Mổ khẩn cứu sống bé sơ sinh bị teo thực quản rất nặng
- Y học 360
- 21:47 - 11/01/2020
Đó là bé gái sơ sinh con sản phụ DT (Long Thành, Đồng Nai). Bé cân nặng 2,8kg, mẹ đa ối, sinh mổ 21/12 /2019. Sau sinh, bé không bú được, miệng trào nhiều đờm dãi và sùi bọt, rồi nhanh chóng chuyển sang khó thở co kéo lồng ngực, thở nhanh 70 lần/phút.
Bé được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Tại đây, các bác sĩ hồi sức suy hô hấp và đặt thông dạ dày không vào nên chụp X-quang thực quản. Chẩn đoán bé bị dị tật teo thực quản (TTQ) có rò đầu dưới thực quản với khí quản, kèm viêm phổi.
Sau một ngày hồi sức, bé được chuyển mổ khẩn để ngăn chặn viêm phổi tiến triển nặng. Ekip phẫu thuật phát hiện thực quản của bé bị gián đoạn thành hai đoạn: đoạn trên tạo thành một túi cùng, đoạn dưới rò vào khí quản. Lỗ rò khá to làm cho dịch dạ dày trào ngược vào khí quản gây viêm phổi làm bé khó thở. Ekip mổ đã khâu cột được đường dò khí - thực quản cắt đứt nguyên nhân gây viêm phổi và ngăn chặn được sự thất thoát khí từ đường thở. Đồng thời nối thực quản tận- tận một thì. Ca mổ hoàn tất nhiệm vụ sau 3 giờ 30 phút.
Bé sơ sinh trải qua10 ngày hồi sức hậu phẫu tích cực với máy thở hiện đại bennette 380, chống viêm phổi và kiểm soát nhiễm trùng sơ sinh hậu phẫu chặt chẽ.
Đến nay, bé đã phục hồi hoàn toàn, bú nhanh, bú khỏe 60ml/cữ, không ọc ói và tăng cân 400 g, vết mổ lành sẹo đẹp. Các bác sĩ điều dưỡng của Khoa phẫu thuật gây mê hồi sức rất vui mừng khi thấy bé phục hồi mạnh mẽ và chuẩn bị ra viện kịp đón mùa xuân đầu tiên của mình.
BS.Tầm K (Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, Bệnh viện Nhi Đồng Nai) cho biết, teo thực quản là sự gián đoạn lưu thông thực quản xẩy ra do rối loạn phát triển trong thai kỳ khoảng tuần 4-6. Tần suất teo thực quản 1/4500 đến 1/3000 trẻ sinh sống, teo thực quản thường đi kèm với các dị tật khác như tim, cột sống, thận niệu và tiêu hóa.
Theo Bs Tầm K, phẫu thuật teo thực quản là loại phẫu thuật khó và rất nặng cho một bé sơ sinh. Phương pháp phẫu thuật nối thực quản một thì nếu hai đầu thực quản gần nhau hoặc phẫu thuật nối thực quản 2 thì, có khi phải dùng đoạn ghép nếu hai đầu thực quản xa nhau và phẫu thuật teo thực quản có nhiều biến chứng viêm phổi, xẹp phổi, xì miệng nối thực quản, xì khí quản, hẹp miệng nối thực quản, trào ngược dạ dày thực quản.
"Các bệnh nhi teo thực quản phải tái khám mỗi tháng trong 6 tháng đầu và mỗi 3 tháng, 6 tháng trong những thời gian tiếp theo. Tiên lượng của teo thực quản tùy thuộc vào thể loại cân nặng lúc sinh và và dị tật tim đi kèm", BS.Tầm K cho biết.