá rồi, có mỗi một chỗ hoàn toàn riêng không ai động chạm vào được của tôi là thơ mà tôi lại đi báo cáo với thủ trưởng thì tôi còn gì nữa”.Cửa mở của việt phương

* Mấy chục năm tiếp xúc với chính giới, ông đã phải tiếp xúc với rất nhiều thứ, bon chen, thủ đoạn mà như ông cũng đã viết trong nhiều câu thơ. Có thể ví dụ như trong bài Mời, có những câu:

 “Bao nhiêu là những xu thời

Bấy nhiêu là những đua đòi lợi danh

Nào đây thủ đoạn gian manh

Nào đây mưu mẹo xoay quanh ghế ngồi”

Nhưng rồi, cuối cùng vẫn cứ là:

“Rồi thì cũng đến tháng mười

Để còn nghe được những lời yêu thưong” 

Làm thế nào mà ông vẫn giữ được niềm tin ấy?

Đấy là cả cuộc đời của tôi. Xã hội ta và thế giới của loài người nói chung, mảng tối nó cũng tối lắm, những xấu xa, đồi bại, băng hoại cũng nặng nề lắm, đó là rác rưởi.

Tôi tâm đắc với bác Phạm Văn Đồng và cũng có học được ở bác, đó là: Đứng trước cái rác rưởi ấy, thái độ sống của mình thế nào và mình phải  làm gì? Nếu bươi rác ra thì đống rác sẽ thành ra núi rác, núi rác sẽ thành ra đời rác.

Cả đời sẽ rác rưởi bẩn thỉu hết, thế thì làm sao gọi là chủ nghĩa nhân văn được, làm sao còn chất người, làm sao mà sống được trong đời rác ấy. Cho nên, thái độ sống của ta không phải là thái độ bươi rác, mà là quét rác.

 Đó là ý của bác Phạm Văn Đồng, “chúng ta quét rác đi cho sạch, chúng ta không bươi rác ra cho bẩn“.

Ngoài ra, tôi cũng nghĩ trong cuộc sống của mình qua những trải nghiệm, mảng tối thì đã đành, nhưng trong cuộc đời này, mảng sáng cũng không thiếu gì. Trong giới cầm quyền ở mọi thời, kể cả giới cầm quyền của xã hội hiện nay vẫn có những cái tử tế, lương thiện, tốt đẹp.

Còn trong dân, trong các lớp người của dân tộc ta ở khắp các miền của đất nước thì phần tốt đẹp, lương thiện, thậm chí là cao cả nữa càng không thiếu, chỉ cần không tự mình bịt mắt mình lại, mở mắt ra thì sẽ nhìn thấy.   

Tuổi khá cao nhưng dường như Việt Phương chưa muốn nghỉ ngơi, ông  bảo mình  vẫn đang làm nhiều việc: Làm cố vấn của báo mạng Vietnamnet, làm ở Viện Trần Nhân Tông, tham gia nghiên cứu lý luận của Hội đồng lý luận Trung ương của Đảng.

Và thơ thì đương nhiên, bởi ở đó,  như ông nói, ông là chúa tể trong vương quốc của chính mình, đó là cõi riêng của ông mà không ai có thể động chạm được...

 

Thái An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh