THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:53

Đề nghị miễn thuế GTGT cho dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật

 

Khuyến khích các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa đầu tư mở rộng quy mô

Báo cáo trước UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Uỷ ban TCNS và Cơ quan soạn thảo thống nhất đề nghị không điều chỉnh lại số thuế GTGT đã hoàn cho các trường hợp trong quá trình đầu tư, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục tiêu thành đầu tư trường học, bệnh viện, vệ sinh, môi trường; không cho hoàn thuế GTGT đối với  dự án đầu tư mở rộng ở cùng tỉnh, TP trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế. 

 Theo ông Hiển, điều này để tránh doanh nghiệp lợi dụng chuyển đổi mục đích đầu tư để được giữ lại số thuế đã được ngân sách Nhà nước hoàn, bảo đảm công bằng và khuyến khích các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa đầu tư mở rộng quy mô, mở rộng dự án, tránh phân biệt đối xử, không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ở địa bàn khó khăn.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển báo cáo giải trình, tiếp thu trước UBTVQH

Đặc biệt, để khuyến khích chăm sóc những người yếu thế trong xã hội, theo Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển, Thường trực Ủy ban TCNS, Cơ quan soạn thảo đề nghị bổ sung quy định miễn thuế GTGT cho dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật. Nội dung này được thể hiện tại khoản 2 Điều 1 của Dự thảo luật.

Liên quan đến dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, có ý kiến cho rằng, Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) mới kết thúc đàm phán, chưa ký kết, chưa trình Quốc hội để phê chuẩn. Cho nên, đợi sau khi ký kết Hiệp định TPP mới tiến hành sửa đổi. Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, việc sửa đổi luật trước khi Hiệp định TPP có hiệu lực với nhiều nội dung cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh (như miễn thuế nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của dự án đầu tư, thuế phòng vệ thương mại,...); bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện cam kết quy định trong Hiệp định TPP khi được Quốc hội thông qua, cũng như các hiệp định thương mại tự do đang thực hiện hoặc vừa ký kết.

“Cơ quan soạn thảo đã rà soát đưa vào Dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) các nội dung của Hiệp định, đảm bảo phù hợp với nội dung Hiệp định TPP (như thuế xuất khẩu ưu đãi, tiền thuế tối thiểu không thu, miễn thuế đối với hàng mẫu không có giá trị thương mại, ấn phẩm quảng cáo...)”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị, trình Quốc hội thông qua dự án luật.

 Bỏ lộ trình giảm trong năm 2019

Liên quan thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô dưới 24 chỗ, có ý kiến cho rằng, chia nhỏ và giảm thuế suất quá sâu đối với dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước và chủ yếu ưu đãi cho xe nhập khẩu. 

Theo Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp Ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp Ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ tập trung ưu tiên phát triển đối với phân nhóm dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ, sử dụng ít nhiên liệu, phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam. 

 

           Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, qua thống kê sơ bộ 9 tháng đầu năm 2015, số lượng xe có dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 trở xuống nhập khẩu bán ra trong nước khá lớn, khoảng 8.650 chiếc, chiếm khoảng 89% số lượng xe có dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 trở xuống tiêu thụ trên thị trường.

”Nếu quy định như Dự thảo luật dễ dẫn đến việc các doanh nghiệp lợi dụng nhập khẩu dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ để bán trong nước mà không chú trọng đầu tư phát triển như mục tiêu của Chiến lược”, ông Hiển cho biết. 

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị không chia nhỏ dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3. Đồng thời, điều chỉnh giảm thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 mỗi năm giảm xuống 5% so với thuế suất hiện hành và bỏ lộ trình giảm trong năm 2019, điều chỉnh lại lộ trình tăng thuế suất đối với loại xe có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 đến 3.000 cm3. 

Theo đó, loại có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống, từ ngày 1/7/2016 áp dụng thuế suất 40% (giảm 5% so với hiện hành), từ ngày 01/01/2018 áp dụng thuế suất 35% (giảm 10% so với hiện hành). Loại có dung tích xi lanh trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3, từ ngày 1/1/2018 áp dụng thuế suất 40% (giảm 5% so với hiện hành).
Còn loại xe có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3, từ ngày 1/7/2016 áp dụng thuế suất 55% (tăng 5% so với hiện hành), từ ngày 1/1/2018 áp dụng thuế suất 60% (tăng 10% so với hiện hành).

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đặt vấn đề: Vậy tác động của thuế xuất nhập khẩu với ngành sản xuất ô tô trong nước như thế nào?.

Giải trình thêm, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết, ban đầu dự thảo luật quy định, thuế suất với xe 1.500 cm3 trở xuống và chia nhỏ. Tuy nhiên, lần này sửa là xe từ 2.000 cm3 trở xuống và không chia nhỏ nữa. “Về cơ bản đã giải quyết được vấn đề, không có tác động gì lớn, đảm bảo được việc sản xuất ô tô trong nước", ông Hiển nói.

Thanh Nhung/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh