“Mặt trời vẫn tỏa sáng ở Việt Nam"
- Huyệt vị
- 18:22 - 01/01/2020
Forbes vừa đưa ra dự báo Việt Nam sẽ nằm trong danh sách những nền kinh tế châu Á đang phát triển tăng trưởng nhanh nhất vào năm 2020. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt mức 6,7% trong năm 2020.
Trước đó, Tổng cục Thống kê cũng đã công bố mức tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6%-6,8%.
Trong đó, quý I tăng 6,82%, quý II tăng 6,73%, quý III tăng 7,48%, quý IV tăng 6,97%. Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 7,08% của năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của các năm 2011- 2017.
Động lực tăng trưởng chính của kinh tế năm 2019 tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ thị trường (vận tải kho bãi tăng 9,12%, bán buôn bán lẻ tăng 8,82%, hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%).
Mức tăng GDP năm 2019 của Việt Nam thậm chí còn cao hơn mức dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) khi trong ngày 11/12 vừa qua. Ngân hàng này bày tỏ sự lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam nên đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP 2019 của Việt Nam đạt 6,9%, tăng 0,1% so với dự báo của chính ADB hồi tháng 9/2019.
Báo cáo khảo sát được Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) công bố hồi cuối tháng 11 cho thấy giới doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là một trong những địa điểm đầu tư rất hứa hẹn trong trung và dài hạn.
Theo kết quả khảo sát đối với các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại thị trường nước ngoài, tỷ lệ bình chọn Việt Nam là điểm đầu tư hứa hẹn đạt 36,4%, tăng 2,5 điểm phần trăm so với năm 2018, qua đó đưa Việt Nam từ vị trí thứ 4 lên vị trí thứ 3 trong danh sách xếp hạng của JBIC. Trong số 10 thị trường đầu tư hàng đầu đối với doanh nghiệp Nhật Bản Việt Nam là nước có tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng nhất.
Về triển vọng trong thời gian 10 năm tiếp theo, Việt Nam cũng đứng ở vị trí thứ 3 với 34,8%, đứng sau Ấn Độ và Trung Quốc với tỷ lệ phiếu bầu lần lượt là 52,4% và 40,2%.
Trước đó, tạp chí U.S. News & World Report cũng công bố xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất để đầu tư trong năm nay, theo đó, Việt Nam xếp thứ 8 trong tốp 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019, tăng từ vị trí 23 của năm ngoái.
Để đưa ra bảng xếp hạng 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019, U.S. News & World Report đã khảo sát hơn 21.000 người từ 80 quốc gia trên thế giới, trong đó, lấy ý kiến của khoảng 7.000 lãnh đạo công ty trên toàn cầu để đưa ra quyết định.
Báo Liên hợp mới đây, dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho biết, vốn FDI chảy vào Việt Nam từ tháng 1-11/2019 đạt 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có tới 67,8% tổng số vốn được đầu tư phát triển cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, 10,4% thuộc về lĩnh vực bất động sản.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới, đồng thời cũng là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Tính đến nay, Việt Nam có 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có hiệu lực, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giữa nước này với 10 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác. Thêm vào đó, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cuối tháng 6/2019 cũng đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) sau 9 năm đàm phán.
Đáng chú ý, WB bày tỏ sự lạc quan vào nền kinh tế của Việt Nam với một nhận định nổi tiếng được nhắc đến nhiều trong hai ngày qua: "Mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu với tăng trưởng kinh tế và lưu lượng thương mại thấp hơn dự kiến cho năm 2019. Tuy nhiên, mặt trời vẫn tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam với dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2019 - chỉ thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với năm 2018. Vì không thể bỏ qua rủi ro về những ngày xấu trời, Chính phủ đã rất đúng khi chú trọng hỗ trợ khu vực tư nhân trong nước, coi đó là kênh để bù đắp cho khi sức cầu bên ngoài suy giảm".