THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 10:10

Sử dụng kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể để thắp sáng lên tia hi vọng cuối cùng, cứu sống bệnh nhân nhi viêm phổi nặng

Trẻ vào viện được tiên lượng rất nặng

Đêm ngày 15/12/2019, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Phúc K.(14 tháng tuổi), cân nặng 7kg, (Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Trẻ nhập viện trong tình trạng thở gắng sức, tím nhẹ, phải thở máy không xâm nhập.

Sau nhập viện, trẻ có diễn biến bệnh tiến triển nặng, không đáp ứng, phải thở máy xâm nhập, tình trạng CO2 trong khí máu tăng cao, được chỉ định thở máy cao tần (HFO). Tuy nhiên, tình trạng trẻ vẫn không cải thiện nhiều, lâm sàng tiến triển xấu, CO2 trong khí máu tăng lên rất cao sau điều trị nội khoa tích cực không giảm. Tiên lượng bệnh nhân rất nặng.

Sử dụng kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể để thắp sáng lên tia hi vọng cuối cùng, cứu sống bệnh nhân nhi viêm phổi nặng - Ảnh 1.

Trẻ vào viện tiên lượng rất nặng nên cuối cùng phải dùng kỹ thuật ECMO để cứu sống.

Qua hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định dùng kỹ thuật ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể) để cung cấp oxy qua màng ngoài cơ thể, từ đó chuyển máu có oxy vào hệ tuần hoàn trong cơ thể cung cấp oxy cho mô và các cơ quan trong cơ thể trẻ.

Sau khi kết nối được với hệ thống ECMO, máu có oxy được chuyển vào hệ tuần hoàn để cung cấp oxy cho mô và các cơ quan trong cơ thể trẻ được đảm bảo, lượng CO2 trong khí máu giảm xuống. Thắp sáng lên tia hi vọng cuối cùng để cứu sống bệnh nhân nhi.

Trong thời gian thực hiện kỹ thuật ECMO, các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu phải thường xuyên theo dõi, túc trực, điều chỉnh liên tục theo diễn biến bệnh để tìm phương án tối ưu nhất cứu trẻ.

Sau 1 tuần chạy ECMO, sức khỏe của trẻ được cải thiện, chức năng phổi tốt lên, khí máu CO2 về giá trị sinh lý bình thường. Các bác sĩ tiến hành cai ECMO, sau cai ECMO, trẻ vẫn được thở máy, điều trị nội khoa tích cực giúp trẻ tiến triển tốt, tiến hành rút máy thở cho trẻ tự thở.

Hiện tại sau 10 ngày điều trị tích cực không ngừng nghỉ của cả tập thể Khoa Hồi sức cấp cứu đến nay trẻ đã tỉnh, tự thở khí trời, dấu hiệu sinh tồn ổn định, ăn sữa hoàn toàn, có thể xuất viện trong tuần tới.

Sử dụng kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể để thắp sáng lên tia hi vọng cuối cùng, cứu sống bệnh nhân nhi viêm phổi nặng - Ảnh 3.

Sau thời gian điều trị trẻ qua cơn nguy kịch, đang được chăm sóc và hồi phục tại bệnh viện.

Nếu không kịp thời dùng kỹ thuật ECMO, tiên lượng tỷ lệ tử vong của bé là 100%

BSCKII Đinh Thị Lan Oanh (PGĐ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) cho biết, trường hợp bé K.(14 tháng tuổi) bị biến chứng suy hô hấp/ viêm phổi/ bệnh phổi mạn không đáp ứng điều trị nội khoa tối ưu - tích cực thì ECMO là lựa chọn cuối cùng có khả năng cứu sống người bệnh. Nếu không được hỗ trợ kịp thời bằng ECMO, tiên lượng tỷ lệ tử vong của bé là 100%.

Đây là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân bị suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Máy sẽ thay tim hoạt động bình thường, bảo đảm máu truyền đến các cơ quan trong cơ thể.

Để thực hiện kỹ thuật ECMO cần có một ekip các bác sĩ, kỹ thuật viên vận hành máy liên tục trong suốt thời gian chạy máy. Ekip bác sĩ mạch máu có nhiệm vụ đặt hệ thống canulas vào mạch máu của bệnh nhân để kết nối máy với bệnh nhân. Bác sĩ Ngoại khoa mạch máu sẽ rút hệ thống canulas khi bệnh nhân ổn định cai được máy ECMO.

Đây là trường hợp bệnh nhi đầu tiên được thực hiện kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, việc triển khai thành công sẽ giúp việc xử lý các ca bệnh khẩn cấp kịp thời, mang lại cơ hội sống cho nhiều trẻ trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo.

MT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh