THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:25

Mái ấm của các đối tượng yếu thế trong xã hội

Ông Trần Quốc Hùng - Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Công tác xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế trao qua Trung thu cho các em nhỏ tại Trung tâm

Rằm tháng 8 Âm lịch vừa qua, chúng tôi có dịp được tham dự chương trình Trung thu yêu thương cùng các em nhỏ đang được quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em (nay là cơ sở trực thuộc Trung tâm Nuôi dưỡng và Công tác xã hội Thừa Thiên - Huế). Chương trình được tổ chức một cách đơn giản, gọn nhẹ, nhưng không vì thế mà mất đi ý nghĩa truyền thống, tính nhân văn vốn có của nó. Các em nhỏ nơi đây tự thể hiện những bài nhạc cả nội địa lẫn quốc tế trên cây đàn organ hay bài múa mộc mạc, khơi gợi hình ảnh chú Cuội ngồi gốc cây đa, chị Hằng Nga trên cung trăng… trong tiếng vỗ tay tán thưởng của lãnh đạo, cán bộ Sở LĐ – TB&XH tỉnh, lãnh đạo, cán bộ Trung tâm và những người có mặt. Được tham dự và là chủ nhân đích thực của chương trình dành cho mình, các em nhỏ nơi đây đã không dấu được niềm vui, sự hân hoan qua từng ánh mắt, cử chỉ, hành động.

Cơ sở 1 của Trung tâm Nuôi dưỡng và Công tác xã hội Thừa Thiên - Huế (65 Đặng Tất, P. An Hòa, TP. Huế), hàng năm tiếp nhận, quản lý và chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên trong khoảng trên dưới 100 người, gồm nhiều đối tượng yếu thế của xã hội. Từ cách bố trí nhân viên phục vụ 24/24h, từ cách nói chuyện đến cách chăm sóc hàng ngày đến việc thăm khám, chỉ dạy những bài thể dục dưỡng sinh, phục hồi chức năng của đội ngũ nhân viên luôn toát lên một sự tận tình, chu đáo. “Có xem họ như người thân của mình thì mới làm được như vậy. Làm nghề này mà không có tâm thì khó trụ vững lắm”, đó là lời gan ruột của một cán bộ làm việc trong trung tâm bảo trợ xã hội công lập trên địa bàn Thừa Thiên Huế từng nói với chúng tôi. Và, qua những lần đến thăm, làm việc cũng như được trò chuyện với cán bộ, với những đối tượng đang sống trong Trung tâm và đồng thời với cả 2 bên, chúng tôi nhận ra rằng, điều đó là có thật. Họ thật sự có tâm với nghề và yêu thương, xem những người mà hàng ngày họ chăm sóc như người thân của mình. Công việc tại Trung tâm đã không chỉ là cái nghề để mưu sinh nữa mà nó là tình yêu thương, là trách nhiệm và có phần như là số mệnh đã sắp xếp cho họ vậy.

Lãnh đạo Sở LĐ - TB&XH, Trung tâm Nuôi dưỡng và Công tác xã hội Thừa Thiên - Huế cùng các em nhỏ trong dịp tết Trung thu 2018

Trên chỉ là một, hai câu chuyện trong rất nhiều câu chuyện, sự việc mà chúng tôi được chính mắt thấy, tai nghe. Theo lãnh đạo Trung tâm, dù quy mô thì không ngừng mở rộng nhưng khó khăn gặp phải cũng không ít. Từ ngày Trung tâm Nuôi dưỡng và Công tác xã hội Thừa Thiên - Huế được thành lập trên cơ sở sáp nhật Trung tâm Bảo trợ trẻ em và Trung tâm Nuôi dưỡng và Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh, trách nhiệm và khối lượng công việc cũng theo đó tăng lên. Tổng số cán bộ, viên chức và người lao động của Trung tâm hiện nay khoảng 40 người, trong khi điều kiện kinh tế - xã hội của cả nước và của tỉnh còn rất khó khăn. Tuy nhiên, với trách nhiệm, quyết tâm cao, Trung tâm vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chẳng hạn như trong năm 2017, Trung tâm tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng 33 em nhỏ. Bên cạnh các chế độ nuôi dưỡng theo quy định, thì việc học tập của các cháu luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Trung tâm đã xây dựng nội quy, quy chế học tập sinh hoạt ở trường cũng như ở Trung tâm, nhằm giáo dục học tập, rèn luyện đạo đức cho các cháu.  Đối với các cháu học hết Trung học cơ sở mà không thể học lên nữa, Trung tâm liên hệ với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố Huế để xin cho các cháu được học nghề. Kết quả, năm học 2016 – 2017 có 8 cháu đạt học sinh khá; 2 cháu đạt học sinh giỏi; có 3 cháu thi đỗ vào trường Đại học Huế; 2 cháu học tại Trung tâm đào tạo nghề STREETS INTERNATIONAL Hội An (Quảng Nam), trong đó 1 cháu ra trường có việc làm ổn định. Hiện nay, Trung tâm đang quản lý và nuôi dưỡng 23 cháu, trong độ tuổi từ 5 – 23 tuổi.

Với nhiệm vụ, tham mưu, giúp Sở LĐ – TB&XH tổ chức phát triển nghề công tác xã hội theo Đề án 32 của Chính phủ đã phê duyệt; tổ chức tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng đối tượng xã hội bao gồm: trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh hoàn đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa; người già cô đơn, người khuyết tật, người lang thang xin ăn, lang thang cơ nhỡ và tiếp nhận, phân loại, chuyển tuyến, hồi gia, đưa vào nuôi dưỡng các đối tượng lang thang xin ăn, cơ nhỡ theo theo qui định của UBND tỉnh, năm 2018, lãnh đạo Trung tâm quyết tâm thực hiện hoành thành tốt.

Mối quan hệ thân thuộc như người nhà giữa nhân viên với người đang sống trong Trung tâm

Ngoài ra, hiện nay, Trung tâm Nuôi dưỡng và Công tác xã hội Thừa Thiên - Huế cũng đã thiết lập số điện thoại và hộp thư điện tử đường dây tư vấn, công khai nhằm mục đích tiếp nhận, xử lý kịp thời, tư vấn hỗ trợ ở mức tối đa có thể các thông tin của mọi cá nhân, tổ chức có liên quan đến các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh.

Những người có nhu cầu có thể liên hệ với Trung tâm Nuôi dưỡng và công tác xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế. Địa chỉ: 65 Đặng Tất, TP. Huế. Điện thoại: 0234.3589.788.

Website: congtacxahoi.thuathienhue.gov.vn.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh