THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:49

'Lý Thông gian ác' tác nghiệp vụ Minh Béo

 

Nhà tù nơi Minh Béo đang bị giam giữ - Ảnh: Hà Thanh Phúc

Và đây cũng là dịp để các “phán quan” trên Facebook thể hiện suy nghĩ của mình. Thông tin rất nhiễu loạn do cóp nhặt từ trang cá nhân của người này người kia nhưng việc xác thực ra sao thì chưa biết. Thiết nghĩ, việc sắp xếp đến nhà tù để thực hiện bài viết cung cấp thông tin cho bạn đọc là điều nên làm. Độc giả trong nước ít nhiều sẽ có cái nhìn chính xác hơn từ một nhà báo đang có mặt tại Mỹ. Tôi liên lạc với tòa soạn Thanh Niên để xin ý kiến và được sự đồng ý. Các anh chị ở báo Thanh Niên cũng dặn dò tôi rất kỹ lưỡng: “Em nhớ ghi âm đầy đủ nhe Phúc, vì đây là vụ việc nhạy cảm”.

*

Người đi cùng tôi là anh Quốc Dũng. Trước khi đi định cư sang Mỹ anh từng làm việc ở báo Tuổi trẻ mảng Giáo dục. Hai anh em rất thân thiết vì vậy tôi đành “làm phiền” anh chở tôi đi đến nhà tù Theo Lacy, nơi nghệ sĩ Minh Béo đang bị tạm giam. Anh vui vẻ nhận lời làm “tài xế” cho tôi. Suốt dọc đường đi, chúng tôi trò chuyện về tình hình báo chí trong nước rất xôm tụ. Và cũng ôn lại một kỷ niệm tôi không muốn nhớ giữa tôi và Minh Béo (vì không có bằng chứng nên khi ấy tôi cũng không dám lên tiếng, nhưng bạn bè trong giới lúc ấy ai cũng biết).

Phải nói thêm là gần 3 giờ sáng hôm đó (3/4) tôi mới vừa trở về từ Lake Tahoe, vẫn còn rất mệt vì thiếu ngủ. 5 giờ 45 sáng anh Dũng đã có mặt ở khách sạn của tôi để đón vì chúng tôi đều biết một ngày chỉ cho phép tối đa hai người lớn vào thăm. Hôm nay là ngày cuối cùng tôi ở Mỹ vì vậy tôi không được phép “lỡ chuyến” nếu như có ai đó đến trước.

Đúng 6 giờ sáng, tôi và anh Dũng đứng xếp hàng ở nhà tù. Lúc này tôi có thấy một người đàn ông đang đứng đó trước (lúc sau tôi mới biết đó là Thiện Thành, cậu của Minh Béo). Thấy chúng tôi, ông ta quay lại cười. Hóa ra cũng là người quen của anh Dũng. Anh Dũng hỏi: “Ủa anh tới đây làm chi”.

“Anh là cậu của Minh Béo”.

“Cậu? Sao nghe nói Minh Béo không có bà con gì bên này mà”.

“Ừ, 20 năm hơn rồi có gặp nhau đâu. Bà ngoại của Minh Béo là chị ruột của mẹ anh, hồi nhỏ nó qua nhà anh chơi hoài”.

Tôi nhanh nhảu: “Thế thì tốt quá, anh cho phép em phỏng vấn anh nhe. Em là Phúc, cộng tác viên bên báo Thanh Niên. Em qua đây du lịch, bữa nay ngày cuối em ở Mỹ rồi nên tranh thủ làm vụ này luôn, để có những thông tin chính xác với độc giả”.

Anh cười tươi, nói: “Trời, lên báo hả, vậy để anh đeo kính và cài nút áo lại cho đàng hoàng cái đã”.

Sau khi đã chỉnh trang nhan sắc xong xuôi, anh nói đã sẵn sàng. Khi quay clip, chụp ảnh, tôi tiếp tục giới thiệu đơn vị báo chí mình đang cộng tác và nói anh giới thiệu về bản thân anh trước khi bắt đầu câu hỏi. Vì bản thân từng phỏng vấn nhiều nghệ sĩ (có ghi âm hẳn hoi), sau khi bài đăng đều nói rằng “Tôi đâu có nói”, rồi khóc lóc, kiện tụng nên tôi rất cẩn trọng.

Vừa lúc đó, anh Dũng nhận được điện thoại từ chị Ngọc Lan, phóng viên làm việc ở một tờ báo hải ngoại. Chị ấy nói: “Nếu Phúc từng là nạn nhân của Minh Béo hồi ở Việt Nam, mà giờ lại vào thăm thì vô nhân đạo với Minh lắm. Cậu ấy đã đủ hoang mang và lo sợ lắm rồi. Em nói Phúc ở ngoài đi. Em vào thăm rồi ra kể cho Phúc để Phúc viết. Chứ vô Minh Béo mà thấy mặt Phúc chắc khỏi nói gì. Hãy để quá khứ ngủ yên. Em hãy vì Phúc mà làm một việc thiện đi Dũng. Đừng để Phúc vào”.

Tôi nói: “Chuyện xảy ra lâu rồi, chắc Minh Béo không nhớ em đâu”.

Anh Thành nói: “Nếu lỡ như nhớ thì sao. Ngọc Lan nói đúng đó. Em ở ngoài đi, Dũng ra kể cho em viết. Hai tụi bây đi cùng nhau mà anh vô cũng vậy thôi”.

Anh Dũng hỏi ý tôi: “Ý em sao? Chứ anh không có theo vụ này. Mà mọi người nói cũng đúng đó. Em ở ngoài xử lý mấy bài phỏng vấn anh Thành và Dũng Taylor đi, gửi về tòa soạn cho kịp. Anh hay em ai vào thì cũng như nhau”.

Thế là tôi đồng ý. Anh Quốc Dũng và anh Thành cùng đưa điện thoại di động cho tôi giữ chứ không gửi vào locker (theo quy định của nhà tù là không được đem theo bất cứ thứ gì khi vào thăm). Ở ngoài tôi tập trung viết bài bằng iPhone vì không mang theo laptop. Cùng lúc đó thì tôi có thấy anh Dũng Taylor và một anh nữa làm đài truyền hình cho bên hải ngoại đứng bên ngoài quay hình rất xôm tụ. Tiếng của hai anh rất to, tôi ngồi cách xa hơn 100 mét vẫn nghe rõ mồn một. Tôi còn được nhờ quay giúp vài cảnh khi biết tôi cũng là nhà báo từ Việt Nam sang. Cả anh Dũng Taylor lẫn anh kia đều rất vui vẻ nói chuyện với tôi. Còn hỏi thăm vài anh chị đang công tác tại báo Thanh Niên.

*

Hơn một tiếng sau, anh Dũng và anh Thành cùng ra ngoài. Tôi viết bài theo lời kể của anh Dũng và ký tên Quốc Dũng - Thanh Phúc, vì rõ ràng bài không phải do một mình tôi làm. Anh Dũng nằng nặc: “Em ơi, bỏ tên anh ra đi. Anh đang là phóng viên của một tờ báo khác, nên để tên vào như vậy sẽ khó cho anh lắm. Em để tên một mình em là được rồi! Anh cũng không theo vụ này, đã có phóng viên khác trong báo anh làm nên anh đi theo em hỗ trợ em thôi”. Chuyện này, tôi có nói rõ với anh Thư ký tòa soạn báo Thanh Niên biết nên thống nhất chỉ để gọn tên tác giả là “Thanh Niên” để đảm bảo tính công bằng, trung thực thay vì chỉ để một mình tên tôi.

Khi tôi nộp bài viết, tòa soạn Thanh Niên cũng yêu cầu tôi gửi ghi âm và video clip rồi mới cho xuất bản bài viết. Tôi đã up lên youtube đầy đủ các đoạn clip phỏng vấn ông Thiện Thành, Dũng Taylor.

Sau đó anh Dũng chở tôi trở về khách sạn để trả phòng. Khi đó, anh Thành vẫn còn rất vui vẻ cười nói với tôi. Còn bảo nhớ đợi anh đi chung nhưng do tôi gấp quá nên đi trước.

Và chuyện sau đó, tôi bị tố cáo là “không trung thực” khi thực hiện bài viết, rằng tôi đã tự tiện đăng hình ảnh, phát ngôn của anh Thiện Thành khi chưa có sự đồng ý của nhân vật. Anh Dũng Taylor cũng gọi tôi là “phường Lý Thông gian ác” trên trang cá nhân dù ảnh avatar của anh Dũng Taylor cũng là do tôi chụp. Những “người lớn” xúm vào chỉ trích phán xét tôi dù tôi đã inbox cho anh Thiện Thành để nói chuyện nhưng đáp lại tôi chỉ là sự im lặng. Tôi không hiểu vì sao họ lại đối xử với tôi như vậy dù trước đó còn cười cười nói nói với tôi? Tôi bị stress nặng vì tôi không hiểu, vì sao chỉ vì một bài báo nhỏ, mà người ta có thể đối xử với một người đáng hàng con cháu của họ như thế. Hàng loạt người Việt share status của họ về. Họ nguyền rủa và gọi tôi là “phóng viên láo lếu”, “phóng viên không biết xấu hổ”, “lều báo vô lương tâm”… cùng nhiều lời lẽ tục tĩu mà tôi phải xóa bớt đi cho đỡ nặng đầu.

May cho tôi, video clip tôi vẫn còn giữ đầy đủ. Tôi bỗng dưng thấy hoang mang vì những “người lớn” mà tôi gọi là cô chú, anh chị quay sang chửi bới tôi không thương tiếc trên mạng xã hội, thậm chí họ còn inbox cho tôi với lời lẽ rất nặng nề. Tôi không bàn về chuyện chính trị, mà tôi đang nói về lương tâm của một con người. Tôi chỉ là một người trẻ, yêu viết lách và muốn đem đến cho độc giả một cái nhìn khách quan về một sự việc. Tôi cũng ý thức mình đang viết cho một tờ báo uy tín nhất nhì Việt Nam nên không được khinh suất. Họ có thể không thích tôi, nhưng sao có thể “đổi trắng thay đen”?

Suốt chuyến bay trở về nước, tôi cứ trằn trọc và không ngủ được… Thôi thì, trước khi trách người thì hãy tự trách mình! Không có bài học nào mà không phải trả giá. Chỉ có điều đôi khi nó đánh đổi bằng cả danh dự mà mình lại “thấp cổ bé họng” biết tỏ cùng ai.

Theo Hà Thanh Phúc/thanhnien

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh