CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:12

Bác sĩ gia đình, xu hướng tất yếu trong tương lai

 

Được biết, bác sĩ gia đình (BSGĐ) là bác sĩ đa khoa thực hành, làm nhiệm vụ chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh trong một vòng đời khép kín. Họ có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, biết rõ về bệnh nhân cũng như hoàn cảnh gia đình, từ đó định hướng lối sống cho người bệnh trong cộng đồng.

PGS - TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị

Thống kê của Bộ Y tế cho biết, từ  đầu năm 2013 đến tháng 6/2014, tại các phòng khám bác sĩ gia đình thực hiện được 353.000 lượt khám chữa bệnh, 2.743 lượt khám, chữa bệnh cấp cứu, 7.002 ca thủ thuật và chuyển tuyến 11.514 ca, khám bệnh tại nhà là 2.391 ca và tư vấn 9.879 cuộc, phục hồi chức năng cho 87 ca. Một số phòng khám BSGĐ có hoạt động rất tốt như Phòng khám đa khoa tư nhân Thành Công, Phòng khám BSGĐ tại BV quận 2 (TP. Hồ Chí Minh). Các phòng khám này đã sử dụng bệnh án điện tử, phần mềm quản lý phòng khám, tổ chức hội chẩn trực tuyến…

PGS - TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh báo cáo tình hình thực hiện đề án

Ngoài ra, phòng khám bác sĩ gia đình còn thực hiện quản lý sức khỏe, công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tham gia truyền thông phòng bệnh, vận động tiêm chủng.

Bộ trưởng Nguyễn Thị KimTiến thăm mô hình BSGĐ tại Bệnh viện quận 2 

Bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai mô hình BSGĐ cũng gặp không ít khó khăn, chia sẻ vấn đề này, PGS - TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh trăn trở: “ Hiện nay nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế xã hội, quy trình cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình còn nhiều khó khăn, việc thành lập phòng khám BSGĐ còn chưa hấp dẫn đối với tư nhân. Bên cạnh đó, rất nhiều người dân chưa hiểu rõ khái niệm BSGĐ, nhầm lẫn là bác sĩ đến tận nhà để khám chữa bệnh…”

Nhân viên Bệnh viện quận 2 giới thiệu với Bộ trưởng về phần mềm quản lý phòng khám

Để BSGĐ ngày càng gần gũi với người dân, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các cơ quan truyền thông, báo đài luôn đồng hành trong việc cung cấp thông tin, đưa mô hình phòng khám BSGĐ thực sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngay từ tuyến cơ sở.

Theo các chuyên gia y tế, mô hình BSGĐ đã xuất hiện từ những thập niên 60 của thế kỷ trước tại các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Canada. Ngày nay mô hình còn được nhân rộng sang các nước đang phát triển như Philippine, Malaysia… đặc biệt là  ở nước nghèo như Cuba.

Đào Hùng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh