THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:04

Lưu thông qua cầu Bến Thủy: Không đi mét đường nào cũng cõng phí ?

Theo đó, bắt đầu từ 1/1/2016, các loại phương tiện qua cầu Bến Thủy sẽ áp dụng mức thu phí mới. Cụ thể, giá vé đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng tăng từ 30.000 đồng/lượt như hiện nay lên 45.000 đồng/lượt; xe từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn tăng từ 40.000 đồng/lượt hiện nay lên 60.000 đồng/lượt; xe 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng 4 đến dưới 10 tấn tăng từ 50.000 đồng/lượt hiện nay lên 75.000 đồng/lượt.

 Đối với xe tải có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 fit tăng từ 80.000 đồng/lượt như hiện nay lên 120.000 đồng/lượt; xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 fit tăng từ 160.000 đồng/lượt hiện nay lên 180.000 đồng/lượt. Đây là lần thứ 2 Chi nhánh BOT tuyến tránh Vinh tiến hành điều chỉnh tăng mức phí qua cầu Bến Thủy (lần điều chỉnh trước là 8/6/2014).

Về mức phí và lộ trình tăng phí của dự án, theo Vụ Tài chính (Bộ GTVT), trên cơ sở phương án hoàn vốn của dự án, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 51 ngày 24/4/2014 cho phép Tổng Cty Xây dựng công trình Giao thông 4 (CIENCO 4) điều chỉnh mức thu phí qua trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2. Trong đó, mức thu được áp dụng bằng hai lần mức thu tối thiểu khung (tối đa cho phép 3,5 lần).

Việc tăng phí qua cầu Bến Thủy khiến nhiều người dân bức xúc.

Việc tăng phí đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người dân, đặc biệt là những người sinh sống tại TP. Vinh và người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh)- những người hàng ngày đi lại qua đây. Bởi lẽ, họ không hề đi mét đường nào thuộc đường tránh Vinh (tuyến đường BOT) nhưng cũng phải chịu phí.

Ông Hồ Sĩ Minh, nhà ở phường Bến Thủy (TP Vinh), có xe 7 chỗ, bức xúc: Nhà tôi cách cầu chưa đầy 1km, từ trước đến nay tôi đi Hà Tĩnh thì chỉ qua cầu Bến Thủy mà không hề đi mét nào trên đoạn đường tránh Vinh (tuyến đường BOT), nếu đi ra Hà Nội thì cũng đi đường nội thành chứ chả ai “thần kinh” mà chạy lên đường tránh để đi cả. Cái gì mình sử dụng thì đóng phí là đương nhiên, nhưng ở đây chúng tôi không sử dụng thì phải xem xét, như vậy là rất bất hợp lý.

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã gửi công văn đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Tổng Cty XDCT 4 xem xét lùi thời gian tăng mức thu phí qua cầu Bến Thủy. Văn bản này đã được Bộ GTVT chấp thuận chưa tăng phí qua cầu Bến Thủy. Cùng thời điểm đó, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ký văn bản gửi Bộ Tài chính và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan trong dự án BOT, tạm thời lùi thời gian thu phí đến 1/6/2016. Tuy nhiên, kể từ 1/1/2016, Trạm thu phí  cầu Bến Thủy đã tăng giá vé lên 50% như lộ trình, gây bức xúc cho người dân.

Là người thường xuyên lưu thông chở khách qua địa phận TP. Vinh (Nghệ An), anh Nguyễn Tuấn Linh, 32 tuổi, nhà ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), cho biết, trước đây đơn vị quản lý trạm thu phí cầu Bến Thủy (cũ) điều chỉnh giá vé lên 30.000 đồng/lượt đã tác động không nhỏ đến thu nhập của tài xế taxi chúng tôi. Nay giá lại tiếp tục tăng lên 45.000 đồng/lượt, nếu một ngày qua lại nhiều lần giữa hai địa phương chẳng khác nào số tiền của tôi kiếm được sẽ “nuôi đường” hết…

Anh Nguyễn Hồng Phương, trú tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh, hiện đang công tác tại thành phố Vinh (Nghệ An) cũng bức xúc: Hàng ngày tôi đi làm bằng phương tiện ô tô, nhưng mỗi lần qua trạm thu phí cầu Bến Thủy đều phải mua phí đường bộ là hết sức vô lý, bởi tôi không hề đi đến một mét đường nào của đơn vị BOT, gồm các đường như: Tuyến tránh thành phố Vinh; tuyến Quốc lộ 1A đoạn nam cầu Bến Thủy, tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh… do CIENCO 4 quản lý. Việc tăng phí khiến những người có phương tiện ô tô đi lại như chúng tôi như một cái cổ đeo “nhiều tròng”.

Về việc này, đơn vị quản lý CIENCO 4 cho rằng, mức tăng thu phí tới đây nằm trong lộ trình tăng phí của dự án để hoàn vốn cho 2 dự án đường tránh TP.Vinh và mở rộng QL 1A. Tuy nhiên, hàng loạt tài xế cho rằng, việc “tận thu” như thế là không công bằng, vì nhiều người dân ở 2 khu vực giáp ranh hàng ngày qua lại làm việc không hề đi mét đường nào trên 2 tuyến đường BOT nhưng vẫn phải nộp phí.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết: Việc một số người dân phản ánh thời gian qua liên quan đến trạm thu phí Bến Thủy tại địa phương là đúng. Chúng tôi cũng có quan điểm là việc thu phí phải đúng đối tượng (tức các phương tiện qua lại trên đường BOT - PV), đồng thời có những ưu tiên cần thiết và miễn phí cho những xe công vụ đi làm nhiệm vụ…. Còn về cách thu như thế nào chúng tôi không bàn tới, vì đó là việc của đơn vị quản lý, khai thác.

Với vai trò hoạt động trực tiếp, ông Hoàng Văn Trung, Giám sát trưởng Trạm thu phí Bến Thủy II cho rằng, việc thu phí, tăng phí của đơn vị chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của bộ, ngành liên quan. Việc tăng phí tới đây là nằm trong lộ trình tăng phí dự án, thực hiện theo Thông tư 51/2014 của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ.

Được biết, liên quan đến vấn đề trên, một số người dân ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã gửi đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng đề nghị xem xét miễn phí qua trạm đối với những trường hợp không lưu thông trên đường BOT như những người địa phương có ô tô đi sang thành phố Vinh (Nghệ An) để học tập, làm việc, hoặc dừng việc thu phí tại cầu Bến Thủy 1, để tạo công bằng cho người dân không đi trên tuyến đường tránh Vinh và tuyến QL 1A mở rộng.

Trong công văn trả lời kiến nghị này, đại diện Bộ GTVT cho rằng, 2 dự án BOT (đường tránh Vinh và QL 1A mở rộng), mức đầu tư 2.812 tỉ đồng, nếu chỉ đặt 1 trạm thu phí tại cầu Bến Thủy 2 sẽ không đảm bảo hiệu quả tài chính và các xe ô tô sẽ trốn trạm bằng cách đi qua cầu Bến Thủy 1. Cạnh đó, thời hạn để thu phí hoàn vốn 2 trạm này là đến hết năm 2031. Việc miễn, giảm phí qua trạm cho người dân sống hai bên trạm là chưa có quy định, nên rất khó để xem xét.

Thiết nghĩ, việc tăng lộ phí theo lộ trình đảm bảo phương án tài chính của các dự án BOT là cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đơn vị quản lý cũng cần lắng nghe những tâm tư phản ánh của người dân nhằm có những điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tế, như việc thu phí đúng đối tượng, đặt trạm thu phí ở đâu, phương án thu phí sao cho hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.    

Bài và ảnh: CHU LƯƠNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh