THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:37

Đừng để mất hạnh phúc vì... cam chịu!

“Tôi có vợ tôi dạy”

Cảnh tượng hãi hùng ấy diễn ra trước cửa nhà anh Huy, chị Mai. Lúc này bà con trong thôn đã chạy ra can ngăn, nhưng anh chồng nọ vẫn hùng hổ chĩa tay dao vào phía trong nhà chị Mai, chửi đổng: “Đ... mẹ con kia, mày có ra không thì bảo, tao phá tan cửa thì mày chỉ còn nước nát xương thịt...”. Vằn mắt nhìn mọi người đứng vây xung quanh, anh ta nói sõng: “Mọi người tránh ra, tôi có vợ tôi dạy, đừng can thiệp mà thiệt thân...”.

Tìm hiểu sự tình từ chị Mai, tôi được biết vợ của người đàn ông ấy đang lẩn trốn đòn của chồng ở phía bên trong nhà của chị. Lắc đầu ngán ngẩm, chị Mai nói: “Em thấy đấy, nhà của anh chị mà nó có nể nang gì đâu, còn đòi phá cửa nữa chứ. Khổ thân con vợ nó, nếu không cho nó trốn nhờ thì thằng chồng nó chém chết. Cứ vài ngày lại một trận như thế, hết chạy trốn ở nhà này lại qua nhà kia...”. Nhưng sao không báo với chính quyền để có cách xử lý?”, - Tôi hỏi. “Có chứ, nói chán rồi, nhưng con này nó không nghe, nó sợ phải liên đới tới nhiều chuyện khác. Chính vì vậy mà mỗi khi trong khu báo đi sinh hoạt hội phụ nữ, nó đều trốn biệt. Hoàn cảnh nó khổ và đáng thương lắm em à...” - chị Mai buông tiếng thở dài.

Đắng cay kiếp chung chồng

Được biết, Thanh (người chồng) và vợ là An cùng quê Hạ Hòa, học xong cấp ba cả hai đều ở nhà làm nông nghiệp, “lửa gần rơm” nhanh bén, họ yêu nhau và đi đến hôn nhân. Ngày ấy, cả hai chí thú làm ăn nên cuộc sống đỡ vất vả, nhiều cặp vợ chồng trẻ nhìn vào hạnh phúc của họ, lấy đó làm gương phấn đấu noi theo.

Chẳng ngờ, chuyện muộn mằn con cái đã tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ mái nhà vốn đang yên ấm. Sau nhiều lần đi khám tại các bệnh viện ở Trung ương và địa phương mà chưa có kết quả, Thanh bàn với An làm thủ tục xin con nuôi, vì theo như lời các cụ truyền lại “cứ xin con nuôi thì sẽ nhanh mang thai”. Thuận vợ, thuận chồng nên bé Hường được đón về nhà, mang theo tiếng cười trẻ thơ, cháu mỗi lớn mỗi khôn, nay đã học lớp 5 và luôn học giỏi.

Thế nhưng, đã chục năm trôi qua mà An chưa có tin vui để báo với chồng. Hàng xóm nhìn vào thấy gia đình họ vẫn “trong ấm, ngoài êm”...

Cách đây hơn hai năm, mùa màng thu hoạch xong, trong lúc nông nhàn, Thanh và một số người trong làng rủ nhau sang địa phương khác làm thêm. Xa nhà sinh tật, Thanh quen biết một phụ nữ tên Thủy đã có hai con. Ban đầu họ quan hệ lén lút, khi bị phát hiện thì Thanh chẳng những “cai” mà còn nhân cơ hội này đưa Thủy về ra mắt vợ và tuyên bố “sẽ cưới làm vợ hai”.

Quá bất ngờ và đau đớn, An không chấp nhận, chị cùng người thân dùng mọi lời lẽ để khuyên nhủ Thanh, nhưng anh ta bỏ ngoài tai tất cả. Đã vậy, người chồng tội lỗi ấy còn thường xuyên mắng chửi và đánh đập vợ.

 Trước cảnh chướng tai gai mắt, An nhiều lần muốn bỏ nhà ra đi, nhưng nghĩ đến hạnh phúc mình từng nắm giữ, lại tiếc công lao hơn chục năm gây dựng, chị đành tặc lưỡi ở lại làm “người thừa”, hàng ngày hứng đủ mọi lời nói thiếu văn hóa cùng những trận đòn roi của chồng. “Có những lúc  tưởng chừng kiệt sức, muốn trở về với bố mẹ đẻ, nhưng tĩnh tâm lại, sợ ông bà buồn nên em cố cam chịu một mình”, An tâm sự.

Cần sự góp sức của cả cộng đồng

Theo lời An, đã hai năm chị chịu đựng cảnh chồng chung. Hỏi An về sự can thiệp của chính quyền địa phương và tổ chức Hội Phụ nữ, chị nói: “Xấu chàng hổ ai, với lại em cũng cố níu kéo, mong có ngày anh ấy bình tâm lại”. Giải thích về sự cam chịu của mình, An bảo “ở quê tất thế”. Hóa ra, ngoài An còn có mấy phụ nữ khác trong thôn cũng sống tủi khổ vì chồng có tình nhân sau những chuyến làm ăn xa. Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ, giọng người vợ bất hạnh ấy nghẹn lại: “Chúng em là phụ nữ thôn quê, suốt ngày chân lấm, tay bùn, chẳng mấy khi ra khỏi lũy tre làng, cả cuộc đời chỉ biết hy sinh cho gia đình, cho chồng và con, sướng khổ có lẽ là do cái số...”.

Câu chuyện của An nói riêng và nhiều phụ nữ ở nông thôn nói chung cứ khiến tôi day dứt mãi. Thực tế ngày nay, trong xã hội văn minh và không ngừng phát triển, công tác bình đẳng giới được nhiều ngành, cấp và các địa phương chú trọng. Chẳng cứ phụ nữ ở thành phố, mà phụ nữ ở nhiều vùng nông thôn, dù cũng xuất thân sau những lũy tre làng, nhưng họ biết cách làm chủ cuộc sống, bảo vệ hạnh phúc của gia đình và cá nhân mình. Thế nhưng, ở vùng quê nghèo của An vẫn có những phụ nữ cam chịu cảnh chồng chung, coi những trận đòn roi của người “đầu gối, tay ấp” là điều cần che giấu, không đáng để “xấu chàng hổ ai”.

Thương An cam chịu, trách An không biết bảo vệ hạnh phúc của mình, nhưng đáng phê phán là chính quyền ở vùng quê nghèo ấy chưa đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình đến mọi thành viên trong xã hội, nhằm dần chuyển biến nhận thức và hành vi của từng cá nhân, của cộng đồng dân cư về bạo lực gia đình.

Việc tuyên truyền về bình đẳng giới không chỉ cho phụ nữ mà phải mở rộng sang nam giới - đối tượng chính gây nên nạn bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ cũng thường xuyên sinh hoạt để trao đổi, chia sẻ, tìm hiểu những tâm tư, nguyện vọng của chị em. Bởi vì, không phải phụ nữ nào cũng dám đấu tranh cho chính bản thân họ...

Cù Hòa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh