Phát triển Đề án 32 ở Thừa Thiên Huế: Nhìn từ mô hình nuôi dưỡng tự nguyện
- Dược liệu
- 13:23 - 11/10/2018
Buổi sinh hoạt trò chuyện giữa những người cao tuổi đang sống tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Công tác xã hội Thừa Thiên Huế theo mô hình tự nguyện đóng góp kinh phí và nhân viên Trung tâm
Theo 169/KH – UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thực hiện Đề án phát triển Nghề công tác xã hội giai đoạn 2016 – 2020 (theo Đề án 32 của Chính phủ) trên địa bàn tỉnh, một trong những mục tiêu mà tỉnh này đề ra là: “Từng bước mở rộng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công tác xã hội về các lĩnh vực của đời sống xã hội cho các nhóm đối tượng, người dân có nhu cầu”. Giải pháp được đưa ra nhằm đạt các mục tiêu của kế hoạch là mở rộng các loại dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng và người dân; mở rộng cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho các nhóm đối tượng đặc thù như người có vấn đề về sức khỏe tâm thần; người cao tuổi; trẻ tự kỷ; người khuyết tật,..
Mặt khác, để tạo điều kiện cho các đối tượng xã hội được tiếp cận các dịch vụ xã hội theo một quy trình chuyên nghiệp, tháng 10/2011 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định thành lập Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh. Sau đó, năm 2013, Trung tâm được sáp nhập vào Trung tâm Nuôi dưỡng xã hội và đổi tên thành Trung tâm Nuôi dưỡng và Cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Đến tháng 7/2018, Trung tâm Nuôi dưỡng và Công tác xã hội trực thuộc Sở LĐ – TB&XH Thừa Thiên Huế chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Bảo trợ trẻ em và Trung tâm Nuôi dưỡng và Cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Một trong những chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm là tham mưu giúp Sở LĐ – TB&XH tỉnh và tổ chức thực hiện phát triển nghề công tác xã hội theo Đề án 32 của Chính phủ đã phê duyệt.
Về thực hiện phát triển nghề công tác xã hội theo Đề án 32, nhằm đa dạng hóa các dịch vụ phục vụ nhu cầu của xã hội, từ tháng 10/2017, Trung tâm Nuôi dưỡng và Công tác xã hội Thừa Thiên Huế đã mạnh dạn tham mưu, triển khai thực hiện thí điểm mô hình tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tự nguyện đóng góp kinh phí tại Trung tâm. Tính đến nay, sau gần 1 năm triển khai thực hiện, mô hình đã nhận được những phản hồi tích cực từ xã hội. Theo lãnh đạo Trung tâm, kể từ khi bắt thí điểm mô hình, đã có 10 lượt người cao tuổi vào ở và nhận các chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng của Trung tâm với hình thức tự nguyện đóng góp kinh phí.
Đến thăm Trung tâm vào một ngày cuối tháng 9, chúng tôi gặp cụ Nguyễn Thị Lài (71 tuổi, trú đường Tăng Bạt Hổ, TP. Huế) - một trong những người cao niên đang sống trong Trung tâm Nuôi dưỡng và Công tác xã hội Thừa Thiên Huế theo hình thức tự nguyện đóng góp kinh phí. Trò chuyện với chúng tôi, Cụ Lài cho biết, do không lập gia đình nên trong nhiều năm qua, cụ sống với 1 người cháu gọi mình bằng gì ruột tại căn nhà riêng ở đường Tăng Bạt Hổ. Tuy nhiên, do người cháu của cụ làm nghề xây dựng, hay đi công tác xa nên cụ thường ở nhà một mình. “Ở nhà một mình sợ nhất là lúc đau ốm không ai bên cạnh chăm sóc, nhất là đối với người lớn tuổi như tôi. Lúc bình thường, cuộc sống sinh hoạt cũng có nhiều khó khăn, không theo nguyên tắc nào do tuổi tác và sức khỏe. Ngay như việc đi chợ, nấu ăn cho bản thân cũng khó. Mỗi sáng thường có 1 người đẩy xe bán các mặt hàng thực phẩm đi qua rồi họ gọi tôi ra mua; còn hôm nào họ không đi thì không có gì để nấu”, cụ Lài kể.
Đặc biệt, sau khi người cháu chuyển công tác vào TP. HCM, cuộc sống của cụ Lài càng khó khăn hơn. Không yên tâm khi gì ruột phải ở nhà một mình như thế, người cháu sau khi biết Trung tâm Nuôi dưỡng và Công tác xã hội có mở dịch vụ tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi theo hình thức tự nguyện đóng góp kinh phí, anh đã tìm hiểu và quyết định cho cụ lài vào sống trong Trung tâm. “Vào ở đây, có đầy đủ mọi thứ, các chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, sinh hoạt đều có giờ giấc, đặc biệt là có nhân viên phục vụ 24/24 nên tôi rất yên tâm. Ở đây, tôi không có gì phải lo cả, nói chung là sướng hơn ở nhà”, cụ Lài vừa cười vui vẻ vừa nói.
Không chỉ cụ Lài mà những người cao niên khác đang sống tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Công tác xã hội Thừa Thiên Huế theo hình thức tự nguyện đều có chung nhận xét rằng mọi thứ đều tốt; khi họ ở đây thì con cái, người thân yên tâm đi làm việc bên ngoài hơn. Theo anh Đăng – cán bộ trong Trung tâm cho biết, ngoài 10 lượt người đã vào ở thì cũng đã có nhiều lượt người khác đến tìm hiểu và mong muốn được đưa cha, mẹ người thân của mình vào ở. Hầu hết những người đưa người thân đến ở, đến tìm hiểu đều tâm đắc với mô hình này.
Với mô hình tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tự nguyện đóng góp kinh phí tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Công tác xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, người tham gia sẽ được đảm bảo tất cả các quyền lợi theo đúng chế độ, như: đảm bảo về tính mạng, tài sản; được quản lý, chăm sóc theo chế độ của Trung tâm; được hưởng lợi các dịch vụ về y tế, văn hóa và các tiện ích xã hội khác. Trong khi đó, mức đóng góp kinh phí vô cùng hợp lý, phù hợp với nhiều người và với mặt bằng thu nhập chung tại địa bàn. Đội ngũ nhân viên của Trung tâm có chuyên môn tốt, thiết bị phục hồi chức năng đầy đủ,…Đây thực sự đang trở thành một mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc thay thế và đẩy mạnh xã hội hóa chăm sóc các đối tượng yếu thế phù hợp trong xu thế hiện nay.
Mọi thông tin, người dân có thể đến Trung tâm Nuôi dưỡng và Công tác xã hội tại địa chỉ 65 đường Đặng Tất, phường An Hòa, TP. Huế hoặc liên lạc theo số điện thoại 0234. 3589788 để tìm hiểu.