THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:13

Mặc áo xe ôm “công nghệ”, bắt khách theo kiểu truyền thống

 

Thị trường xe ôm hiện nay đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa “xe ôm” truyền thống và “xe ôm” công nghệ như Grab, Uber… Xuất hiện chưa lâu, nhưng với phương thức kinh doanh mới, sử dụng smartphone để đặt chuyến và giá cước được cho là khá mềm so với các loại hình xe ôm truyền thống, xe ôm công nghệ đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.

Hoạt động xe ôm trước nay vốn diễn ra khá phức tạp, đặc biệt là tại các bến tàu, bến xe. Việc chèo kéo, tranh giành khách diễn ra thường xuyên, bên cạnh đó, một trong những nỗi  lo của hành khách khi đi xe ôm đó là việc bị "chặt chém", "thổi" giá của nhiều tài xế, đặc biệt là với những người ngoại tỉnh không quen đường xá. Thế nên, việc xuất hiện những hình thức kinh doanh xe ôm mới như: Grab, Uber… được rất nhiều người kỳ vọng sẽ là một hướng đi mới cho hoạt động xe ôm, hướng đến sự văn minh, lịch sự.

 

Số lượng tài xế công nghệ tăng đột biến tại các bến xe khách

 

Thế nhưng hiện nay, có mặt tại các bên xe khách tại Hà Nội như: Mỹ Đình, Giáp Bát… không mấy khó khăn để nhận thấy tình trạng nhiều tài xế xe ôm mặc áo, mang mũ bảo hiểm đồng phục của Grab và Uber chèo kéo khách đi xe.

Theo ghi nhận tại bến xe Mỹ đình, thường ngày quanh khu vực cổng bến xe, cả cổng chính và phụ đều có đến hàng chục lái “xe ôm” GrabBike đội mũ xanh, mặc áo xanh chầu trực ở cửa bến. Mặc dù tự nhận là “xe ôm” Grab, nhưng không đón khách bằng ứng dụng, mà vẫn chèo kéo khách hàng như “xe ôm” truyền thống, ngay khi khách vừa ra khỏi cổng bến xe đã có hàng chục người mặc áo Grab, đội mũ bảo hiểm Grab vây quanh và hỏi muốn đi về đâu, chở với giá phải chăng.

Trong vai một khách hàng, PV đã có một cuộc ngã giá một chuyến đi từ bến xe Mỹ Đình về ngã tư Nhổn. Tài xế mặc áo GrabBike phát giá 50 nghìn đồng trong khi theo ứng dụng giá chỉ là 30 ngàn đồng. Khi PV không đồng ý với mức giá đưa ra, tài xế ngay lập tức xuống nước: “Vậy giá bao nhiêu thì anh đi được?” Và cuộc ngã giá theo kiểu truyền thống được tiếp tục diễn ra.

Với nhiều hành khách tại các khu vực bến xe, bến tàu do một phần tâm lý vội, một phần vì ở đây khách đông đúc nên ai cũng muốn nhanh chóng rời đi. Đặc biệt là những khách hàng cao tuổi chưa tiếp cận được với công nghệ cao khó lòng có thể phân biệt được đâu là xe ôm truyền thống và đâu là xe ôm công nghệ nên vẫn rơi vào cảnh bị ép giá.

 

Nhiều tài xế mặc áo GrabBike không bắt khách qua ứng dụng, mà chèo kéo khách theo kiểu truyền thống

 

Theo bạn Thu Loan, sinh viên ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: Một lần do vội công việc nên em không đặt chuyến trên ứng dụng, mà bắt trực tiếp tại bến xe, thấy họ mặc áo Grab nên tin tưởng. Nhưng khi về đến trường thì bị đòi 40.000 đồng trong khi nếu trên ứng dụng chỉ có 20.000.

Theo Đức Cảnh - một GrabBike hoạt động tại khu vực bến xe Mỹ Đình cho biết, số lượng xe ôm Grab ở đây rất đông, tuy nhiên, nhiều người không phải của Grab mà chỉ chèo kéo khách dưới danh nghĩa “xe ôm” Grab. Còn bọn em không được bắt khách ngoài ứng dụng, nếu bắt khách ngoài ứng dụng mà bị phát hiện là bị khóa tài khoản vĩnh viễn luôn”. Cũng theo Cảnh, mặc dù biết rõ điều này, song các GrabBike không nói ra vì sợ xảy ra tranh chấp.

Thực tế, không ít “xe ôm” truyền thống đã mua lại đồng phục gồm áo và mũ của “xe ôm” Grab để hoạt động, mập mờ đánh lận con đen để móc túi khách hàng. Chính vì vậy, khách hàng nên cảnh giác với những đối tượng trên để không bị ép giá, bắt chẹt khi đi xe ôm.

Tuấn Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh