Gần 300.000 người Việt có nhu cầu chuyển giới
- Sức khỏe
- 19:58 - 21/11/2017
Nhiều người Việt Nam ra nước ngoài chuyển giới
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết theo một số nghiên cứu, tỷ lệ người chuyển giới chiếm khoảng 0,3-0,5% dân số. Đến nay, hơn 60 quốc gia trên thế giới hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên giấy tờ.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam có gần 300.000 người mong muốn chuyển giới. Tuy nhiên, có tới 26,9% người đã từng ra nước ngoài để được sử dụng dịch vụ này, chủ yếu là tới các bệnh viện tại Thái Lan, 22,4% tìm kiếm dịch vụ tư vấn và khám trước sử dụng hormone tại cơ sở y tế tư nhân trong nước và chỉ có 13,4% đến các bệnh viện công.
Theo nhiều chuyên gia y tế, những người có nhu cầu chuyển giới ở Việt Nam hiện gặp rất nhiều khó khăn. Việc thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính có thể gây ra những nguy hiểm lớn về sức khỏe, tâm lý và khó khăn khi đối diện với sự thay đổi, kỳ thị từ phía gia đình và xã hội, đặc biệt là những khó khăn trong các thủ tục pháp lý, giấy tờ…
Bên cạnh đó, do trong nước không có những dịch vụ chuyên biệt hay các bác sĩ chuyên khoa về chuyển đổi giới tính nên người chuyển giới không có thông tin hướng dẫn tư vấn từ bác sĩ chuyên môn khi quyết định sử dụng hormone.
Cộng đồng những người đồng tính đã bày tỏ sự vui mừng khi Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự chính thức cho phép chuyển đổi giới tính
Hợp thức hóa việc chuyển đổi giới tính
Tại Việt Nam, tháng 11/2015, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua trong đó Điều 37 chính thức hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính. Bộ luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Tuy nhiên, Việt Nam cần có thêm các quy định pháp luật khác để cụ thể hóa quyền chuyển đổi giới tính. Trước thực trạng đó, Bộ Y tế hiện đang xây dựng Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện được quyền chuyển đổi giới tính.
Tiến sỹ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, dự thảo Luật gồm 7 chương 29 điều quy định cụ thể về điều kiện đối với cá nhân yêu cầu chuyển đổi giới tính; điều kiện đối với cá nhân, tổ chức thực hiện xác định tâm lý, can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; công nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; quy định chuyên môn về thực hiện xác định tâm lý và can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; hồ sơ, thủ tục liên quan để can thiệp y học để chuyển đổi giới tính...
Dự thảo Luật nêu rõ chuyển đổi giới tính là quá trình thực hiện các can thiệp y học thay đổi giới tính của một người đã có giới tính sinh học hoàn thiện phù hợp với bản dạng giới của họ. Giới tính sinh học hoàn thiện là giới tính của một người được xác định là nam hay nữ dựa trên sự hoàn chỉnh về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể. Bản dạng giới là cảm nhận bên trong của một người về việc họ là nam hay là nữ. Bản dạng giới của một người có thể phù hợp hoặc không phù hợp với giới tính khi sinh ra của họ.
Dự thảo Luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm như phân biệt, kỳ thị, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với cá nhân yêu cầu chuyển đổi giới tính, người chuyển đổi giới tính; cản trở, gây khó khăn đối với việc can thiệp y tế để chuyển đổi giới tính hợp pháp; bắt buộc người chuyển đổi giới tính nghỉ học, thôi việc vì lý do người đó chuyển đổi giới tính...
Theo Dự thảo Luật, người muốn được chuyển đổi giới tính phải đáp ứng đủ 4 điều kiện như: Đủ 18 tuổi trở lên; Là người độc thân; Có giới tính sinh học hoàn thiện nhưng mong muốn giới tính khác giới tính sở hữu hiện tại, yêu cầu được can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; Được kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn, có xác nhận của chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần về mong muốn có giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Như vậy, những người đã kết hôn sẽ không được phép chuyển đổi giới tính. Sau khi được công nhận đã chuyển đổi giới tính, người chuyển giới sẽ được thay đổi tên, giới tính theo pháp luật về hộ tịch.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hà, Bệnh viện hữu nghị Việt-Đức cho biết, phẫu thuật chuyển đổi giới tính luôn tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro và không thể đảo ngược, vì vậy cá nhân yêu cầu chuyển đổi giới tính cần phải tuân theo một qui trình chuẩn bị đầy đủ, lâu dài về tâm lý, thể chất, nội tiết tố, trước khi quyết định. Về phía ngành y tế, song song với quá trình xây dựng Luật và chờ pháp luật cho phép, các bệnh viện nói chung và các phẫu thuật viên tạo hình thẩm mỹ nói riêng đã có những bước chuẩn bị để có thể đáp ứng được nhu cầu phẫu thuật chuyển giới tính tại Việt Nam khi Luật cho phép.
Theo Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE- một tổ chức phát triển độc lập), tính đến tháng 10/2017 có 71 quốc gia trên thế giới hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên giấy tờ. Phần lớn các nước châu Âu, châu Mỹ và nhiều nước châu Á thừa nhận quyền thay đổi nhân thân sau khi phẫu thuật. Nhiều nước đang thay đổi theo xu hướng thừa nhận quyền thay đổi giới tính trên giấy tờ ngay cả khi không cần phẫu thuật. Ngoài ra, quyền thay đổi tên không phụ thuộc vào việc đã phẫu thuật hay chưa cũng được thừa nhận rộng rãi. |