CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:36

Mang no ấm đến người nghèo

Mang no ấm đến người nghèo - Ảnh 1.

Những người nông dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp tăng thu nhập.

Hỗ trợ để người nghèo phát huy nội lực

Thực hiện chủ trương giảm bớt việc cho không, tạo động lực để người dân tự vươn lên thoát nghèo, trên cơ sở các nguồn lực huy động được, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam triển khai 20 chương trình tín dụng, trong đó tập trung cho các chương trình tín dụng lớn, như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giải quyết việc làm; tín dụng học sinh - sinh viên; tín dụng đối với vùng khó khăn; cho vay hỗ trợ nhà ở cho người nghèo; tín dụng chính sách xã hội dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt bình quân khoảng 10%/năm. Quy mô tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tăng gấp 2,5 lần, từ 89.462 tỷ đồng năm 2010 lên 226.264 tỷ đồng tính đến 31/12/2020. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước với hơn 21,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, doanh số cho vay lên tới 504.565 tỷ đồng. Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đã giảm từ 9,88% (năm 2016) xuống 3,75% (năm 2019), xuống dưới 3% (năm 2020).

Cùng với thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, ưu tiên phân bổ nguồn lực và các cơ chế, chính sách cho công tác giảm nghèo... công tác nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và chính sách BHYTđể bảo đảm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế cho người nghèo, người cận nghèo được xem là điểm sáng. Số liệu thống kê cho thấy, đến năm 2018 đã có 2.308.000 người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT, chiếm khoảng 95,3%; đến năm 2019 có hơn 2,3 triệu người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT. Có được kết quả trên là do phần lớn các địa phương đều xây dựng chính sách giảm nghèo đặc thù và có chính sách hỗ trợ thêm mức đóng thẻ BHYT cho các đối tượng thuộc hộ cận nghèo từ các nguồn kinh phí tại ngân sách địa phương và các tổ chức khác, ngoài phần được ngân sách hỗ trợ 70%.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, hàng năm thông qua chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" tổ chức thành viên của Mặt trận, các tập đoàn kinh tế, cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... đăng ký ủng hộ giúp đỡ người nghèo, thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Sau gần 4 năm (2017 đến tháng 9/2020) triển khai chương trình đã có đông đảo các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân ủng hộ qua Quỹ Vì người nghèo 4 cấp và an sinh xã hội với số tiền trên 16.410 tỷ đồng, trong đó, Quỹ Vì người nghèo 4 cấp vận động được trên 4.273 tỷ đồng; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ an sinh xã hội trên 12.136 tỷ đồng. Từ nguồn vận động trên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã hỗ trợ người nghèo xây dựng và sửa chữa được 127.427 căn nhà đại đoàn kết, giúp đỡ hàng trăm nghìn người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất; 1.376.245 lượt học sinh được giúp đỡ về học tập; giúp đỡ 4.280.921 lượt người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được khám chữa bệnh; xây dựng hàng ngàn công trình dân sinh cầu đường, lớp học, trạm xá, khám chữa bệnh, nhà sinh hoạt cộng đồng... và các hỗ trợ khác giúp đỡ người nghèo.

Mang no ấm đến người nghèo - Ảnh 2.

Mang lại cuộc sống ngày càng ấm no cho người dân.

Những kết quả ấn tượng

Việt Nam là một trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; ngoài chỉ số về thu nhập, chuẩn nghèo có 10 chỉ số để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận đối với 5 dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Dù ngân sách còn nhiều khó khăn, trong giai đoạn 2016 - 2020, Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước với tổng kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 93.000 tỷ đồng. 21% ngân sách nhà nước đã dành cho phúc lợi xã hội, là mức cao nhất trong số các nước ASEAN. Trong dịch Covid-19, chúng ta có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người với các góc độ khác nhau.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tại địa bàn các huyện, xã nghèo, đặc biệt khó khăn đã có khoảng 18.000 công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư, đã đưa vào sử dụng trên 15.000 công trình; khoảng 7.000 công trình được duy tu bảo dưỡng. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 32.000 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng kết nối vùng được đầu tư như: điện, đường, trường, trạm và các công trình thiết yếu khác phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, dân sinh. Đến cuối năm 2020, có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có 550 xã đã hoàn thành Chương trình 135 và 1.286 thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Thu nhập bình quân của người nghèo tăng 1,6 lần giai đoạn 2016 - 2020. Đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Hỗ trợ hơn 13.000 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả với trên 2,2 triệu hộ hưởng lợi từ Chương trình 135 với hơn 8.000 tỷ đồng.

Mang no ấm đến người nghèo - Ảnh 4.

Cuộc sống no ấm đang dần hiện hữu ở mọi thôn bản, làng quê Việt Nam.

Chương trình 135 đã hỗ trợ cho 5.500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ hơn 2,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được bồi dưỡng kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, kỹ năng nghề nghiệp, sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Củng cố hệ thống thông tin cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin của người dân để chủ động vươn lên thoát nghèo.

Với các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, hàng triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin và các dịch vụ văn hoá. Đặc biệt có sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của một bộ phận người dân, trong đó có người nghèo. Không ít các điển hình, đơn vị và cá nhân tự nguyện xin thoát nghèo.

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh