Ma trận tem mác trên sản phẩm Sunhouse và câu chuyện "ám thị" xuất xứ
- Huyệt vị
- 02:40 - 27/06/2019
Người tiêu dùng hoa mắt vì tem nhãn trên sản phẩm
Trong tâm bão của Asanzo với những nghi vấn về xuất xứ sản phẩm, Sunhouse – một tập đoàn có tiếng trong lĩnh vực điện tử gia dụng Việt Nam được nhắc đến nhiều hơn cả khi người tiêu dùng Việt lan truyền hình ảnh sản phẩm nồi cơm điện Sunhouse ghi xuất xứ Trung Quốc, nhưng dán nhãn "Hàng Việt Nam chất lượng cao".
Tập đoàn Sunhouse đã có "trần tình" về thông tin này trên website, cho rằng đây là sự nhầm lẫn của phía đối tác phân phối đã ghi nhầm xuất xứ trên bảng giá. Thực tế, nồi cơm điện là sản phẩm Made in Việt Nam, được sản xuất trên dây chuyền của Công ty TNHH Sản xuất Đồ gia dụng Sunhouse.
Sản phẩm nồi cơm điện Sunhouse là hàng xuất xứ Việt Nam.
Theo tìm hiểu, nhiều sản phẩm gia dụng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse đều được dán đồng thời các tem có nội dung như "xuất xứ Trung Quốc", "kiểm soát chất lượng bởi chuyên gia Sunhouse Hàn Quốc", "Sunhouse thương hiệu gia dụng, nhà bếp hàng đầu Việt Nam".
Việc ghi quá nhiều thông tin của thương hiệu này khiến người tiêu dùng khá phân vân và đặt câu hỏi thực sự, xuất xứ của Sunhouse là như thế nào?
"Liên hợp quốc thương hiệu thế này khiến tôi rối tinh, rối mù", chị Thùy Anh (một khách hàng đang chọn lựa sản phẩm bàn là Sunhouse tại siêu thị ở Hà Nội) nói.
Một số sản phẩm của Sunhouse ghi đồng thời xuất xứ Trung Quốc, chất lượng Hàn Quốc kèm quảng cáo Sunhouse là thương hiệu Việt.
Đại diện truyền thông của Tập đoàn cho biết, sẽ có trả lời giải thích về việc này tới bạn đọc và người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất về điều này.
Bài toán quảng cáo và câu chuyện làm thế nào "né" xuất xứ
Trao đổi với chuyên gia quảng cáo Trung Anh Tuấn (Hà Nội), vị này cho rằng, việc ghi nhãn trên sản phẩm là cần thiết để người tiêu dùng hiểu rõ về sản phẩm trước khi chọn lựa. Tuy nhiên, việc Sunhouse quảng cáo tới 3 nội dung trên 1 sản phẩm có thể khiến người tiêu dùng khó phân biệt thương hiệu này thực sự đến từ đâu.
"Có thể những khách hàng ở đô thị sẽ hiểu cách làm của doanh nghiệp, nhưng ở các vùng nông thôn, thì có thể hiểu nhầm công nghệ và xuất xứ", ông Tuấn nói.
Trên phương diện nhìn nhận cách làm thương hiệu, chuyên gia Võ Văn Quang cho rằng, nhiều doanh nghiệp, trong đó có Sunhouse, Asanzo đang bị "ám thị" bởi xuất xứ sản phẩm.
Đồng thời, xuất phát từ tâm lý lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng có hai điều, đó là ấn tượng thương hiệu và ấn tượng xuất xứ, khiến cho câu chuyện làm quảng cáo, dán nhãn sản phẩm chưa tinh tế.
Lấy ví dụ về sản phẩm iPhone, theo vị chuyên gia, vì ấn tượng về thương hiệu này cũng như tâm lý thần tượng ông chủ iPhone Steve Job quá mạnh, nên người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền mua iPhone mà không cần quan tâm xuất xứ của chiếc smatphone thực ra từ đâu.
Theo ông Võ Văn Quang, để khỏa lấp xuất xứ sản phẩm Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp quảng cáo phải đẩy ấn tượng thương hiệu, cá tính thương hiệu lên. Đây chính là lý do vì sao, rất nhiều quảng cáo nhấn mạnh công nghệ nước ngoài để thu hút người tiêu dùng.
Vị chuyên gia cho rằng, có rất nhiều cách để định vị thương hiệu, mà không nhất thiết là phải là xuất xứ. "Đó là đưa lên sản phẩm những giá trị phổ quát mà bất kỳ xuất xứ ở đâu cũng đúng".
Lấy ví dụ cho ý kiến này, vị chuyên gia dẫn hình ảnh một thương hiệu máy lọc nước, chỉ quảng cáo "máy lọc nước thông minh" thay vì đẩy lên các giá trị, xứ mệnh quá cao để gây ấn tượng với khách hàng, trong khi thực lực của doanh nghiệp chưa thể làm được điều đó.
"Làm thế nào để né tránh xuất xứ trong quảng cáo và nhận diện thương hiệu là một câu hỏi khó, cần sự tinh tế của doanh nghiệp", ông Quang nhấn mạnh.