CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:31

Miền núi Thanh Hoá với phong trào xây dựng Nông thôn mới

Miền núi Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 798.803 ha (bằng 76,77% diện tích cả tỉnh), dân số hơn 1 triệu người, gồm 11 huyện, với 163 xã và 1.336 thôn, bản (sau sáp nhập). Trong tổng số 163 xã XDNTM, có tới 76 xã thuộc 6 huyện nghèo đang thực hiện chính sách theo Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ.

Khu vực miền núi được xem là nơi có rất nhiều tiềm năng, lợi thế: có diện tích đất lâm nghiệp lớn (64.278,99 ha); có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng; nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đây là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh, khu vực Tây Bắc và cả nước; là vùng đầu nguồn của các hệ thống sông, suối, có ý nghĩa rất lớn và quan trọng về vị trí phòng hộ, dự trữ nguồn nước, giảm tác động thiên tai, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái đối với cả tỉnh.

Ngoài ra, các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn, đặc biệt, có 213,6 km đường biên với nước bạn Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, hợp tác và liên kết phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và các địa phương vùng miền núi nói riêng.

Miền núi Thanh Hoá với phong trào xây dựng Nông thôn mới - Ảnh 1.

Phát triển làng nghề truyền thống cho đồng bào dân tộc miền núi xứ Thanh

Thực tế kết quả ở giai đoạn đầu thực hiện Chương trình XDNTM, số xã đạt chuẩn NTM của tỉnh Thanh Hóa đều tập trung ở khu vực đồng bằng. Đối với khu vực miền núi việc xây dựng hoàn thành 19 tiêu chí NTM của các xã là rất khó khăn, do các xã miền núi đều có địa bàn rộng, địa hình chia cắt, dân cư phân bố rải rác, tỷ lệ hộ nghèo cao, mức thu nhập của người dân thấp, mặt bằng dân trí cũng như nhận thức của Nhân dân về chương trình còn hạn chế, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội thiếu và yếu, sản xuất chậm phát triển. Khi triển khai XDNTM, bình quân mới đạt 3,3 tiêu chí/xã, chưa có xã nào đạt tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Vì vậy, các địa phương này bị "trắng xã NTM", thậm chí còn "dậm chân tại chỗ".

Nhận thấy việc hoàn thành XDNTM ở các xã miền núi là rất khó khăn. Để có bước đi phù hợp, từ năm 2013, UBND tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo các huyện miền núi lựa chọn một số thôn, bản có điều kiện làm điểm để triển khai XDNTM, với phương châm "có nhiều thôn, bản NTM thì sẽ có xã NTM".

Cùng với XDNTM ở cấp xã, thôn, các địa phương miền núi đã chủ động triển khai xây dựng thôn, bản NTM kiểu mẫu làm tiền đề trong xây dựng xã NTM kiểu mẫu, huyện NTM và NTM kiểu mẫu, hướng đến mục tiêu cốt lõi là không ngừng nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Để có cơ sở triển khai thực hiện, tạo động lực phấn đấu cho các địa phương, thời gian qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để thực hiện Chương trình XDNTM gắn với giảm nghèo bền vững, như: Chương trình Phát triển nông nghiệp và XDNTM, giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi đến năm 2020; Nghị quyết về tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2025; Bộ tiêu chí xã, thôn, bản NTM; Bộ tiêu chí thôn, bản NTM kiểu mẫu; Kế hoạch xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn; hỗ trợ (thưởng) cho các xã, thôn, bản đạt chuẩn NTM, NTM kiểu mẫu; các chính sách trên đều dành sự ưu tiên cho các xã, thôn, bản miền núi với mức hỗ trợ cao hơn so với khu vực đồng bằng.

Miền núi Thanh Hoá với phong trào xây dựng Nông thôn mới - Ảnh 2.

Làm đường giao thông nông thôn

Công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của XDNTM được tăng cường; tổ chức nhiều chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm về XDNTM, NTM kiểu mẫu ở các địa phương tiêu biểu trên cả nước, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm cho cán bộ và Nhân dân trong XDNTM.

Cùng với chính sách của tỉnh, các địa phương miền núi, một mặt đã chủ động thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn, mặt khác đã có cơ chế, chính sách riêng để hỗ trợ, khuyến khích các xã, thôn, bản XDNTM, NTM kiểu mẫu. Cụ thể như: hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng vườn mẫu...; một số địa phương còn có chính sách thưởng từ 20 - 100 triệu đồng cho mỗi thôn, bản đạt chuẩn NTM và NTM kiểu mẫu, điển hình như: Thường Xuân, Thạch Thành, Lang Chánh, Quan Sơn, Như Thanh.

Kết quả nổi bật trong Chương trình XDNTM khu vực miền núi giai đoạn 2011-2019 như: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 8,7%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn tích cực; một số địa phương đã phát huy tốt tiềm năng, lợi thế vùng, miền để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các cây, con có giá trị kinh tế cao, hình thành một số sản phẩm chủ lực, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp quy mô tập trung. 

Đặc biệt, một số địa phương đã khai thác tốt các sản phẩm đặc sản, truyền thống để phát triển theo Chương trình OCOP (điển hình như các huyện: Như Thanh, Thạch Thành, Như Xuân). Một số mô hình sản xuất có hiệu quả, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ được xây dựng và nhân rộng. 10 năm qua, đã triển khai xây dựng được gần 2.000 mô hình phát triển sản xuất thuộc các chương trình MTQG, qua đó, đã giúp cho hơn 10.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hưởng lợi từ các dự án, mô hình; bình quân có khoảng 15% hộ gia đình tham gia dự án thoát nghèo hàng năm.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội và môi trường có chuyển biến tích cực; đời sống Nhân dân được cải thiện; an ninh lương thực được đảm bảo. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 47%; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 96%, tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt 99,92%; công tác bảo vệ môi trường có sự chuyển biến rõ nét, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh đạt 91,4%, đa số các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số không còn nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới sàn nhà và có khu chăn nuôi riêng. Đến nay, khu vực miền núi tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,3%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt gần 33 triệu đồng; có 1 huyện (Như Xuân) thoát khỏi diện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; có 9 xã và 53 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư Chương trình 135 vùng dân tộc thiểu số thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn theo tiêu chí quy định.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã được quan tâm, đầu tư nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 99,7%; tỷ lệ trường lớp học được xây dựng kiên cố đạt 78,1%...

Sau 10 năm triển khai XDNTM, cùng với cả tỉnh Thanh Hoá, khu vực miền núi đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tích cực thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển; đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào được cải thiện rõ rệt, người nghèo đã tiếp cận thuận lợi và đầy đủ hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường và củng cố. Thông qua việc triển khai thực hiện XDNTM đã giúp cho người dân thực sự phát huy vai trò chủ thể và chủ động hơn trong công việc của mình, giảm phụ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, từ đó đẩy mạnh phong trào XDNTM ở cấp xã, góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập so với khu vực đồng bằng trong quá trình XDNTM.

Đến 31/11/2020, trong tổng số 317 xã đã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh Thanh Hoá, thì khu vực miền núi đã có 45 xã (chiếm 14,2%) và 472 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 14,3 tiêu chí/xã; 109/645 thôn, bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, tại 11 huyện miền núi đã có 10 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và có 7 sản phẩm được được tỉnh đánh giá, xếp hạng OCOP từ 3 - 4 sao.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình XDNTM gắn với giảm nghèo bền vững cho khu vực miền núi, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định Chương trình Phát triển nông nghiệp và XDNTM; Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021–2025 là 2 chương trình trọng tâm của tỉnh Thanh Hoá, vì vậy trong giai đoạn tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp.

Cấp ủy, chính quyền và ban chỉ đạo Chương trình XDNTM các địa phương miền núi của tỉnh Thanh Hoá tiếp tục quán triệt và triển khai có hiệu quả Chương trình Phát triển nông nghiệp và XDNTM; Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi theo các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh. 

Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và XDNTM trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. 

Triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 54-KL/TW ngày 7-8-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói chung và Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021–2025 nói riêng. 

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và toàn xã hội trong triển khai, thực hiện Chương trình XDNTM gắn với giảm nghèo bền vững và Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. 

Xây dựng cơ chế, chính sách, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình MTQG, các chương trình, dự án khác để các địa phương miền núi triển khai thực hiện Chương trình XDNTM gắn với giảm nghèo được hiệu quả. Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các vùng khác, các nguồn tài trợ quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, có hiệu quả.

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh