THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:36

“Mở” cửa bầu trời, phục hồi ngành du lịch

Việc nối lại các chuyến bay sẽ giúp ngành du lịch phụ hồi sau thời gian “đóng băng”.

Việc nối lại các chuyến bay sẽ giúp ngành du lịch phụ hồi sau thời gian “đóng băng”.

Ngành hàng không nối lại các đường bay quốc tế

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn vừa ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất mở lại bay quốc tế theo 3 giai đoạn. Theo đó, các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam sẽ theo 3 giai đoạn. Đây là một tín hiệu quan trong để ngành hàng không nối lại các chuyến bay quốc tế trong thời gian dài phải tạm dừng vì đại dịch.

Từ tháng 3/2020, trước những diễn biến của dịch Covid -19, buộc ngành phải tạm ngừng các đường bay thương mại quốc tế thường lệ. Nhưng trong bối cảnh đối mặt với các khó khăn thách thức, ngành hàng không đã từng bước nỗ lực đáp ứng những yêu cầu khắt khe trong việc nối lại các đường bay quốc tế.

Đầu tháng 9, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thử nghiệm thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) trên chuyến bay từ Hà Nội đi London - Anh. Trước đó, Vietjet cũng đã tham gia thử nghiệm ứng dụng IATA Travel Pass. Theo các hãng hàng không, IATA Travel Pass sẽ giúp hành khách quản lý, xác thực các thông tin về sức khỏe khi đi du lịch nhằm đáp ứng yêu cầu hiện hành về việc xét nghiệm hoặc tiêm phòng Covid-19 của nhà chức trách tại nơi đến; giúp việc di chuyển giữa các quốc gia an toàn và dễ dàng hơn trong bối cảnh đại dịch.

 

Ngoài IATA Travel Pass, các doanh nghiệp (DN), chuyên gia còn đề xuất nghiên cứu thẻ thông hành xanh áp dụng cho thị trường nội địa để khôi phục du lịch trong nước. Cụ thể, nhóm nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) vừa đề xuất chương trình thí điểm thẻ thông hành xanh ở Việt Nam. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký TAB, cho biết nhóm nghiên cứu TAB đề xuất tên gọi thẻ thông hành xanh Việt Nam (Vietnam Green Travel Pass) thay cho tên gọi phổ biến hiện nay là "hộ chiếu vắc-xin" vì thẻ này cần cho việc đi lại trong nước.

Đồng thời với việc chuẩn bị để nối lại các chuyến bay quốc tế, thời gian qua các chuyến bay nội địa cũng đã được kích hoạt trở lại. Cục Hàng không Việt Nam cho biết tình hình vận tải hàng không đang có nhiều chuyển biến tích cực với tần suất khai thác đường bay nội địa tăng dần lên trong những ngày qua. Cụ thể, từ ngày 21/10 đến 3/11, bốn hãng hàng không Việt Nam đã tổ chức khai thác 42 đường bay nội địa tới toàn bộ 22 cảng hàng không của Việt Nam với tổng cộng 979 chuyến bay khứ hồi (1.958 chặng bay), vận chuyển đạt 170.270 hành khách, hệ số sử dụng ghế trung bình 47,8%.  Đường bay có kết quả vận chuyển tốt nhất là Hà Nội - TP HCM với 80 chuyến bay khứ hồi, vận chuyển 35.508 lượt hành khách, hệ số sử dụng ghế 83,5%; trong đó chiều Hà Nội - TP HCM vận chuyển 16.027 khách, chiều TP HCM - Hà Nội vận chuyển 19.481 khách.

Phá “băng” ngành du lịch

Trước đại dịch, ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng vượt bậc trong nhiều năm. Thống kê cho thấy, lượng khách du lịch tới Việt Nam đã tăng kỷ lục lên đến trên 18 triệu lượt vào năm 2019, mang đến nguồn thu 33 tỷ USD, tương đương 12,5% GDP. Tuy nhiên, kể từ năm 2020 đến nay, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Hoạt động du lịch đã gần như dừng hẳn. Việt Nam chỉ đón 3,8 triệu lượt khách vào năm 2020 và tổng lượng khách đến thời điểm hiện tại của năm 2021 còn chưa bằng 1% của năm 2019. Đợi dịch lần thứ 4 do biến chủng Delta xuất hiện cuối quý II/2021 khiến dịch vụ lưu trú và ăn uống trong quý III/2021 sụt giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hành khách thực hiện khai báo y tế tại Sân bay quốc tế Nội Bài

Hành khách thực hiện khai báo y tế tại Sân bay quốc tế Nội Bài

Khi ngành du lịch rơi vào tình trạng ngưng trệ, khoảng 60% người lao động bị mất việc làm trong năm 2020, 90% đã nghỉ việc tính đến tháng 5/2021. Thống kê Việt Nam cho thấy, trên 2 triệu người lao động trong ngành dịch vụ rơi vào cảnh thất nghiệp trong quý III/2021, thu nhập bị giảm 15% so với quý trước.

Để thúc đẩy du lịch, các chuyến bay nội địa cũng đã được nối lại. Đồng thời, Việt Nam đã nhanh chóng chấp nhận “giấy chứng nhận vắc-xin” của 72 nước và phát triển đường bay mới để thu hút nguồn khách du lịch mới. Từ tháng 11, Vietnam Airlines bắt đầu khai thác đường bay thẳng thương mại thường lệ đến Mỹ, trong khi Bamboo Airways sẽ đưa vào khai thác các chuyến bay thẳng tới Anh từ tháng 1/2022.

 Chuẩn bị cho sự kiện quan nối lại các đường bay quốc tế, Bộ VHTT&DL cũng đã có hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Theo hướng dẫn mới, du khách sẽ được tiến hành sàng lọc sức khỏe tại cảng hàng không quốc tế nhập cảnh, bao gồm đo nhiệt độ và cài đặt ứng dụng IGOVN do Bộ Công an xây dựng. Hành khách cũng được yêu cầu sử dụng ứng dụng trên trong suốt quá trình tham gia chương trình du lịch tại Việt Nam. Lộ trình đón khách quốc tế đến Việt Nam sẽ thực hiện theo 3 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 11 này và tiến tới sẽ mở cửa hoàn toàn với du khách quốc tế từ quý II/2022.

Trong khi ngành hàng không và du lịch đã lên sẵn kế hoạch chi tiết cho việc nối lại đường bay quốc tế, nhiều địa phương có thế mạnh du lịch cũng đang có những bước đi tích cực, khẩn trương để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất đón du khách quốc tế. Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh… là những địa phương đi đầu khi xây dựng kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch quốc tế.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng: Hàng không là động lực phát triển của nền kinh tế, một trong những cầu nối hội nhập quan trọng nhất, còn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Mở lại đường bay quốc tế là hết sức cần thiết cho sự phục hồi của nền kinh tế mà trước mắt là ngành du lịch.

Tuy nhiên cần PGS.TS Ngô Trí Long đưa ra khuyến nghị, Việt Nam nên học hỏi kế hoạch, quy định đón khách du lịch rất khả thi của Thái Lan để áp dụng, trong đó có quy định khách phải mua gói bảo hiểm du lịch để đủ trang trải chi phí điều trị Covid trong trường hợp trở thành F0 khi đang du lịch; nếu tổ chức tốt, khách du lịch có thể tham quan đường phố trên những chuyến xe đóng kín cửa hoặc những chuyến tàu tham quan, ngắm san hô, câu cá, tắm biển... ‘Khách nước ngoài tiêm đủ 2 liều vaccine số lượng rất lớn, họ có nhu cầu được đến Việt Nam du lịch. Cần coi đây là cơ hội để phục hồi kinh tế - xã hội, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu ngân sách cho địa phương", ông Long nhấn mạnh.

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh