Malaysia lần đầu phạt roi hai phụ nữ vì quan hệ đồng tính
- Tây Y
- 18:17 - 04/09/2018
Ảnh minh họa một người phụ nữ bị phạt roi tại Indonesia - Ảnh: AP
Ngày 3/9, hai phụ nữ (22 tuổi và 32 tuổi) đã bị đánh 6 gậy trước sự chứng kiến của khoảng 100 người tại bang Terengganu thuộc phía tây Malaysia. Hai người này bị các sĩ quan Hồi giáo bắt giữ vào đầu tháng 4 do có quan hệ tình dục đồng giới trong một chiếc xe hơi ở một quảng trường công cộng tại Terengganu.
Theo tòa thượng thẩm Sharia, cả hai đã nhận tội vào tháng trước và nhận bản án bị quất roi cùng khoản tiền phạt tương đương 800 USD. Đây là lần đầu tiên có chuyện quan hệ tình dục đồng giới bị kết tội và phạt roi công khai tại Malaysia.
Một số tổ chức nhân quyền đã lên tiếng phản đối sự việc này. Họ cho rằng đây là biểu hiện của sự thiếu khoan dung ở mức độ đáng báo động của xã hội Malaysia đối với người LGBT. Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò do trung tâm Pew Research thực hiện năm 2913, chỉ có 9% dân số Malaysia là ủng hộ hợp pháp hóa đồng tính luyến ái. Con số này thuộc vào nhóm thấp nhất tại châu Á và chỉ cao hơn Indonesia (3%) và Pakistan (2%).
Trong thông báo chính thức của mình, Women's Aid Organisation - nhóm vận động vì quyền của phụ nữ ở Malaysia viết: "Chúng tôi cảm thấy kinh hoàng bởi sự vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền này. Hành vi tình dục đồng thuận giữa hai người trưởng thành thậm chí không thể bị xem là phạm pháp chứ đừng nói đến việc bị đánh roi hay phạt tiền”.
Malaysia sở hữu hệ thống pháp luật song hành - Ảnh: Getty Images
Ngược lại, Abdul Rahim Sinwan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Hồi giáo Malaysia nhấn mạnh rằng, hình phạt "không đau đớn" và chỉ nhằm “giáo dục phụ nữ”. Ngoài ra, ông cũng khẳng định danh tính của hai người bị đánh roi đã được giấu kín trước và sau khi họ bước vào tòa.
Tại Malaysia, quan hệ tình dục đồng giới là hành vi phạm pháp với mức án cao nhất là 20 năm tù giam. Tuy nhiên, những người theo đạo Hồi còn phải chịu thêm sự điều chỉnh từ luật Sharia (hay luật Hồi giáo) khi đụng đến những vấn đề như hôn nhân. Đây là một hệ thống pháp lý song hành.