Mật ong hóa thạch trăm năm: Con chữa ho, mẹ làm đẹp
- Các loại bệnh
- 15:49 - 12/10/2015
Tại Hội chợ Sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2015 (Hà Nội) xuất hiện loại mật ong hóa đá khá lạ.
Anh Nguyễn Duy Mạnh ở Hà Giang - chủ nhân của gian hàng có trưng bày loại mật ong hóa đá - cho biết, mật ong hóa đá khác hoàn toàn với những loại mật ong mà dân vẫn thường thấy, loại mật này không phải dạng lỏng mà cứng như đá, bên ngoài tảng mật ong đã bị rêu bao phủ và mọc xanh kín hết cả bề mặt, bên trong tảng mật ong có màu vòng óng ả, khi nếm ăn thử sẽ thấy có vị ngọt thơm. Nói xong, anh Mạnh chỉ ngay vào tảng mật ong mà thoạt nhìn ai cũng tưởng đó là một tảng đá nặng cả chục kg.
Mật ong hóa đá trăm năm được khai thác ngoài tự nhiên đang được trưng bày và bán tại Hà Nội với giá 1 triệu đồng/kg.
Để có được loại mật ong hóa đá này phải mất đến cả trăm năm mới hình thành được. Bởi theo anh Mạnh giải thích, lượng nước trong mật ong rất khó bốc hơi, khi ong bay đi chỗ khác làm tổ, quá trình bốc hơi nước phải mất nhiều năm nên mật ong mới dần dần khô lại và cứng như đá.
“Do khai thác ngoài tự nhiên nên loại mật ong hóa đá vẫn thuộc hàng hiếm trên thị trường. Người dân tộc trên vùng Hà Giang thường dùng loại mật ong này để ngâm rượu, đun nước uống chữa các bệnh liên quan đến đường ruột, hô hấp. Ngoài ra, một số người còn dùng mật ong hóa đá xay nhỏ ra trộn với lòng đỏ trứng gà đắp mặt nạ làm đẹp”, anh Mạnh nói.
Ngoài ra, anh Mạnh cũng cho biết, mỗi tảng mật ong hóa đá này nặng chục kg, có tổ to mật nhiều còn nặng vài chục kg. Hiện anh đang trưng bày và bán với giá 1 triệu đồng/kg mật, khách hỏi mua cũng khá nhiều.
Ông Lê Văn Trung ở Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa mua 1kg mật ong hóa đá cho biết, nhìn xa cứ nghĩ là tảng đá có màu vàng như hỏi ra và nếm thử mới biết đó là mật ong. “Tôi vừa mới mua 1kg về ngâm rượu để uống thử xem sao vì mật ong dạng lỏng thì sử dụng đã nhiều, còn mật ong mà cứng như đá thế này thì đây là lần đầu tiên tôi thấy”, ông khoe.
Bề ngoài tảng mật ong bị rêu phủ kín, bên trong có màu vàng óng.
Lý giải về hiện tượng mật ong hóa đá, theo các nhà khoa học, mật ong tiêu chuẩn mới khai thác có tỷ lệ nước khoảng 19-20%, hàm lượng đường tổng số (chủ yếu là hai loại đường đơn là đường glucoz và fructoz) khoảng 80%, ngoài ra còn có protein, axit, muối khoáng và một số vitamin nhưng có tỷ lệ thấp.
Sau một thời gian một số mật vẫn ở trạng thái lỏng nhưng nhiều loại mật chuyển sang dạng hạt lổn nhổn gọi là mật kết tinh. Nguyên nhân mật kết tinh là do tỷ lệ đường glucoza/fructoza trong mật cao nghĩa là mật ong lấy từ hoa của cây nguồn mật có hàm lượng đường glucoza càng cao thì càng nhanh kết tinh. Ngoài ra, điều kiện nhiệt độ bảo quản cũng ảnh hưởng đến việc kết tinh nhanh hay chậm. Cụ thể, khi nhiệt độ trên 25 độ C thì mật không kết tinh nhưng khi trời lạnh 8-20 độ C, đặc biệt là ở nhiệt độ 14 độ C mật kết tinh nhanh nhất.
Nhiều người tò mò vì lần đầu tiên thấy loại mật ong cứng như đá này.
Thông thường mật ong được bảo quản ở trong chai hoặc các vật chứa kín thì mật cũng kết tinh nhưng ở dạng mềm không cứng như đá được. Còn khi ở điều điều kiện thoáng, khô, lạnh, hơi nước trong mật tiếp tục bốc hơi đi thì mật ong sẽ cứng như đá.
Ở Việt Nam, loài ong đá (Apis laboriosa) xây tổ và dự trữ mật vào mùa thu hoặc đầu vụ đông ở một số vùng núi cao. Do ở đây có loại cây nguồn mật mà mật hoa của nó có tỷ đường glucoza cao lại gặp nhiệt độ thấp (tổ ong ở độ cao trên 1.200m) mật ong sẽ bị kết tinh ngay trong bánh tổ, hơn nữa độ ẩm không khí mùa thu-đông thấp, nước trong mật kết tinh tiếp tục bốc hơi đi và mật sẽ bị cứng lại. Đặc biệt, qua quá trình thời gian, mật ong càng ngày càng cứng như đá, các loài côn trùng hoặc động vật cũng không thể ăn được nên vẫn tồn tại qua nhiều năm.
Loại mật ong hóa đá là loại mật rất hiếm. Ở huyện Tân Uyên, Phong Thổ (Lai Châu) sườn tây của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở Sơn La, Hà Giang ngày trước cũng có một số tổ của loài ong này, nhưng được người săn ong theo dõi hàng tuần, khi thấy có nhiều mật là họ lấy luôn nên không thấy hiện tượng mật ong hóa đá nữa.