THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:51

“Miệng nguồn” gặp lại một người

 

Dẫu 93 tuổi, nhưng cụ Khìn còn minh mẫn và tạc nhớ những điều Bác dạy.

Mùa này, lên Cao Bằng, rồi qua Nước Hai, Đôn Chương để vào Hà Quảng, nơi có chiếc hang lịch sử Cốc Bó (miệng nguồn) nắng Hạ, tiếng ve đã râm ran trên  các dặm đường. Hoa phượng, hoa phách đã bung hoa, rải một đỏ rực xen vàng hoa trên đá, bên các ngôi nhà cổ, mái ngói, tường trình đất của các gia đình dân tộc Tày. Hạ đã gần lắm rồi, nhưng khi tìm vào xóm Pác Bó, hỏi cụ Hoàng Thị Khìn, người đưa cơm cho Bác năm xưa, không ngờ cụ vẫn còn đang quầy quả nơi mảnh nương xa tít trên núi. Lại phải nhờ mấy đứa cháu đôn đáo chạy đi tìm, ba tiếng sau mới thấy cụ Khìn về. Giúp cháu con những công việc có thể là công việc hàng ngày của cụ. Áy náy, đứa cháu lên giọng cáo lỗi: Khổ lắm, chả muốn bà làm đâu. Nhưng bà bảo, còn sức còn làm, sống phải lao động, phải đóng góp và không nên phụ thuộc vào ai. Ngày xưa ở gần Bác, Bác dạy thế nên cụ Khìn vẫn ghi lòng tạc dạ và thực hiện lời dạy ấy, chỉ trừ những lúc ốm đau.

Ngồi với tôi trong căn nhà vừa được Nhà nước xây tặng, những ngày xưa của cô thôn nữ Hoàng Thị Khìn dần hiện về qua lời kể. Cụ Khìn bảo, vì nhà cụ cách hang Cốc Bó có gần cây số thôi, hơn nữa cha cụ, ông Hoàng Quốc Long lại là người tốt. Vì tốt, có tài lại thông minh nên cha cụ cũng như gia đình được cán bộ cách mạng chọn làm nơi hoạt động cách mạng. Cụ bảo, hồi ấy mới 18 tuổi (cụ Khìn sinh năm 1923), gái dân tộc, lại ở vùng xa xôi nữa nên chả biết gì. Nhà Khìn bắt đầu có những “người lạ” đến. Dưới chiếc bàn thờ lớn, cha Khìn đã quây thành chiếc rương to. Mỗi khi “người lạ” đến, bàn bạc cùng cha chuyện gì đó, nếu có động thì họ lại vào trong đó để ẩn.

Những lúc “người lạ” đến nhà, Khìn lại được cha cắt cử cùng với người em gái là Hoàng Thị Hoa ra cầu thang ngồi canh chừng. Thấy động tĩnh, có người không thân quen, không ở trong thôn thì báo ngay cho bố biết. Sau những lúc bàn bạc, những “người lạ” đi, thì cha lại bảo hai chị em nấu thật nhiều cơm, phần cho họ ăn, phần thì nắm cho họ mang theo khi lên đường. Họ bí mật đến, rồi lại lặng lẽ ra đi khi sương núi đã buông, gà đã te te gáy. Thấy họ khổ, nhiều lúc Khìn hỏi cha. Với ánh mắt xa xăm, cha chỉ biết xoa đầu hai cô gái yêu và nói: Lớn lên các con sẽ hiểu!

Sau này Khìn mới biết, những “người lạ” hay qua nhà mình chính là những bậc lão thành cách mạng nổi tiếng như Lê Quảng Ba, Hoàng Tô, Hoàng Sâm... Cùng với sự đến rồi đi của những cán bộ cách mạng này, các đoàn hội dần dần được thành lập ở Pác Bó, rộng ra cả xã Trường Hà rồi huyện Hà Quảng. Theo phong trào, được sự giác ngộ nên hai chị em Khìn đều tham gia Đội nhi đồng cứu quốc. Trước khi tham gia,  Khìn có về hỏi cha. Cha bảo, đó là đoàn thể do cách mạng lập ra, mà cách mạng là cái tốt, vậy cái gì tốt thì các con nên làm. Đội nhi đồng cứu quốc của Khìn lúc này có 12 người, anh Đại Việt làm tổ trưởng còn anh Kim Đồng làm đội phó.

Thế rồi “việc lớn” cũng bắt đầu được giao. Cụ Khìn nhớ, ấy là vào mùa xuân năm 1941, có mấy người lạ đến nhà. Họ cùng cha cụ bàn bạc rất lâu, sau đó cha cụ bảo hai chị em nấu thật nhiều cơm để nắm cho họ lên đường. Cha bảo họ đang chuẩn bị đi đón một thượng cấp phía bên kia biên giới. Qua tết, lại thấy cha bảo hai chị em nấu cơm nắm để cho cha đi đâu đó. Mấy ngày sau cha về cùng đồng chí Lê Quảng Ba, rồi gọi hai chị em lại và giao một nhiệm vụ hết sức quan trọng, hết sức bí mật là nấu cơm đưa lên hang Củ Mài trên phía thượng nguồn suối Giàng. Hang Cốc Bó lúc này chưa có tên, chỉ được người dân quen gọi là hang Củ Mài vì hang do người đi đào củ mài phát hiện ra, đứng ngoài trông vào tưởng hang cụt nhưng vào trong thì hang rất rộng.

Hang Pác Bó, núi Các Mác, suối Lê Nin là nơi ghi đậm dấu ấn những ngày cụ Khìn nấu cơm cho Bác và các chiến sỹ cách mạng.

Suối Giàng sau được Bác đặt tên là suối Lê Nin, còn hang Củ Mài được đặt là hang Cốc Bó. Nghe lời cha dặn, tờ mờ sáng, hai chị em bà dậy đồ xôi, nấu món thịt treo gói vào lá chuối rồi cùng đồng chí Lê Quảng Ba lên đầu nguồn suối Giàng và gặp Bác ở cột mốc 108. Bác lúc này trông rất gầy và xanh xao, nhưng đôi mắt rất sáng. Gặp Bác, Bác dùng tiếng dân tộc Nùng để nói chuyện và giới thiệu mình là Già Thu. Bác ân cần hỏi chuyện chị em cụ về tội ác của lính Tây, lính dõng. Bác bảo tuy lính Tây, lính dõng có ác, được trang bị vũ khí hơn mình nhưng đồng bào và các cháu thiếu nhi biết đoàn kết, biết giúp đỡ cách mạng thì sẽ đánh đuổi được chúng, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Từ hôm Bác về, chị em cụ Khìn gặp Bác, Bác đã chọn hang Cốc Bó để ở và làm việc. Việc nấu cơm cho Bác và các cán bộ cánh mạng được giao cho 4 nhà là cơ sở cách mạng đã giác ngộ, trong đó có chị em cụ Khìn. Hàng ngày theo phiên, các gia đình cắt cử nhau nấu cơm, ngày 2 lần mang vào hang. Đường vào được bố trí các trạm canh gác khá cẩn trọng, muốn qua phải có mật khẩu mới đi được. Cụ Khìn nhớ nhất là những lần lính Pháp và lính dõng bao vây chặt, cơm không mang vào được, hai chị em cụ phải có sáng kiến nấu cháo ngô (cháo bẹ) cho vào ống nứa đeo bên sườn, giả làm người đi rừng lấy rau lợn mới mang cháo vào được. Cụ bảo món ăn thích nhất của Bác trong thời gian này là món thịt băm nhỏ trộn ớt chỉ thiên cay sè.

Rồi lớp học đầu tiên cũng đã được Bác dựng lên ngay sau chiếc bàn đá mà hàng ngày Bác vẫn làm việc. Bác bảo chị em cụ đi vận động thiếu niên trong Đội nhi đồng cứu quốc đến học. Thầy giáo Cao Hồng Lĩnh cũng được đưa về. Hàng ngày, sau giờ làm việc Bác lại lên thăm lớp. Bác động viên mọi người học và trực tiếp dành thời gian để giảng về đạo đức người cán bộ cách mạng. Bác đã tặng chị em cụ Khìn cuốn sách Ngũ Tự Kinh và dặn: Các cháu cần học chữ để học và hiểu được cuốn sách này. Hiểu biết rộng để làm cách mạng, sau này đứng lên giành độc lập tự do thì Bác mới vui lòng được.

Từ những động viên và sự chỉ bảo ân cần của Bác nên mọi người trong lớp rất chịu khó học tập. Cụ và những người trong lớp dưới sự chỉ bảo của cán bộ cách mạng đã nhiệt tình tham gia tuyên truyền gia đình, làng xóm vào các tổ chức đoàn thể. Các Hội như Người già, Thanh niên, Nông dân, Phụ nữ, Nhi đồng lần lượt ra đời. Riêng Hội nhi đồng cứu quốc của cụ, từ một đội đã nhanh chóng phát triển thành 5 đội...

Thời gian và khoảnh khắc đáng nhớ trong đời cụ Khìn và bà con Trường Hà nhanh chóng qua khi tháng 5/1945 Bác dời sang Tân Trào (Tuyên Quang) để ở và hoạt động cách mạng. Trước ngày Bác đi, cụ Khìn và phụ nữ trong bản đã khâu áo, mũ, giày vải để tặng Bác và các đồng chí đi cùng. Ấy thế mà ngoảnh lại đã hơn 70 năm của ngày đầu tiên được gặp, được nấu cơm phục vụ Bác. nay cụ Khìn đã bước sang tuổi 93, với dấu ấn những ngày tháng ở gần Bác luôn được khắc ghi. 

PHÚ MINH NGUYÊN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh