Mách nước 4 mẹo bảo vệ sức khoẻ khi đi chợ trong mùa dịch
- Y học 360
- 16:32 - 17/03/2020
1. Đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn
Khẩu trang y tế là vật dụng không thể thiếu khi bạn đi đến chỗ đông người như chợ hay siêu thị. Con đường lây truyền của Covid-19 có cả qua đường giọt bắn nên lớp ngoài cùng khẩu trang có tính năng chống thấm, giúp ngăn cản hiệu quả các hạt chất lỏng (droplet) văng ra khi người bệnh hắt xì hơi, ho, thở mạnh hoặc những hạt chất lỏng từ người đối diện bắn vào...
Ngoài ra, Covid-19 có thể tồn tại ngoài vật chủ tới 9 ngày trên các bề mặt vật dụng. Do vậy, ngay sau khi đụng, chạm trực tiếp với thực phẩm tươi sống, các vật phẩm tại các chợ, hay siêu thị, bạn cần phải rửa tay đúng cách bằng dung dịch sát khuẩn theo 6 bước từ khuyến nghị của Bộ Y tế.
Duy trì thói quen rửa tay thường xuyên để không chỉ hỗ trợ phòng dịch Covid-19 hiệu quả trong thời điểm hiện tại mà còn giúp giảm 35-47% nguy cơ nhiễm các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, thương hàn... vốn dĩ luôn tồn tại đe dọa sức khỏe cộng đồng.
2. Chọn các chợ, siêu thị thoáng, rộng, vệ sinh sạch sẽ
Theo khuyến nghị từ WHO, virus Covid-19 sợ ánh sáng, nhiệt độ, tia cực tím, gió nên khó tồn tại, phát triển trong môi trường thông thoáng khí, nhiệt độ cao. Ngược lại, những khu chợ ẩm thấp, bức bí, nhiều chất thải lại là nơi ẩn chứa nhiều virus gây bệnh, trong đó có Covid-19. Vì vậy, các chợ hay siêu thị có không gian thoáng đãng, vệ sinh sạch sẽ hạn chế nguy cơ lây nhiễm gần đây được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn khi đến mua sắm.
3. Chọn mua thực phẩm sạch, không tiêu thụ động vật hoang dã
Nhiều bằng chứng khoa học từ đại dịch SARS đến Covid-19 cho thấy, những ổ virus trên động vật hoang dã có thể lây truyền, gây ra đại dịch trên con người. Do đó, khi đi chợ, bạn cần lưu ý hạn chế tiếp xúc, đụng chạm trực tiếp với động vật hoang dã, động vật có biểu hiện ốm yếu, không bình thường. Để phòng tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm, WHO khuyến cáo người dân không nên tiêu thụ các loại động vật này, cũng như thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hay bị ôi thiu.
4. Mua sắm bằng công nghệ thay thế cho tiền mặt
Tiền mặt có tính lưu thông cao nên các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo, vi khuẩn có thể tồn tại trên tiền mặt. Theo kết quả nghiên cứu của Trường đại học New York (Mỹ), tiền giấy tiềm ẩn khoảng 3.000 vi khuẩn và nhiều loại vi khuẩn trong số đó có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Vì thế, trong mùa dịch, người tiêu dùng có xu hướng chuyển hướng sử dụng các phương thức thanh toán thay tiền mặt như công nghệ thanh toán bằng quét mã qua ứng dụng hay ví điện tử.