Làm việc có ích và tương tác với cộng đồng để giảm stress, xóa tan lo âu khi tự cách ly tại nhà giữa mùa dịch Covid-19
- Y học 360
- 22:40 - 16/03/2020
Khi dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc đã ngay lập tức phong tỏa cả tỉnh Hồ Bắc để ngăn ngừa sự lây lan trong cộng đồng. Điều này vô tình đã khiến hàng triệu người dân nơi đây bị mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình trong suốt 2 tháng.
Không thể đi ra ngoài, cũng chẳng thể tụ tập trò chuyện đông người, ai nấy cũng đều cảm thấy vô cùng bí bách và chán nản. Tuy nhiên, sau nhiều tuần tự cách ly trong nhà, họ đã phát hiện ra những cách thức hữu ích để không trở nên hoảng loạn và giữ vững tinh thần của mình.
Dưới đây là tâm sự của người Hồ Bắc về bí quyết “sống sót” qua những ngày tháng cách ly tại nhà.
Guo Jing (29 tuổi, Vũ Hán): “Làm việc có ích và tương tác với cộng đồng”
Ban đầu, quyết định phong tỏa thành phố đột ngột đến mức khiến cho tất cả mọi người đều cảm thấy hoang mang. Tôi chỉ biết về điều này vào sáng hôm sau. Không có thời gian để phản ứng, cũng không thể ra ngoài. Tôi trở nên hoảng sợ và hoang mang. Tôi không biết khi nào thì thời gian phong tỏa sẽ kết thúc, nên phải vội đi mua rau và thực phẩm - điều này càng làm khiến tôi lo lắng hơn.
Cuộc sống bị phong tỏa thực sự rất khó khăn. Nó tước đi của bạn quyền kiểm soát cuộc soát. Tôi thậm chí còn chẳng kiểm soát được những thứ mình mua, khi thực phẩm được gửi đến từ tổ dân phố. Cảm giác như thể tôi đang sống phụ thuộc vào người khác vậy.
Vì thế, mỗi ngày tôi cố gắng dậy sớm và tập thể dục trong nhà, nấu nướng và ăn uống, viết nhật ký và tham gia các hoạt động tình nguyệt trực tuyến. Khi khiến cho bản thân bận rộn, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn. Tán gẫu trên mạng với bạn bè cũng có thể giúp ích rất nhiều.
Bằng cách viết nhật ký online, tôi đã kết nối được với mọi người. Họ gửi tôi khẩu trang để tôi có thể quyên góp cho các nhân viên vệ sinh hoặc cho bệnh viện. Tôi khuyến khích mọi người làm việc có ích, thiết lập mạng lưới giúp đỡ các nhóm cộng đồng đang cần trợ giúp.
Việc duy trì các mối quan hệ xã hội và kết nối với bạn bè là điều rất quan trọng trong mùa dịch. Bạn có thể tham gia một số hoạt động tình nguyện để xóa bỏ cảm giác vô dụng và bất lực trong thời điểm khó khăn. Quan tâm đến những người xung quanh, đáp ứng các nhu cầu của họ cũng chính là giúp đỡ bản thân mình.
Một người dân Vũ Hán đứng trên ban công nhà mình. (Ảnh: REUTERS/Reuters)
Chúng tôi đều đồng tình rằng được chuyện trò với nhau mỗi ngày là một điều xa xỉ. Chúng tôi chia sẻ cho nhau nghe việc mình làm mỗi ngày. Một số người tập thể dục, trong khi những người khác ngồi học. Kể cả những người vốn chẳng bao giờ ra ngoài nay cũng cố gắng đi lại mỗi ngày. Mọi thứ trở nên thật quý giá.
Werther Huang (22 tuổi, Vũ Hán): “Hãy yêu cầu được giúp đỡ”
Thật khó để tả nỗi bất an không ngừng và nhịp tim đập liên hồi. Trong những ngày ở nhà, tôi không thể tập trung làm việc. Tôi còn chẳng hiểu mình đang đọc cái gì. Tôi liên tục lên mạng xã hội để xem cập nhật các diễn biến mới nhất của dịch bệnh. Điều này thực tế chỉ khiến mọi chuyện tệ thêm, nhưng tôi không ngừng được.
Do đó, tôi cố gắng chuyển sự chú ý của mình sang những thứ khác. Tôi chơi game online cùng bạn bè. Khi cần làm việc, tôi sử dụng một ứng dụng quản lý thời gian. Thế nhưng, cứ mỗi lần đọc tin tức, tôi cảm thấy mọi nỗ lực của mình trở thành công cốc.
Nếu cảm thấy stress, bạn nên trao đổi với người thân và bạn bè hoặc tìm đến bác sĩ tâm lý. Hãy tận dụng thời điểm này để chăm sóc bản thân và gia đình mình.
Shen Miao (30 tuổi, Thiên Môn): “Tôi viết lách mỗi ngày”
Tôi trở về nhà từ Vũ Hán chỉ một ngày trước khi có lệnh phong tỏa. Giống như hầu hết mọi người, tôi không ngờ dịch bệnh lần này lại nghiêm trọng đến thế này. Khi về nhà, tôi rất lo mình bị nhiễm bệnh và lây cho cả gia đình.
Tôi xịt nước sát khuẩn lên khắp cả cơ thể. Tôi cố gắng giữ khoảng cách với mọi người trong gia đình. Sau khoảng nửa tháng tự cách ly, may mắn là không có chuyện gì xảy ra. Cuối cùng, gánh nặng trong lòng tôi như được dỡ bỏ.
Một người đàn ông nhìn ra ngoài từ cửa sổ căn hộ của mình. (Ảnh: REUTERS/Reuters)
Đọc tin nhắn của mọi người trên mạng cầu xin sự giúp đỡ vì không đủ giường ở bệnh viện càng khiến tôi cảm thấy khó khăn. Tôi cảm thấy bất lực vì không thể giúp họ. Nếu ở Vũ Hán lúc này, có lẽ tôi đã làm được gì đó. Vì thế, tôi cố gắng tìm cách trợ giúp họ trên mạng.
Tôi cảm thấy mình như người sống sót. Khỏe mạnh lúc này chẳng khác nào một đặc ân. Để khiến mình nhẹ lòng, tôi cố gắng đọc sách, xem phim và kịch. Tôi bắt đầu viết nhật ký cách ly và dự định sẽ tiếp tục cho đến khi dỡ lệnh phong tỏa. Mỗi ngày tôi đều viết lách, đôi khi lại đăng tranh mình vẽ. Điều này thực sự giúp tôi rất nhiều. Nó cho phép tôi được chuyển tải cảm xúc của mìn. Bình luận khen ngợi của mọi người giúp tôi biết mình không cô đơn. Ai cũng ở trong tình cảnh này, vì thế tôi không phải là trường hợp đặc biệt.
Hu (22 tuổi, Hoàng Cương): “Trò chuyện với bạn bè là rất quan trọng”
Tôi thu thập thông tin qua những cuộc hội thoại với bạn bè hoặc bằng cách ra ngoài. Tôi cũng tham gia tình nguyện tại bệnh viện. Điều này giữ tôi luôn bận rộn và cho phép tôi được thư giãn trong khi vẫn có thể giúp đỡ người khác, cũng giảm thiểu thứ áp lực đang đè nén lên tinh thần và cảm xúc của tôi.
Việc trò chuyện với bạn bè cũng vô cùng quan trọng. Vào đêm 6/2 khi bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời, tôi dành cả đêm để đọc tin trên mạng xã hội. Bạn bè của tôi cũng không ngủ. Cứ mỗi khi có tin cập nhật, chúng tôi ngay lập tức chia sẻ cho nhau.
Đó là quãng thời gian khó khăn nhất đối với tôi. Chẳng có cách gì ngoài việc phải đối mặt với nó.
(Theo The Guardian)