Miền Trung: “Te tua” mùa hoa Tết
- Bài thuốc hay
- 13:06 - 11/12/2016
Làng mai Nhơn An (xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) được ví như “thủ phủ” mai vàng bởi là nơi cung ứng nguồn mai kiểng dịp Tết lớn nhất ở Bình Định và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Tuy nhiên, năm nay, nhiều người trồng mai ở đây có nguy cơ lâm vào cảnh trắng tay.
Sáng 10/12, sau 2 ngày nước rút, nhiều ruộng mai ở Nhơn An vẫn còn ngập sâu trong nước.
Ôm bó cọc tre đi về ruộng mai 3.000 chậu đang dính đầy bùn non, anh Nguyễn Văn Phước (ngụ thôn Háo Đức, xã Nhơn An) than thở: “Mưa lũ làm hơn 1.500 gốc mai 3 năm tuổi của tôi chết vì úng, số còn lại hơn 5 năm tuổi thì rụng hết lá, long gốc, giờ phải cắm cọc đỡ chứ không thì chúng chết. Đầu tư cả trăm triệu đồng rồi bỏ công chăm sóc cả năm trời mong Tết bán mà giờ mai xơ xác như thế này...”.
Cạnh ruộng mai của anh Phước vài chục mét, ông Trương Hoài Sơn đang thẫn thờ xếp từng chậu mai, tỉa từng cọng lá với hy vọng vớt vát khi Tết cận kề. Năm nay, gia đình ông Sơn trồng 5.000 chậu mai, dự kiến bán dịp Tết khoảng 3.000 chậu. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng mưa lũ lớn, toàn bộ ruộng mai chết gần phân nửa do úng. “Người còn chịu không nổi huống chi mai. Giờ chỉ sửa sang lại những chậu mai còn sống để năm sau bán” - ông Sơn rầu rĩ.
Người dân Quảng Ngãi cố gắng cứu hoa sau khi bị lũ nhấn chìm Ảnh: TỬ TRỰC.
Không riêng gì mai, nhiều người trồng hoa cúc ở Bình Định cũng đang điêu đứng vì sâu bệnh gây hại. Ba ngày qua, ông Trần Ngọc Chánh (ngụ thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ) đang cố gắng khắc phục lại 500 chậu cúc Tết. Trước đó, mưa lũ đã nhấn chìm toàn bộ số cúc của gia đình ông. Hiện nhiều cây tuột lá chân, nguy cơ thất thu hiện hữu.
“Vườn cúc của tôi có 700 chậu đang sinh trưởng tốt bỗng tuột lá, héo úa sau cả tháng mưa, lũ” - anh Trần Văn Thuận (ngụ thôn Dương Liễu Đông, thị trấn Bình Dương) cho biết. Tương tự, hàng chục ngàn chậu cúc Tết của 50 hộ dân ở làng hoa thôn Vĩnh Liêm (thị xã An Nhơn) cũng đang dập lá, vàng lá, phát sinh nhiều sâu bệnh. Ông Nguyễn Duy Quý, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Định, cho biết chưa năm nào mưa lũ dồn dập, kéo dài như năm nay. Tết cận kề mà hoa thì như vậy có lẽ sẽ là cái Tết buồn của người trồng hoa ở Bình Định năm nay.
Tại Quảng Ngãi, dù lũ trên các sông đã rút nhưng nhiều vườn hoa Tết ở các làng hoa Nghĩa Mỹ, Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa) vẫn ngập sâu trong nước.
Ông Đặng Văn Hạnh (ngụ xã Nghĩa Hiệp) nói: “Nhà trồng được hơn 400 chậu cúc và hơn 1 sào lay ơn. Cách đây hơn một tuần, lũ lên nhanh quá, 3 người làm cật lực không nghỉ cũng không di chuyển kịp, chỉ cứu được 200 chậu, còn lại bị ngâm nước hư hỏng không còn một mống. Thiệt hại hơn 20 triệu đồng”.
Cách nhà ông Hạnh không xa, nhà bà Lê Thị Anh Thu cũng đang tất bật bơm nước vào những chậu cúc đang có dấu hiệu héo úa sau nhiều ngày ngập trong lũ. Gia đình bà trồng hơn 500 chậu cúc. Hôm lũ lên, ở nhà không có ai nên không di dời được chậu nào. Giờ nước rút nhưng 2/3 số chậu vẫn ngập trong lũ.
Ông Trần Văn An, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp, cho biết toàn xã có hơn 400 hộ trồng hoa Tết với tổng diện tích khoảng 20 ha. Trận lũ vừa qua đã làm thiệt hại hơn 10 ha với trên 40.000 chậu hoa.
Theo ông Phan Công Binh, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ, toàn xã này có khoảng gần 30.000 chậu cúc và hàng chục hecta lay ơn, cúc đá, vạn thọ… bị lũ nhấn chìm. Nhiều hộ đang phải huy động hết nguồn lực để cứu hoa nhưng do ngâm trong lũ nhiều ngày nên không cứu được, coi như mất trắng.
Trong đợt lũ từ ngày 30/11 đến hết 9/12, toàn tỉnh Quảng Ngãi có trên 600 ha lúa và trên 2.000 ha rau màu hư hại nặng. Riêng những làng hoa Tết bị thiệt hại nặng với khoảng 100.000 chậu cúc và hàng trăm hecta hoa kiểng các loại. |