Mái nhà chung của 146 cụ già neo đơn ở Sài Gòn
- Dược liệu
- 07:00 - 29/08/2020
Nằm nép mình trong xóm trọ nghèo Bến Bình Đông (quận 8, TP.HCM), chùa Lâm Quang được biết đến là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc cho các cụ già neo đơn.
Ngôi chùa bình dị nằm trong con hẻm nhỏ ở địa chỉ số 301/117/70H Bến Bình Đông, phường 14, quận 8
Những chiếc giường nhỏ đủ một người nằm được đặt san sát nhau nhưng đầy đủ mọi vật dụng để giúp các cụ già có một chỗ ở đàng hoàng trong chuỗi ngày ít ỏi còn lại
Việc mở nhà dưỡng lão xuất phát từ tấm lòng của ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến hiện đang là trụ trì của chùa mong muốn các cụ khi về già sẽ có một chốn an dưỡng yên bình và được chăm sóc chu đáo. Chính vì vậy mà ni sư đã đưa các cụ về phụng dưỡng với tất cả những gì mình có thể làm được.
Tính từ năm 1997 đến nay, chùa Lâm Quang đã nhận chăm sóc hơn 300 cụ bà. Hiện đang chăm sóc 146 cụ từ 60 đến 90 tuổi, trong đó 37 cụ phải chăm sóc đặc biệt vì bệnh nặng.
Không gia đình, con cái, mỗi cụ già đều mang cho mình một nỗi niềm riêng...
Dẫu cho căn phòng còn chật chội nhưng tình yêu thương của các sư cô dành cho các cụ lúc nào cũng đong đầy
Thời gian đầu, để có đủ kinh phí chăm sóc cho các cụ, các ni sư đã làm thêm nhiều việc như làm nhang, bán xôi, hủ tiếu chay đến nhận nấu thức ăn chay cho các gia đình phật tử có đám, tiệc… Khi các cụ qua đời thì được chùa lo hậu sự, từ các thủ tục an táng tới thờ cúng.
146 cụ bà trong chùa đều có một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau. Có người đã từng có gia đình, con cái, nhà cửa nhưng cũng có người lấy lề đường, vỉa hè làm nơi tá túc qua ngày. Để rồi những ngày tháng ít ỏi còn lại trên cõi đời, họ nương nhờ nhau trong cửa chùa, tạm quên đi những chuyện buồn vui của cuộc sống...
Nụ cười nghẹn của những cụ già tại chùa Lâm Quang
Theo một sư cô phụ trách chăm sóc các cụ cho biết những cụ bệnh nặng thì được chăm sóc riêng vì các cụ không tự chăm lo được, từ ăn uống, tắm giặt đến vệ sinh cá nhân, những cụ già khác thì hỗ trợ lẫn nhau, tất cả xem như một gia đình, một phần của cuộc sống.
"Chăm sóc một người đã khó, ở đây phải chăm sóc 37 cụ nên từ sáng sớm phải lo cho các cụ đến 10 giờ sáng mới xong phần việc của buổi sáng. Còn những cụ có thể tự lo được thì lo cơm nước, thuốc thang cho các cụ, dẫu cực nhưng mình lại thấy lòng nhẹ nhõm, vui tươi", một sư cô cho biết.
Vật chất thì có đủ nhưng tình cảm ruột rà, gia đình vẫn luôn thiếu khi các cụ chẳng còn gia đình, con cái để quay về
Bà Trương Thị Tuyết vào đây hơn 10 năm tâm sự: "Hồi trước bà ở Bình Thạnh nhưng từ hồi bị tai nạn dẫn đến bại liệt nên mới xin vào đây kiếm nơi nương tựa. Không chồng, không con nhưng may là cuối đời còn có nơi này làm chỗ dựa".
Dù được sống trong sự quan tâm của các sư cô, cũng như thường xuyên có các đoàn khách đến thăm, vật chất không hề thiếu bất cứ một điều gì nhưng có lẽ đối với các cụ già ở chùa Lâm Quang, họ vẫn cảm thấy nỗi cô đơn luôn thường trực trong bản thân mình.
"Bà chẳng sợ chết, chỉ sợ cô đơn", một cụ bà thỏ thẻ nói.
Nụ cười hiền hậu của cụ bà lớn tuổi khi giờ đây, bà chỉ biết nương nhờ tình thương nơi cửa chùa để sống nốt những tháng ngày ít ỏi còn lại
Hi vọng những tháng ngày ít ỏi còn lại, sự bình yên, ấm áp sẽ đến với 146 cụ già tại chùa Lâm Quang