Mơ có tấm áo mới ngày Tết
- Dược liệu
- 02:00 - 15/02/2018
5 thành viên trong gia đinh chị Nguyễn Thị Hoa không biết đến Tết
Vượt qua cầu Địa Lợi, rẽ tới thôn 2, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê là chạm đến “vương quốc” của các loài hoa đào, hoa mận và những vườn bưởi thờ đang vàng lên rực rỡ giữa tiết trời mùa xuân ấm áp của vùng đất được coi là trù phú nhất huyện Hương Khê.
Ai hay, giữa không khí náo nức của mùa xuân và ngày Tết năm con chó đang cận kề ở vùng trung du này lại có một gia đình gồm 5 người đàn bà thuộc 3 thế hệ đang phải vật lộn với bát cơm manh áo và bệnh tật từng phút, từng ngày mà không hề biết đến cái Tết ra làm sao?
Từ trái qua phải, chị Nguyễn Thị Hường, chị Nguyễn Thị Lan và cụ Nguyễn Thị Minh
Đó là gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, một người phụ nữ góa bụa bị bệnh tật ốm đau thường xuyên mà còn phải nuôi một người mẹ là cụ Nguyễn Thị Minh (85 tuổi) bị bệnh thần kinh, một người chị là bà Nguyễn Thị Lan (54 tuổi) bị mù cả hai mắt, một người em là Nguyễn Thị Hường (44 tuổi) bị câm điếc, khèo cả hai chân và đứa cháu gái Nguyễn Thị Ngọc đang học phổ thông, nhưng bị bố bỏ rơi khi cháu còn nằm trong bụng mẹ.
Chị Nguyễn Thị Hoa từng đi làm thuê làm mướn khắp nơi để nuôi cả gia đình, nhưng vài năm gần đây chị mắc phải bệnh viêm khớp và bệnh thiên đầu thống hoành hành nên không làm được gì; mẹ và chị cùng em gái của chị đều được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, nhưng số tiền ít ỏi chỉ đủ ăn chứ không có điều kiện mua sắm những thứ đồ dùng thiết yếu hàng ngày và tiền thuốc chữa bệnh nên cuộc sống của gia đình chị thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Hoa đang hâm lại nồi trong góc bếp của mình
Đã vậy, chị gái của chị Hoa, bà Nguyễn Thị Lan dù bị mù lòa nhưng lại sinh thêm cháu Nguyễn Thị Ngọc ngoài giá thú, bị bố nó bỏ rơi từ khi chị còn mang thai nên chị Hoa phải nuôi cháu từ khi mới lọt lòng. Bởi vậy, nhắc tới đứa cháu vô tội, chị Hoa không cầm nổi nước mắt nói rằng: "Mẹ của tôi ngày xưa cũng không có chồng nhưng sinh ra 3 chị em, chung mẹ khác cha. Do sinh ra trong một gia đình đều người bệnh tật, nên mặc dù thời trẻ tôi vẫn có chút nhan sắc và khôn ngoan hiểu biết, có nhiều người đàn ông đến dạm hỏi, nhưng tôi không lấy ai để nuôi gia đình. Bây giờ thêm một đứa cháu không biết tương lai ra sao, nhưng tôi không muốn nó phải dẫm vào cái vòng luẩn quẩn như tôi, nên tôi muốn cho nó được ăn học kiếm tấm chồng".
Trong vòng 10 năm lại đây, xã Phúc Đồng đã hứng ít nhất 4 cơn lũ lịch sử. Lũ ở đây thường xảy ra lúc nửa đêm, mỗi lần như thế nước ngập cao tận nóc nên chị Hoa phải tay dìu, vai cõng mọi thành viên trong nhà sơ tán đến nơi an toàn. Do căn nhà của chị đã bị rệu rã nên chính quyền huyện Hương Khê hỗ trợ cho 8 triệu đồng, lúc đó chị Hoa còn khỏe nên đánh liều vay mượn thêm tổng cộng được 40 triệu đồng đổ đất nâng cao nền và làm 2 gian nhà gỗ nhỏ vừa đủ đặt 2 cái giường nằm. Nay nợ nần trả chưa hết, trong lúc chị lại ngã bệnh không làm được gì, nên chị chỉ cầu mong có một phép màu nào đó trả được hết nợ rồi nhắm mắt xuôi tay cũng đành.
Bữa cơm của gia đình chị Hoa
Trao đổi với Phóng viên Báo Dân sinh, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê cho biết: "Xã Phúc Đồng còn có nhiều đối tượng khó khăn được hưởng tiền trợ cấp thường xuyên theo quy định của nhà nước. Tuy vậy, trường hợp của gia đình bà Hoa là đối tượng đặc biệt khó khăn, nên Tết năm nay địa phương đã hỗ trợ một suất quà gồm 500.000 đồng tiền mặt, số tiền này được trích ra từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm dành chung cho các hộ khó khăn trong địa phương. Ngoài ra, Hội LH Phụ nữ huyện Hương Khê cũng đã đến thăm hỏi, trao quà gồm 200.000 đồng tiền mặt và 2 chiếc bánh chưng ngày Tết".
Chia tay với gia đình chị Hoa khi phiên chợ cuối cùng của năm cũ ở miền trung du Phúc Đồng đã vãn người, tôi cố chạy nhanh về thành phố để lau dọn lại bàn thờ tổ tiên, nhưng dường như chiếc xe không tuân thủ các thông số kỹ thuật, bởi trong lòng tôi đang nặng trĩu nỗi ray rứt trước cảnh tượng những người đàn bà góa bụa, bệnh tật ốm đau, đang lạc lõng lõng giữa lúc xuân về, Tết đến bên đốm lửa tàn tro nguội lạnh, và trên góc bếp chỉ có 2 chiếc bánh chưng duy nhất vừa đặt lên từ hôm kia, mà chị Hoa đang cất dành để chuẩn bị cho mâm cơm cúng chiều Ba mươi Tết.
Chị Nguyễn Thị Lan bị mù cả 2 mắt trước đống củi nhà mình