“Mẹo” dinh dưỡng giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh
- Y học 360
- 20:29 - 11/02/2017
Trẻ dưới 6 tuổi có thể ăn 4 - 6 quả trứng/tuần
Mong mỏi mãi mới có được nàng công chúa nên chị Nguyễn Thu Trang, phố Tam Chinh, Hà Nội, hết lòng chăm sóc bé Thục Anh. Khi con gái bước vào tuổi ăn dặm, chị Trang tham khảo cách chăm sóc dinh dưỡng cho bé từ mọi “kênh”: Qua internet, kinh nghiệm bạn bè, kết hợp với sự tư vấn của hai bên nội - ngoại... Ấy thế nhưng không hiểu sao, công chúa nhỏ vẫn cứ còi, 2 tuổi mà bé nặng có 9 kg.
“Nhìn con gái mà em xót hết cả ruột. Nhưng cũng chẳng biết làm thế nào vì đã cố gắng hết mức, ai mách gì cũng mua, lúc nào cũng chăm chăm cho con ăn nhưng còi vẫn hoàn còi. Em cũng bé đi khám Viện Dinh dưỡng rồi, nhưng cháu vẫn lười ăn và chẳng chịu tăng cân. Em chỉ lo ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của con”,chị Trang chia sẻ.
Theo PGS.TS Lê Thị Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, hiện nay, chẳng cứ gì trẻ em ở vùng sâu, vùng xa bị suy dinh dưỡng mà tình trạng này xuất hiện khá nhiều trong các gia đình khá gia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.Trường hợp bị suy dinh dưỡng như bé Thục Anh nhà chị Trang là một ví dụ nhỏ mà nguyên nhân phần lớn do các gia đình mắc một số sai lầm trong chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ.
Các mẹ cần chú ý bổ sung đủ dầu/mỡ trong khẩu phần ăn cho trẻ hàng ngày. Ảnh: VDD
“Nhiều gia đình vẫn sử dụng thực phẩm giàu đạm không đúng cách: Chỉ cho trẻ ăn dưới dạng nước xương hầm, nước thịt (ít hoặc không dùng cái, sợ trẻ hóc)… Nhiều bà mẹ không chú ý sử dụng nguồn chất đạm khác như trứng do sợ trẻ đầy bụng hoặc hạn chế cho trẻ ăn tôm, cua do sợ trẻ ho, ỉa chảy. Nhiều gia đình cũng không biết dùng các loại đậu đỗ, lạc, vừng là nguồn đạm thực vật để thay đổi thực đơn cho trẻ…”, PGS.TS Bạch Mai cho hay.
Đơn cử, trứng là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, rất tốt cho việc hình thành não bộ của trẻ trong những năm đầu đời. Trong trứng có đủ các thành phần dinh dưỡng: Chất đạm, chất béo, canxi, sắt, kẽm, các vitamin B12, vitamin D, các acid béo no… Với trẻ độ tuổi ăn dặm từ 6 - 7 tháng tuổi, mỗi bữa ăn 1/2 lòng đỏ trứng gà; trẻ từ 8 - 9 tháng tuổi, mỗi bữa ăn 1 lòng đỏ trứng gà; trẻ dưới 6 tuổi thì có thể ăn 4 - 6 quả trứng/tuần.
Theo PGS. TS Bạch Mai, các cha mẹ cũng cần thay đổi thái độ “thờ ơ” với dầu/mỡ khi nấu ăn, cho rằng dầu mỡ khó tiêu hóa, dễ khiến trẻ tiêu chảy. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định chất béo (gồm dầu, mỡ) thuộc nhóm chất dinh dưỡng chính, giúp cho sự phát triển sớm về trí tuệ và thể lực, giữ vai trò quan trọng đối với việc hình thành hệ thần kinh trung ương của trẻ.
Với trẻ dưới 1 tuổi, năng lượng do chất béo cung cấp phải trên 40%, với trẻ 1-2 tuổi năng lượng do chất béo cung cấp khoảng dưới 40%tổng năng lượng khẩu phần. Các thiếu hụt về chất béo trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày sẽ ảnh hưởng đến chức năng nhiều cơ quan, đặc biệt là hệ thần kinh.
“Đối với trẻ em, khẩu phần dinh dưỡng cần đảm bảo đủ chất béo căn cứ trên tình trạng sức khỏe cụ thể. Như với trẻ dưới 2 tuổi, năng lượng do chất béo cung cấp phải đạt khoảng 40% tổng năng lượng khẩu phần, cũng tức là trung bình các mẹ cần cho từ 6 - 8 ml dầu/mỡ trong bát bột (200 ml). Trong đó, cần cân đối 2/3 số chất béo là thực vật, 1/3 là động vật”, PGS.TS Lê Thị Bạch Mai khuyến cáo.
Chú trọng chăm sóc 1.000 ngày vàng của con trẻ
Chuyên gia dinh dưỡng cũng chia sẻ các bà mẹ nên chú ý hơn trong việc cho trẻ uống nước. Đôi khi trẻ khát trong khi ăn, nếu cho uống một lượng nước nhỏ, trẻ sẽ hết khát và ăn được nhiều hơn.
Với trẻ không được bú sữa mẹ cần được chăm sóc đặc biệt hơn. Những trẻ này khi đạt được 6 - 24 tháng, cần khoảng 2 - 3 cốc nước một ngày (250 ml/cốc), khi thời tiết nóng là 4 - 6 cốc nước/ngày. Lượng nước này có thể tính cả lượng cháo hay súp, nhưng trẻ cũng cần được cho uống nước vài lần trong ngày để đảm bảo trẻ không bị khát.
Để giúp trẻ triển mạnh khỏe, BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng, còn lưu ý, các bậc phụ huynh tuyệt đối không được “tặc lưỡi” cho rằng “lớn lên sẽ “nuôi dưỡng/chăm sóc bù”.
Thực tế khoa học đã chứng minh suy dinh dưỡng đầu đời có thể dẫn đến những tổn thương không phục hồi được đối với sự phát triển của não, hệ miễn dịch và tăng trưởng thể lực. Trẻ có não kém phát triển những năm đầu đời sẽ có nguy cơ về các bệnh của hệ thần kinh sau này: Học tập kém, bỏ học sớm hơn, kỹ năng làm việc kém...
Đặc biệt, giai đoạn 1.000 ngày đầu đời chính là cửa sổ cơ hội để phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng như: Thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa, các bệnh tim mạch, huyết áp, loãng xương. Vì vậy, việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ từ khi còn trong vào thai đến khi trẻ được 2 tuổi là rất quan trọng, sẽ quyết định đến chiều cao, cân nặng, bệnh tật và bộ não khi trẻ trưởng thành.
“Nếu giai đoạn 1.000 ngày vàng không được chăm sóc nuôi dưỡng tốt thì dù chúng ta có nỗ lực đến đâu cũng không thể bù đắp được cho trẻ sau này vì hầu như mọi chuyện đã được “an bài”. Bởi vậy, việc hỗ trợ dinh dưỡng ở giai đoạn này cần đạt kết quả tối ưu so với bất kỳ giai đoạn nào khác trong cuộc đời của trẻ”, BS Tiến nhấn mạnh.