CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:19

Messi chạm mốc 600 bàn cho Barca

Thực hiện siêu phẩm sút phạt trực tiếp vào lưới Liverpool ở phút 82, Lionel Messi có bàn thứ 600 cho Barca. Anh là cầu thủ thứ bảy đạt cột mốc này ở cấp CLB, sau Josef Bican, Ferenc Puskas, Pele, Gerd Muller, Romario và Cristiano Ronaldo.

Bàn thứ 599 của Messi cũng là một tác phẩm trong trận thắng Liverpool: cú đá bồi nâng tỷ số lên 2-0. Nhờ hai bàn trong vòng bảy phút của tiền đạo người Argentina, Barca giành lợi thế lớn trước trận bán kết lượt về giữa tuần sau.

Messi vui ừng khi ghi bàn thắng thứ nhất.

Messi ghi bàn đầu tiên cho Barca vào ngày 1/5/2005, thời điểm anh tâng bóng vào lưới Albacete. Trong tròn 14 năm, Messi không chỉ liên tục gia tăng thành tích, mà còn trở thành một trong những ngôi sao sáng nhất với năm Quả Bóng Vàng, 10 La Liga và bốn Champions League. Messi cũng đang giữ kỷ lục năm lần giành Giày Vàng châu Âu và danh hiệu Quả Bóng Vàng World Cup 2014.

Để có 600 bàn cho Barca, Messi thi đấu 683 trận. Thành tích của anh nhiều hơn 368 bàn so với người lập công nhiều thứ hai trong lịch sử CLB, Cesar Rodriguez (232 bàn).

Messi hiện cũng có 26 bàn trong 33 trận gặp các đối thủ Ngoại hạng Anh tại Champions League, kỷ lục của một cầu thủ khi đối đầu với một giải vô địch. Cristiano Ronaldo cũng chia sẻ kỷ lục này với 26 bàn vào lưới các đối thủ Đức.

Bàn thắng: Suarez 26', Messi 75', 82'.

Trước vòng bán kết Champions League, Mauricio Pochettino nhận định: "Nếu nhìn vào loạt trận tứ kết, không có đội nào mạnh hơn hẳn phần còn lại. Tuy nhiên, đội sở hữu Lionel Messi sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng hơn. Ở đây, tôi muốn nói đến Barca. Nếu không có Messi, các đội đều có 25% cơ hội như nhau". Hai ngày sau phát biểu của HLV Tottenham, siêu sao người Argentina chứng tỏ, ông thầy người đồng hương không hề tâng bốc quá đà. Đội trưởng Barca ghi hai bàn vào lưới Liverpool ở bán kết lượt đi, dù trước đó nhiều phen thở dốc, ho khan, và rời sân Nou Camp với khuôn mặt đỏ ửng vì mệt.

Chủ nhân năm Quả Bóng Vàng nối dài chuỗi trận thăng hoa ở Champions League, sau khi giải lời nguyền "tứ kết". Trước khi mở tài khoản bàn thắng, dấu ấn của Messi không thật đậm nét. Anh liên tục bị cặp trung vệ Liverpool là Virgil Van Dijk cùng Joel Matip theo sát. Cộng với thể lực không đảm bảo do phải cày ải liên tục với cường độ ba ngày một trận, siêu sao 31 tuổi thường hụt hơi và thiếu chỉn chu ở những pha bóng quyết định.

Niềm vui của cầu thủ Barca, những người đã đặt một chân vào chung kết. 

Dù vậy, khi tâm lý được giải toả bằng pha đệm bóng vào lưới trống ở phút 75, Messi lập tức thăng hoa. Bảy phút sau đó, số 10 Barca vẽ đường cong hoàn hảo từ cự ly ngoài 30 met, găm bóng vào góc cao khung thành Alisson Becker, ấn định chiến thắng 3-0 cho chủ sân Nou Camp. Tỷ số đáng ra phải đậm hơn, nếu cầu thủ vào thay người Ousmane Dembele đệm bóng chính xác hơn từ cự ly hơn 10 met, trong thế không bị kèm, sau đường chuyền của Messi. Dù vậy, cách biệt ba bàn là quá đủ để người Catalonia mở hội trong đêm 1/5.

Khác với phát biểu coi thường sức nóng sân Nou Camp trước trận, Jurgen Klopp lộ sự e dè khi xếp Joe Gomez - một người có khả năng phòng ngự tốt nhưng tấn công chỉ ở mức trung bình - trấn giữ hành lang phải, thay vì phương án quen thuộc Trent Alexander-Arnold. Sự lo lắng của HLV người Đức không thừa bởi hướng tấn công chính trong cả trận của Barca là ở bên cánh trái. Ngay phút thứ ba, Barca tạo ra sóng gió từ chính vị trí mà Gomez trấn giữ. Ivan Rakitic xâm nhập cấm địa, và căng ngang nhằm vào vị trí của Arturo Vidal phía trong, nhưng Matip kịp giơ chân cản lại.

Gomez có thể hình và tốc độ nhưng cảm giác không gian hạn chế do không thường xuyên đá chính. Sự non nớt của hậu vệ này giúp hậu vệ trái Jordi Alba có một trong những trận đấu hay nhất sự nghiệp. Ngoài pha kiến tạo thành bàn cho Luis Suarez, nhà vô địch Euro 2012 còn có hai đường chuyền mở ra cơ hội khác (nhiều nhất đội) nhưng đồng đội không tận dụng được. 

So với đồng đội bên cánh phải, Andrew Robertson có một trận cầu đáng xem hơn nhiều. Hậu vệ trái người Anh chính là chìa khoá giúp Liverpool thoát pressing tầm cao của chủ nhà. Với hai tiền vệ trung tâm lùi thấp, đội bóng Anh chủ động chuyền một chạm bên sân nhà, đưa bóng sang cánh của Robertson, trước khi cầu thủ này chuyền dọc biên lên phía trên cho Sadio Mane. Tuy nhiên, sự thiếu vắng Roberto Firmino, người có khả năng làm tường và trung chuyển bóng ở trung lộ khiến những pha dàn xếp của Liverpool thường bị gãy. Họ buộc phải tìm lối thoát ở hai cánh, nơi Mohamed Salah được khuyến khích cầm bóng đột phá. Chính từ một đường chuyền sệt từ cánh phải của James Milner ở phút 35, Mane có cơ hội đối mặt với Marc-Andre Ter Stegen, nhưng tiền đạo người Senegal bỏ lỡ.

Suarez không giấu niềm vui khi xé lưới đội bóng cũ. Ảnh: UK.

Suarez không giấu niềm vui khi xé lưới đội bóng cũ. 

Valverde sử dụng sơ đồ 4-3-1-2, với Philippe Coutinho đá sau lưng cặp tiền đạo Messi - Suarez. Ở tuyến giữa, ông thầy người Tây Ban Nha bó chặt trung lộ bằng ba tiền vệ trung tâm gồm Sergio Busquets, Rakitic, Arturo Vidal, và ý đồ này thành công mỹ mãn. Khi có bóng, Busquets lùi về ngang cặp trung vệ, hai hậu vệ biên dâng cao, biến sơ đồ thành 3-4-1-2. Barca bình tĩnh thoát pressing tầm cao của đối thủ bằng số cầu thủ nhỉnh hơn bên phần sân nhà. Nếu ba tiền đạo Liverpool áp sát cấm địa, Barca tận dụng thủ thành Ter Stegen để tạo thế bốn đánh ba. Nếu sáu cầu thủ áo trắng cùng tạo bẫy pressing, Messi lùi về, tăng quân số ở trung lộ lên thành bảy người (hai trung vệ, bốn tiền vệ trung tâm và Messi). Dù Liverpool chạy pressing rất nhiều, đặc biệt trong khoảng 10 phút đầu trận, các học trò của Valverde không gặp nhiều khó khăn trong việc giữ bóng.

Kiểm soát được bóng nhưng Barca không tham "đá ma" như trận thắng Man Utd 3-0 cũng tại Nou Camp cách đây hai tuần. ESPN trước trận cho biết, Valverde đã xem hàng chục trận đấu của Liverpool từ đầu mùa và ấp ủ ý tưởng về những đường chuyền xuyên tuyến - vũ khí từng giúp Man City của Pep Guardiola đánh bại "The Kop". Trong lần đầu áp dụng thứ bóng đá lạ lẫm, Barca thành công mỹ mãn. Phút 26, Messi khiến Fabinho bị phân tâm khi lững thững đi bộ trước cấm địa, với thân người xoay nghiêng như thể chuẩn bị nhận đường chuyền ngang của Alba. Trong tích tắc lưỡng lự, Fabinho không kịp ập vào hậu vệ trái Barca và để Alba chọc khe chéo xuống cho Suarez, người vừa kịp di chuyển giữa bộ đôi trung vệ cao to của Liverpool, rồi vòng ra trước mặt Matip để nhoài người dứt điểm cận thành, mở tỷ số. Trước đó, Vidal có đường chuyền hướng tấn công chính xác từ cánh phải sang trái cho Coutinho, để tiền vệ người Brazil nhả lại cho Alba kiến tạo.

Khoảnh khắc loé sáng của Suarez là sự khác biệt giữa hai đội trong 45 phút đầu tiên, khi mà mọi thống kê đều chỉ ra rằng Liverpool đá ngang ngửa Barca: từ tỷ lệ kiểm soát bóng (48%-52%), số lần dứt điểm (6-5), số lần phạt góc (cùng một lần), tỷ lệ chuyền chính xác (83%-86%), số lần rê bóng thành công (9-10), số lần tắc bóng thành công (10-9). Dấu ấn ấy càng rõ nét bởi ở pha bóng sau đó 10 phút, Mane không thể đưa bóng vào lưới Barca trong một tình huống tương tự.

Không thành công trong việc để Georginio Wijnaldum trám vào vị trí của Firmino trong sơ đồ 4-3-3, Klopp chuyển sang sơ đồ 4-2-3-1 sau giờ nghỉ, với Salah đá cao nhất, và bộ ba Mane, Milner, Wijnaldum chơi sau lưng. Mục đích của nhà cầm quân người Đức là sử dụng những đường chuyền tam giác, tạo khoảng trống cho tuyến hai băng lên. Ý đồ này phát huy tác dụng đặc biệt trong 15 phút đầu hiệp hai. Những pha bóng sóng gió từ chân Milner và Salah liên tiếp xuất hiện, buộc Ter Stegen phải làm việc vất vả.

Phút 60, Valverde đưa Nelson Semedo vào thay Coutinho, đồng thời đẩy Sergi Roberto lên làm tiền vệ trung tâm thứ tư, để khép các khoảng trống ở hai hành lang trong. Với một hàng tiền vệ bốn người giăng ngang đứng gần nhau, Barca chỉ chịu thêm một lần uy hiếp trong 30 phút còn lại, ít hơn nhiều so với ba lần thót tim trong 15 phút đầu hiệp hai. Chủ nhà cũng lùi đội hình xuống sâu hơn, đá kiểu ru ngủ, chờ sự nôn nóng từ Liverpool.

Nỗi thất vọng của cầu thủ Liverpool. Ảnh: Reuters.

Nỗi thất vọng của cầu thủ Liverpool

Trong cuộc đấu trí này, Valverde lần nữa chiến thắng. Klopp không chấp nhận tỷ số thua 0-1 trên sân khách lượt đi và liên tục xua quân tràn sang phần sân Barca. Trong 45 phút cuối trận, họ dứt điểm gấp đôi đối thủ (9 so với 5), nhưng hiệu quả kém xa. Ở tình huống để thua thứ hai, sau khi bị Barca "ru ngủ" 15 phút, hàng tiền vệ Liverpool không lùi về kịp và để Messi nhận bóng trước khung thành chừng 30 met, khi trước mặt chỉ còn năm cầu thủ áo trắng. Linh hồn của Barca khéo léo rê bóng sang phải, kéo theo sự chú ý của hai hậu vệ Liverpool, rồi nhả ngược sang phía trái cho Suarez thoát xuống. Cú dứt điểm của tiền đạo người Uruguay chạm xà ngang, nhưng Messi kịp băng vào sút bồi từ cự ly gần.

Thua 0-2 trên sân khách lượt đi, trong giai đoạn mà Champions League luôn tiềm ẩn đầy rẫy bất ngờ, không phải một tỷ số quá tệ cho Liverpool. Nhưng Klopp, thay vì chơi an toàn, hạn chế sự hưng phấn của Barca, lại quyết định đặt cược tất cả ngay tại thánh địa của đối thủ. Ông tung Firmino vào sân ba phút sau bàn thua thứ hai, với mộng tưởng sẽ có bàn rút ngắn làm vốn trước khi trở lại Anfield, nhưng mọi thứ không như ý nhà cầm quân 51 tuổi. Fabinho phạm lỗi trong khu vực nguy hiểm. Dù khoảng cách khá xa, Messi vẫn tạo ra phép màu để lần thứ ba xé lưới Alisson.

Liverpool không thể có bàn rút ngắn, dù hai phút sau bàn thua thứ ba, họ tạo được một tình huống lộn xộn, trước khi Salah đưa bóng chạm cột dọc. Mọi thứ thậm chí có thể xấu hơn rất nhiều với đội khách trong năm phút bù giờ, thời điểm Barca có ba pha phản công ở thế nhiều đánh ít. Dù bỏ lỡ cả ba, thầy trò Valverde coi như đặt một chân vào chung kết nhờ cách biệt ba bàn trên sân nhà.

Đội hình thi đấu

Barca: Ter Stegen, Roberto, Pique (Alena 90'+3), Lenglet, Alba, Rakitic, Busquets, Vidal, Messi, Coutinho (Semedo 60'), Suarez (Dembele 90'+3).

Dự bị không sử dụng: Cillessen, Malcom, Arthur, Umtiti.

Liverpool: Alisson, Gomez, Matip, Van Dijk, Robertson, Wijnaldum (Firmino 79'), Keita (Henderson 24'), Fabinho, Milner (Origi 85'), Mane, Salah.

Dự bị không sử dụng: Mignolet, Lovren, Shaqiri, Alexander-Arnold.

Đông Hải (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh