CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:31

Miên man Nghĩa Đồng

 

1. Lễ vu quy rằm tháng bảy vừa qua, vợ chồng tôi về quê giỗ ông ngoại mấy cháu, bỗng dưng cứ muốn viết gì đó về Nghĩa Đồng (huyện Tân Kỳ, Nghệ An). Câu chuyện bắt đầu từ  Trần Văn Thắng, Câu lạc bộ dân ca Nghĩa Đồng đến nhà bà chơi, hát cho nghe những bài ví dặm mà anh sáng tác về quê hương. “Làng Sẻ quê tôi bên dòng sông Con uốn lượn /Dưới chân núi Bắc cho, bên vực Voi sâu thẳm / Dân quê tôi nghĩa tình nồng thắm / Ngày xưa cùng săn bắn, trồng dâu dệt lụa nuôi tằm”... Giọng lính thuốc lào U60 mà Trần Thắng hát lôi cuốn đáo để.

Ở Nghĩa Đồng có một Câu lạc bộ dân ca, có người trong đội được chọn vào Đoàn dân ca Nghệ An đi biểu diễn tại Liên hoan dân ca toàn quốc ở Huế năm 2014. Câu chuyện của tôi còn bắt đầu từ ông anh con bác ruột của vợ là thầy giáo hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hải Quyền. Anh nghỉ hưu lâu rồi, bỗng dưng mấy năm nay làm thơ, viết dân ca hăng hái lắm. Anh có một tập vở học trò màu cháo lòng dày ghi chép các sáng tác mới. Anh tặng tôi tập thơ  Hương sen Nghĩa Đồng, do Câu lạc bộ thơ Nghĩa Đồng xuất bản vào dịp Tết Ất Mùi – 2015, mà anh là người tham gia biên tập. Anh cười bảo: ”Dượng đọc để biết phong trào thơ Nghĩa Đồng mình bây giờ sôi nổi lắm”.

Đôi bờ sông Con.

Hương sen Nghĩa Đồng tập 1 làm vi tính dày 120 trang, in 89 bài thơ của hơn 50 tác giả. Có tập 1, tức là sẽ có tập 2, tập 3... Tập thơ này cho biết nhiều chuyện vui ở Nghĩa Đồng mà từ trước đến nay chưa có bao giờ: Tháng 12 năm ngoái, Đại hội thành lập Câu lạc bộ thơ Nghĩa Đồng  khóa I, nhiệm kỳ 2014- 2018. Đó là một dấu ấn văn hóa ở vùng đất này. Rằm Nguyên tiêu Ất Mùi, CLB thơ Nghĩa Đồng tổ chức Ngày thơ Việt Nam, cũng ngâm thơ, đàn hát không khác gì ở đô thị Huế, Vinh, Hà Nội... CLB thơ ca Nghĩa Đồng có tới 30 hội viên, có một Ban chủ nhiệm 4 người. Các “nhà thơ nghiệp dư” này đều là nông dân, giáo chức, cựu chiến binh... Họ lao động xây dựng nông thôn mới và cảm thức trước những đổi thay của quê hương mình. 

Ngoài Câu lạc bộ thơ, ở Nghĩa Đồng còn có rất nhiều cựu chiến binh già làm thơ nữa. Điều làm tôi bất ngờ hơn là trong tập thơ này còn có sự góp mặt của các lãnh đạo xã như Trịnh Hữu Minh, Bí thư Đảng ủy; Ngô Xuân Nghĩa, Chủ tịch xã (đã nghỉ năm 2015)...

Thơ là tâm tình. Cũng như yêu. Khi yêu ai cũng thành thi sĩ!  Khi cái tâm, cái tình nồng đượm thì ai cũng muốn bày tỏ nỗi niềm. Điều làm cho mọi người dân vui là xã Nghĩa Đồng đã được tỉnh Nghệ An công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cái đó không phải nói trên giấy, mà dễ dàng nhận ra ngay hàng ngày: Đường bê tông thôn, xóm; trạm xá, trường học, hệ thống loa truyền thông... Chỉ đi một vòng Nghĩa Đồng từ làng Sen qua làng Sẻ, Sa Nam, vào chợ..., tôi nhận ra từng nét đổi thay: nông thôn mà ban đêm có đèn đường; hệ thống loa truyền thanh cứ 5 giờ sáng là phát đi tin tức thôn xóm...

Nông thôn mới Nghĩa Đồng.

Ở Nghĩa Đồng bây giờ không có nhà tranh vách đất nữa, thay vào đó là nhà ngói khang trang. Không phải ngày một ngày hai, mà nhiều năm, rất nhiều năm chăm chút... mới có cơ ngơi thôn xóm như hôm nay! Một con số so sánh thú vị: Toàn tỉnh Nghệ An có 480 đơn vị cấp xã (431 xã, 32 phường và 17 thị trấn), trong đó có 55 xã đến cuối năm 2015 này mới đạt chuẩn nông thôn mới, thế mà xã Nghĩa Đồng mùa thu này đã đạt chuẩn!

2. Đi trên đất làng Sen, làng Sẻ, tôi cứ miên man nghĩ rằng phải có một bề dày lịch sử như thế nào người dân Nghĩa Đồng mới đi đầu tỉnh trong việc xây dựng cuộc sống mới như thế. Năm 1977, lần đầu tiên về Nghĩa Đồng quê vợ, qua Phà Sen, nhìn những người kéo cáp đưa phà qua sông tôi xúc động, làm được bài thơ “Người kéo cáp Phà Sen”: Bến sông Con em đi lấy chồng/ riêng các anh những người kéo cáp /một thời trai neo giữa lòng đường.../ những chuyến phá xuyên năm lửa bom/ xe gạo đạn và trai làng ra trận/... không ca nô tim anh làm máy nổ/  tay cuộn gân nắm sợi lửa nóng bừng... Trong những người kéo cáp đưa phà qua sông Con trên hai bàn tay hàng chục năm trường ấy, nhất định có những chàng trai Nghĩa Đồng. Trên con phà đi trên tay người ấy, có hàng trăm chàng trai làng Sen, làng Sẻ đã ra trận. Chỉ riêng xóm 3 làng Sẻ đã có hàng chục cựu chiến binh chống Pháp, chống Mỹ như chú Nếp, dượng Tụng, anh Tam, anh Thuật.v.v.. Hàng chục chàng trai Nghĩa Đồng vào Nam chiến đấu, sau năm 1975, ở lại lập gia đình tại Huế, Đà Nẵng, Tiền Giang... Có rất nhiều người Nghĩa Đồng ra trận đã không về...

Trong chiến tranh, người Nghĩa Đồng không chỉ lo “gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, mà còn lo nơi ở ăn, lo đất sản xuất cho bà con từ tuyến đầu   Vĩnh Linh sơ tán. Cả huyện Tân Kỳ đón tiếp 30.000 bà con Vĩnh Linh, trong đó ở Nghĩa Đồng có hàng ngàn người. Ở lâu quá, người Vĩnh Linh, Tân Kỳ đã thành ruột thịt. Cho nên, cứ vào mỗi gia đình làng Sen, làng Sẻ, nói chuyện với bà con, hay ngước lên bàn thờ, đều nhận ra ngay đây là con dân của xã Anh hùng chống Mỹ.

Lịch sử Nghĩa Đồng xa hơn nữa là chuyện hưởng ứng chiếu Cần Vương chống Pháp của vua Hàm Nghi từ 130 năm trước. Vua xuống chiếu, dân làng Sen, làng Sẻ đã hò nhau xây làng kháng chiến. Ví dặm xưa kể rằng: “Làng Sen ta đó.../Đắp thành đắp lũy/Lũy trong lũy ngoài/ Chừa chỗ hỏa mai/ Cứ năm thước một/ Đã làm cho tốt/ Đừng tưởng công lênh/ Xây hai bức thành/ Cũng gần một tháng”...

Thời chống Pháp,  bên dòng sông Con, ở làng Sẻ, dưới chân núi Vực Lồ, xã Nghĩa Đồng có một xưởng quân giới rất lớn gọi là “Xưởng Huỳnh Thúc Kháng” thành lập từ năm 1947, thời của lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn làm tư lệnh Liên khu IV. Xưởng chuyên sản xuất các loại vũ khí như móc chê (súng cối) 60 ly, đạn móc chê 60 ly, súng Bazoka, rồi lựu đạn, mìn... để cung cấp cho Việt Minh trên địa bàn miền Trung, Thượng Lào và chi viện cho Nam Tiến. Xưởng quân giới đó đông tới 300 công nhân. Gia đình bên ngoại vợ tôi có người con nuôi tên là Nguyễn Văn Ngọc, người Hà Nội gốc, lúc đó làm kỹ thuật chế tác vũ khí. Năm nay bác Ngọc đã 95 tuổi, vẫn còn khỏe và minh mẫn lắm. Có dịp ra Hà Nội là tôi về Thanh Xuân thăm vợ chồng bác Ngọc. Bác kể rằng, thời đó, xưởng Huỳnh Thúc Kháng tiếng đe, búa chan chát suốt ngày đêm, người vào ra tấp nập. Thế mà bọn quân báo của Pháp không hề hay biết...

Đình làng Sen Nghĩa Đồng  được Chính phủ cộng nhận là di dích Lịch sử-Văn hóa tháng 9/2003. Ở Đình Sen này, năm 1930, tiếng trống Xô Viết dậy vang. Người dân làng Sen, Sẻ bền gan chiến đấu. Năm 1931, giặc Pháp đã bắt và bắn ba chiến sĩ cộng sản tại sân Đình Sen. Mãi đến 15/3/1946, các anh mới được làm Lễ truy điệu...         

3. Lần nào về quê, buổi sáng tôi thường ra chợ Sen dạo một vòng rồi mua mấy cái bánh gói về ăn sáng. Bánh gói Nghĩa Đồng bột mịn, nhân thịt, nhân đậu làm rất nhuyễn và có mộc nhĩ thái nhỏ rất thơm ngon, giá lại quá rẻ, chỉ hai ba ngàn một cái. Một cái là đủ điểm tâm sáng, ăn hai cái thì quá no. Có lần tôi mua hết mẹt bánh gói của bà già bán ở chợ Sen mang vào Huế làm quà.

Tôi đã đi chợ Sen 38 năm nay. Ngày xưa chợ họp giữa trời, quán xá lợp tranh lèo tèo, nửa buổi sáng đã tan chợ. Chợ Sen bây giờ đã thành một trung tâm thương mại của cả khu vực, không riêng gì Nghĩa Đồng, mà bà con các xã Nghĩa Thái, Nghĩa Hợp, Nghĩa Bình, Nghĩa Dũng, Tân Phú... rồi cả Lạt, Thái Hòa cũng về đây buôn bán. Nhiều thứ hàng như cá trích, cá nục nướng ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu lên, mây tre mang từ  Phủ Quỳ xuống, làm cho hàng hóa chợ thêm phong phú. Có một thứ thực phẩm mà vợ tôi và ông cậu ruột là Võ Công Giai ở Đồng Hới, hai người xa xứ, bao giờ cũng nhớ, cũng thèm là cá trích, cá nục nướng bán ở  chợ Sen. Một lần về quê, cậu Giai đã U80 vẫn ra chợ Sen mua cá nướng về ăn ”một bữa cho đã thèm, cho đã nhớ”, bởi cá nướng đã thành một đặc sản chợ Sen! Từ ngày cầu Sen bắc qua sông Con thay cho phà, người buôn bán dưới xuôi về chợ Sen đông hơn. Chợ Sen trở thành chợ lớn nhất nhì huyện Tân Kỳ. Chợ xã mà có tới 30 sạp bán thịt lợn, thịt bò; 4- 5 quầy ẩm thực. Cả dãy hơn chục người bán bánh xèo, bánh gói, bánh rán đủ loại, chứng tỏ sức tiêu thụ thực phẩm ở chợ này rất lớn. Ăn theo chợ là xe tải, xa ca về Vinh, lên Thái Hóa, ra Hà Nội, rồi quán cắt tóc, quầy bán ti vi,  quán nhậu, quán may đo, quán bán đồ tang, quán Internet, quán game...

Ở Nghĩa Đồng giờ có hàng trăm biển  hiệu, biển quảng cáo mọc lên rất bắt mắt. Thương mại đã xâm nhập vào đời sống từng gia đình. Ai cũng suy nghĩ nuôi con gì, trồng cây gì, làm ra cái gì để bán, để lấy tiền mua gạo, mua thực phẩm. Nghĩa là tính toán “đầu vào”, “đầu ra” đã trở thành nếp sống của người dân Nghĩa Đồng. Vợ chồng cậu Nguyễn Thanh Thúy, em vợ tôi, làm nghề mộc và có lô  ở chợ Sen, còn nuôi tới ba chục con lợn nái, lợn thịt theo phương pháp xử lý phân không hôi học ở Nam Định. Hôm có tôi, cậu xuất chuồng một lúc 4 tạ lợn hơi... Ngã ba Sa Nam bây giờ đã thành phố, thành một thị tứ sầm uất, mua bán rộn ràng suốt ngày. 

Nghĩa Đồng- Huế, tháng 10/2015

NGÔ MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh