THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:11

Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình: Nơi nhộn nhịp, chỗ vắng hoe

 

Sau 2 năm hình thành, phòng khám BSGĐ của Bệnh viện quận 10 mỗi ngày tiếp nhận hơn 200 bệnh nhân tới khám. Ảnh: L.N.


Cả nhà đều thích khám BSGĐ

Sáng 29/2, đến định kỳ tái khám tại phòng khám BSGĐ như thường lệ, bà Nguyễn Thị Thu, 73 tuổi ở phường 9, quận 10 nói chân bị nhức nên không đi được. Qua hướng dẫn từ bác sĩ, bà Thu ngồi ở nhà gọi điện tới phòng khám BSGĐ của bệnh viện quận 10 và được bác sĩ của phòng khám tư vấn, khám bệnh trực tuyến qua hệ thống internet. Tháng 10/2012, phòng khám BSGĐ đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh được triển khai tại Bệnh viện quận 10, lúc đó bà Thu vận động cả gia đình đăng ký khám ban đầu tại đây. 

Từ chỗ phải lặn lội lên bệnh viện xếp hàng ngồi chờ đợi, nay đăng ký khám ban đầu ở phòng khám BSGĐ bà Thu được bác sĩ trực tiếp theo dõi và khám rất nhiệt tình. “Các con cháu của tôi cũng vậy, ai cũng có một mã số thẻ ban đầu về tiền sử bệnh tật, nhóm máu, các dị ứng cơ địa thường gặp… nên bác sĩ theo dõi biết rõ được quá trình bệnh tật của mình”- bà Thu khoe.

Bác sĩ Đào Xuân Tùng - giám đốc bệnh viện quận 10 nói lúc đầu mới mở, phòng khám BSGĐ có 5 bàn khám và mỗi ngày chỉ tiếp nhận 20-30 bệnh nhân. “Mô hình còn mới nên cứ sợ vắng vẻ nhưng đến nay người dân nơi đây đã tin tưởng vào phòng khám”- bác sĩ Tùng nói và cho biết thêm: hiện mỗi ngày phòng khám tiếp nhận từ 250-300 người bệnh. Mọi thủ tục thăm khám và xét nghiệm, theo bác sĩ Tùng, “đều thực hiện khép kín”. “Người bệnh gọi điện để đặt lịch hẹn khám, thậm chí chọn bác sĩ riêng cho mình, sau đó đến khám rồi làm chẩn đoán, xét nghiệm và nhận thuốc tại chỗ, khép kín không phải đi lại nên người bệnh rất hài lòng”- bác sĩ Tùng nói.

Sau gần ba năm hoạt động, mô hình phòng khám BSGĐ của Bệnh viện quận 2 với sự hỗ trợ của 15 chuyên gia y học gia đình thuộc Trường ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh đã trở thành địa chỉ tin cậy cho hàng nghìn người dân nơi đây. Hiện mỗi ngày đơn vị BSGĐ này đã tiếp nhận 200 người bệnh đến khám, tăng hơn 100% so với những ngày đầu thành lập, số phòng khám cũng tăng từ 2 lên 4 phòng.

 Bác sĩ Trần Văn Khanh nói, hút được người bệnh vì ở góc độ chuyên môn, phòng khám có đội ngũ bác sĩ được đào tạo chuyên ngành y học gia đình nên dân rất tin cậy. Còn về lợi ích kinh tế - xã hội, theo bác sĩ Khanh, đó là người dân không phải chờ đợi, mỗi lần khám đều được khép kín nên không phải mệt mỏi đi lại. “Hầu hết người bệnh đăng ký khám BSGĐ đều đánh giá bác sĩ nơi đây khám từ 15-20 phút, bệnh nhân được hỏi han thoải mái và rất ân cần nên họ rất thích”- bác sĩ Khanh chia sẻ.

Thành lập 2 năm chỉ có… 10 bệnh nhân

Trái với sự tấp nập ở các phòng khám trên, nhiều mô hình BSGĐ tại các trạm y tế lại vắng hoe. Lãnh đạo một trạm y tế ở quận 7 cho biết triển khai được 2 năm qua nhưng chỉ tiếp nhận được 10 bệnh nhân. “Mô hình này còn mới, ở trạm y tế chưa có các chẩn đoán lâm sàng cơ bản trong khi danh mục thuốc bảo hiểm y tế còn hạn chế nên người dân cũng không mấy mặn mà”- bác sĩ này buồn bã. Triển khai 5 phòng khám BSGD tại các trạm y tế phường ở quận Gò Vấp nhưng trong 6 tháng cuối năm 2015, quận Gò Vấp cho biết cả 5 phòng khám chỉ tiếp nhận được… 9 bệnh nhân. Bác sĩ Lê Bình ở trạm y tế phường 12 quận Gò Vấp cho biết phòng khám chỉ tiếp nhận số ít người dân mắc các bệnh lý thông thường như cảm cúm và theo dõi các bệnh lý mãn tính.

Những gợi ý của GS Trần Đông A với Bí thư thành ủy Đinh La Thăng mới đây về phát triển BSGĐ cho thấy xu hướng bác sĩ theo sát bệnh nhân từ lúc mới sinh cho đến lúc chết là cần thiết. Tuy nhiên, thực tế mô hình này vẫn còn nhiều thách thức khi nhiều năm qua chưa thu hút được người bệnh. Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh nói rằng mới chỉ 43% trạm y tế xã phường đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để lập phòng khám BSGĐ. Vì vậy, theo ông hầu hết người dân khi bị bệnh đều tự ý đến bệnh viện tuyến trên để điều trị mà không thông qua khám, chỉ định cũng như giới thiệu chuyển tuyến của BSGĐ như tôn chỉ của mô hình đề ra.

 

Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng - nguyên giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, người đặt nền móng cho mô hình BSGĐ tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng phòng khám BSGĐ vẫn chật vật tìm bệnh nhân vì người dân vẫn còn mù mờ về mô hình này. Thực tế BSGĐ là tuyến khám chữa bệnh đầu tiên, theo dõi sức khỏe của người dân ban đầu để sàng lọc và chữa các bệnh thông thường, trong trường hợp bệnh nặng cần chuyên môn thì BSGĐ mới chuyển lên tuyến trên để xử lý. “Với cách làm này các bệnh viện sẽ không bị quá tải khi hằng ngày phải gồng mình tiếp nhận hàng vạn người dân bệnh thông thường cũng tới chầu chực chờ khám”- bác sĩ Dũng nói. Theo ông, tuy nhiên hiện tại người dân dù chỉ nhức đầu, sổ mũi là đã chạy thẳng lên tuyến trên.

Theo LÊ NGUYỄN / tienphong.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh