Miễn giảm tiền sử dụng đất cho người có công
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 15:28 - 18/01/2016
Thương binh Tòng Văn Khang, người dân tộc Thái ở xã Tà Hừa vẫn là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi ở huyện Than Uyên, Lai Châu.
Theo đó, để nâng cao đời sống cho người có công, tỉnh Hải Dương đã quan tâm và hỗ trợ, miễn giảm tiền sử dụng đất.
Theo Quyết định 118/TTg của Thủ tướng Chính phủ, người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, không thể tạo lập được nhà ở mà chưa được thuê nhà của nhà nước hoặc bị mất nhà do thiên tai, hỏa hoạn, thì tùy theo điều kiện của địa phương, hoàn cảnh và công lao của người được xét tặng Nhà tình nghĩa, được giao đất làm nhà ở hoặc được mua nhà trả góp; người có công với cách mạng đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng nhà ở quá dột nát, chật chội, không bảo đảm điều kiện sống trung bình so với cộng đồng nơi họ cư trú mà không có khả năng khắc phục thì tùy theo hoàn cảnh của từng người và khả năng của địa phương mà hỗ trợ họ cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Việc hỗ trợ và miễn giảm tiền sử dụng đất và nhà ở cho người có công với cách mạng ở mỗi địa phương tùy thuộc vào điều kiện từng địa phương, ngoài quy định chung.
Theo Quyết định này, từ năm 1996, Hải Dương đã thực hiện việc miễn giảm tiền sử dụng đất cho người có công. Đến nay, trung bình, mỗi năm tỉnh đã tiếp nhận và xử lý miễn giảm cho trên 10 trường hợp là người có công với các mức độ khác nhau, tùy thuộc vào đặc thù từng địa phương.
Cụ thể, đối với mỗi hộ chính sách, người có công ở vùng nông thôn sẽ được miễn giảm tiền sử dụng đất cho diện tích 200m2, 120m2 với vùng xã ven đô và 80m2 với khu vực nội thị. Tỉnh cũng đã xử lý nhiều trường hợp đất dôi trong thửa đất của người có công. Tính riêng năm 2015, Hải Dương đã tiếp nhận và khẩn trương xem xét cho 10 bộ hồ sơ xin được miễn giảm tiền sử dụng đất ở cho người có công.
Tuy nhiên, quá trình xét miễn giảm cũng gặp khá nhiều khó khăn. Cụ thể như các cơ quan chức năng sau khi thẩm định các hồ sơ xin miễn giảm phát hiện nhiều trường hợp có hộ khẩu ở huyện nhưng mua đất ở trên thành phố, sau đó xuất trình thẻ thương binh, huân chương và đề nghị xin được miễn giảm tiền sử dụng đất như ở huyện. Hay tình trạng một số người cao tuổi có công với cách mạng đã có đất và nhà nhưng đã chia hết cho con cháu và trở thành người không có đất, nhà.
Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thọ, Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương cho rằng: Việc cấp đất, nhà ở và hỗ trợ miễn giảm tiền sử dụng đất thực hiện như thế nào, mức hỗ trợ bao nhiêu là hợp lý là vấn đề các cấp, ngành hữu quan cần nghiên cứu để có những giải pháp hợp tình, hợp lý.
Để đảm bảo hỗ trợ và miễn giảm công bằng với người có công ở các địa phương, ông Bùi Sỹ Hoàn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương cho rằng: Cần có quy định và xây dựng tiêu chí cụ thể về hoàn cảnh khó khăn của người có công với cách mạng như khó khăn về đất ở, khó khăn về nhà ở để có căn cứ, cơ sở hỗ trợ và miễn giảm.
Theo ông Nguyễn Năng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hải Dương: Để đánh giá chính xác về khó khăn và hỗ trợ kịp thời người có công với cách mạng, nên ủy quyền cho các cơ quan chức năng cấp huyện để giám sát chặt chẽ và hỗ trợ đúng, đủ cho người có công.
Người có công đã dành cả cuộc đời đóng góp cho đất nước, do đó hỗ trợ người có công về nhà ở, đất ở và miễn giảm tiền sử dụng đất ở là việc làm đúng và cần được phát huy. Tuy nhiên, để công tác hỗ trợ được chính xác và hiệu quả thì cần có những quy định cụ thể, chi tiết và đặc thù của từng vùng, miền để việc hỗ trợ được nhanh và dễ thực hiện.
Bên cạnh đó cũng cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành để việc miễn giảm được đúng người, đúng đối tượng. Có như vậy, việc hỗ trợ, miễn giảm cho người có công mới thực sự có ý nghĩa.