THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:22

Malaysia tiếp nhận trở lại lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng và trồng trọt

 

Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Malaysia từ tháng 4/2002. Trải qua hơn 10 năm đưa lao động đi làm việc tại thị trường này, hiện nay có khoảng 60.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia. Với chi phí để có thể đi làm việc tại Malaysia thấp, chỉ khoảng 1.000 USD - 1.200 USD, cùng với yêu cầu về trình độ tay nghề và ngoại ngữ của thị trường này không cao, Malaysia được xem là thị trường lao động phù hợp với phần đông lao động nông thôn Việt Nam, đặc biệt là lao động miền núi, lao động các dân tộc thiểu số.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, lao động Việt Nam đi làm việc tại Malaysia làm việc trong tất cả các ngành nghề, trừ lao động bảo vệ. Với ngành sản xuất chế tạo, lao động ta chủ yếu làm những công việc như điện tử, cơ khí, chế biến thủy hải sản và gỗ nội thất. Lĩnh vực dịch vụ khá đa dạng, lao động Việt Nam có thể làm giúp việc gia đình, dịch vụ phòng khách sạn, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ nhà hàng ăn uống, và thậm chí chế tác vàng. Đặc biệt, lao động nữ Việt Nam rất được chủ sử dụng Malaysia tuyển dụng vào làm việc trong lĩnh vực dệt may. Ngoài ra, lao động Việt Nam cũng tham gia làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, trang trại. Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 7.000 lao động Việt Nam đi làm việc tại Malaysia.

 

Lao động Việt Nam làm việc tại Maylaysia (nguồn Internet)

 

Tuy nhiên, từ tháng 2/2016, Chính phủ Malaysia đưa ra chủ trương tạm dừng tuyển chọn mới lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam vào Malaysia làm việc trong các ngành nghề chính thức nhằm rà soát lại tình hình lao động nước ngoài làm việc tại đây cũng như đánh giá lại chính sách thuế sử dụng lao động nước ngoài. Đây là nguyên nhân làm chững lại hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Malaysia trong những tháng vừa qua, với tổng số lao động đi làm việc tại Malaysia trong 8 tháng đầu năm chỉ đạt 1.762 người. Ngày 24/8/2016, Bộ Ngoại giao Malaysia đã có thông báo chính thức về việc Chính phủ nước này quyết định cho phép tuyển dụng trên cơ sở xem xét từng trường hợp lao động mới từ các nước, trong đó có Việt Nam, cho ba lĩnh vực sản xuất, xây dựng và trồng trọt. Trên cơ sở đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang hướng dẫn các doanh nghiệp dịch vụ tiếp tục xúc tiến, khai thác các hợp đồng cung ứng lao động có điều kiện làm việc và tiền lương tốt cho thị trường này.

Theo thống kê của Bộ Nguồn Nhân lực Malaysia (Human Resources), Malaysia hiện có quy mô dân số khoảng 28 triệu người (49,2% là nữ); lực lượng lao động có khoảng 9,6-10 triệu người (thương mại và du lịch chiếm 28%, sản xuất chế tạo chiếm 27%, nông nghiệp 16%, dịch vụ 10%...). Tỷ lệ thất nghiệp trong những năm gần đây duy trì khoảng 3-4%. Có khoảng 350.000 - 400.000 người Malaysia đã di cư và đang làm việc tại các nước phát triển hơn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và một số các nước Châu Âu… trong các ngành nghề đòi hỏi có trình độ tay nghề, kỹ thuật cao, khả năng giao tiếp quốc tế tốt (tiếng Anh và tiếng Trung) hoặc dưới hình thức các chuyên gia, lý do chủ yếu của dòng di cư đi này là do thu nhập tại nước ngoài cao hơn so với trong nước và có điều kiện làm việc, phát triển nghề tốt. Bên cạnh đó khoảng 200.000 lao động Malaysia làm việc tại Singapore.

Trong khi đó, cùng với sự phát triển kinh tế trong nước và sự đầu tư từ nước ngoài mạnh mẽ nên Malaysia thu hút được số lượng rất lớn lao động nhập cư từ các nước đang phát triển. Tuy nhiên, công việc chủ yếu của lao động nước ngoài tại Malaysia có được là do các công việc này không thu hút được lao động trong nước, đó là các công việc giản đơn trong các khu công nghiệp, nhà xưởng quy mô vừa và nhỏ, các ngành nghề không cần nhiều kỹ thuật hoặc độc hại và thu nhập không cao.

Hiện Malaysia có khoảng 3,1 triệu lao động nước ngoài đang làm việc (kể cả hơn 1 triệu lao động không có giấy tờ cư trú và làm việc hợp pháp) đến từ 14 quốc gia, chủ yếu là những nước Đông Nam Á và Nam Á như: Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ, Cambodia, Nepal, Myanmar, Lào, Việt Nam, Philippines, Pakistan, Sri Lanka, Thái Lan, Turkmenistan, Uzbekistan, Kazakhstan. Trong đó lao động chiếm tỷ lệ nhiều nhất là Indonesia khoảng 51%, kế đến là Bangladesh với 17%, Nepal với 9,7%.... Việt Nam đứng thứ bảy trong số các quốc gia đang có nhiều lao động tại Malaysia với khoảng hơn 2%. Các ngành nghề chủ yếu là sản xuất chế tạo khoảng 38.2%, xây dựng khoảng 16%, trang trại và đồn điền (chủ yếu làm trồng cọ) khoảng 14.2% và các ngành nghề khác như nông nghiệp, dịch vụ, giúp việc gia đình…

Bên cạnh hình thức lao động nước ngoài di cư vào Malaysia để làm việc, cũng có một bộ phận không nhỏ người nước ngoài đến Malaysia sinh sống, học tập hoặc đầu tư. Chính phủ Malaysia thực hiện chính sách “Second Home” khuyến khích người nước ngoài đầu tư vào thị trường bất động sản, cũng như việc chi phí sinh hoạt và học phí rẻ nên thu hút nhiều sinh viên và nhà đầu tư nước ngoài di cư vào Malaysia

Vũ Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh