THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:48

“Mạnh thường quân”của người nghèo

 

Ông Trần Quốc Toản chăm sóc đàn bò sinh sản.

 

Như bao trai làng vùng quê biên giới Tây Nam, năm 1985 Trần Quốc Toản ngụ ấp Phú An A, xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu nhập ngũ, tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia.

 Năm 1986, trong một trận chiến đấu với tàn quân Pol Pot, Trần Quốc Toản bị thương cụt một 1/3 chân phải, được phục viên trở về quê nhà, với chế độ thương binh 3/4.

Không mặc cảm với số phận, không trông chờ ỷ lại vào chính sách ưu đãi của Nhà nước, thương binh Trần Quốc Toản quyết bám ruộng làm lụng như một lão nông tri điền thực thụ.

Năm 1994, sau khi lập gia đình, được ba má chia cho 3 công đất ruộng (3000m2), hai vợ chồng cắt ra 1 công đất cất một căn nhà làm tổ ấm để an cư lập nghiệp. Với 2 công đất còn lại ông mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang đầu tư đào ao thả nuôi cá tra.

Những năm cuối thập niên 90 thế kỷ XX là thời hoàng kim của cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long, nên đem lại cho ông lợi nhuận cao, có của ăn của để. Là người ham đọc sách, báo ông khá nhạy bén với các mô hình kinh tế nông thôn, khi thấy nghề nuôi cá tra bắt đầu có dấu hiệu thoái trào, ông lập tức chuyển đổi sang chăn nuôi bò thịt và bò sinh sản. Một lần nữa sự chuyển đổi từ mô hình nuôi cá tra sang chăn nuôi bò của ông lại đi đúng hướng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, với vốn tích lũy ngày càng tăng.

Đàn bò sinh sản và bò thịt của gia đình ông sau hơn 10 năm gây dựng giờ đây đã lên đến hàng trăm con, lúc nào cũng sẵn sàng cung ứng con giống cho người nuôi trong vùng và xuất chuồng bán cho thương lái hàng tấn bò thịt/ năm.

Lợi nhuận tích lũy được từ mô hình chăn nuôi bò, ông đầu tư mua thêm tới 25 công đất để trồng lúa chất lượng cao và 4 công đất trồng các loại cây hoa màu theo hướng an toàn thực phẩm, hàng năm lợi nhuận thu về đạt khoảng từ 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng/ năm.

Là người sống sâu nặng nghĩa tình với đồng đội và láng giềng, ông luôn sẵn sàng tư vấn kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi và hỗ trợ giúp đỡ những thương binh, CCB, những hộ dân nghèo trong vùng bằng cách cung cấp bò giống theo phương thức trả chậm.

Bằng cách làm thiết thực đầy nghĩa tình trên, ông đã giúp cho hàng trăm hộ thương binh, CCB, hộ dân nghèo địa phương thực hiện thành công mô hình chăn nuôi bò, để từ đó vươn lên thoát nghèo và từng bước trở thành hộ khá, hộ giàu.

Điển hình như hộ ông Võ Hoàng Minh, thương binh 2/4 và hộ ông Nguyễn Minh Dũng, thương binh 3/4 cùng ở xã Phú Vĩnh, trước đây đều thuộc hộ nghèo, thiếu vốn đều tư sản xuất, chăn nuôi. Nhưng từ khi được ông Trần Quốc Toản tư vấn về kỹ thuật nuôi, chăm sóc bò và hỗ trợ bò giống (trả chậm) dễ nuôi, nay mỗi hộ đều đang phát triển tăng dần số lượng đàn bò lên từ 7 - 10 con, với mỗi con hiện có giá từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng, không chỉ thoát nghèo bền vững, mà đã bắt đầu có tích lũy tiếp tục đầu tư mở rộng chăn nuôi tăng thêm số lượng đàn bò.

Ông Trần Quốc Toản chia sẻ, trước đây mình cũng phận nghèo khó, nhờ may mắn làm ăn có dư chút đỉnh, khi thấy đồng đội những ai còn khó khăn thì gắng giúp đỡ để họ thoát cảnh túng thiếu là rất mừng.Theo ông, đó không chỉ là nghĩa tình với đồng đội, mà còn là trách nhiệm của người đứng đầu Hội CCB địa phương, trong công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Lãnh đạo địa phương nhận xét, xã Phú Vĩnh có nhiều tấm gương điển hình trên các lĩnh vực kinh tế, hỗ trợ người nghèo, đóng góp xây dựng nông thôn mới, nhưng tiêu biểu nhất là thương binh Trần Quốc Toản. 

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh