Lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Giáy
- Văn hóa - Giải trí
- 10:10 - 24/09/2021
Ngoài tên gọi dân tộc Giáy, đồng bào còn có tên bản địa là: Nhắng hay Giẳng và có tiếng nói riêng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (hệ ngôn ngữ Nam Á). Theo các nhà nghiên cứu, người Giáy di cư vào Việt Nam từ khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Đồng bào Giáy có nghề truyền thống là trồng lúa nước. Ngoài ra còn làm nương, khai thác lâm thổ sản và chăn nuôi. Đồng bào Giáy ở ngôi nhà truyền thống là nhà sàn nhưng hiện nay có một số gia đình ở nhà đất. Phía trước nhà người Giáy thường dựng một sàn phơi. Gian giữa của ngôi nhà là nơi trang nghiêm đặt bàn thờ. Trên bàn thờ có nhiều bát hương thờ: trời, đất, tổ tiên, vua bếp, thổ thần… Trong buồng cữ lập một bàn thờ Mụ, khi con được đầy tháng mới làm lễ báo tổ tiên và đặt tên cho con.
Người Giáy quan niệm thế giới gồm ba tầng, con người ở tầng giữa. Tầng trời được hình dung là đẹp đẽ, vinh hiển, tầng trong lòng đất được quan niệm là nhỏ bé, tội lỗi.
Về trang phụ, phụ nữ Giáy mặc quần chàm đen, áo cánh 5 thân hở tà, dài che kín mông, khuy cài sang nách phải, ở cổ áo, vạt áo và cổ tay được viên vải khác màu nổi trên nền áo. Tóc vấn quanh đầu với những sợi chỉ hồng thả theo đuôi tóc, hoặc đội khăn vuông. Hiện nay do số lượng người Giáy ở Yên Bái ít, cư trú xen kẽ cùng các dân tộc Tày, Thái nên nhiều phong tục tập quán bị ảnh hưởng. Đa số phụ nữ Giáy mặc trang phục như người Thái.
Đồng bào Giáy tổ chức ăn tết như người Tày, chủ yếu là tết Nguyên đán, tết mùng 5/5, tết 14/7. Trong ăn uống có một số kiêng kỵ, ví dụ: Họ Lục kiêng ăn thịt chó, họ Trần kiêng ăn thịt con cuốc… Trong tín ngưỡng dân gian người Giáy quan niệm có 2 loại ma: Ma nhà và ma ở ngoài. Ma nhà là ma linh hồn người thân trong gia đình, ma ở ngoài là ma linh hồn của người khác dòng họ, họ quan niệm cả hai loại ma đều có ma lành và ma dữ. Trên bàn thờ ma chính trong nhà thường có ba bát hương theo trật tự từ trái sang phải gồm thần bếp, thần đất và tổ tiên.
Đồng bào Giáy không có chữ viết riêng, một số rất ít người già, thầy cúng ở xen kẽ người Tày sử dụng thành thạo chữ nôm Tày, còn đa phần trí nhớ là phương tiện duy nhất để lưu truyền như truyện cổ, tục ngữ, thơ ca, đồng dao, câu đố… Nội dung các bài hát của người Giáy phong phú về đề tài hát giao duyên, mỗi chủ đề đều có kịch tính và phong cách thể hiện riêng. Người Giáy hát bên mâm rượu, hát qua đêm điệu "Phướn" của mình, còn được người Tày, người Thái cùng vui vào rằm tháng bảy, các dịp làm quen, giải hạn.
Người Giáy yêu thích văn nghệ, văn nghệ khiến bà con cảm thấy cuộc sống thi vị hơn, cũng chính nhờ những cuộc hát mà nhiều chàng trai cô gái Giáy đã nên duyên chồng vợ. Trước kia vào các dịp lễ tết, hội đầu năm các bà, các chị rất nhiệt tình tham gia múa hát. Hiện nay, các điệu múa truyền thống của người Giáy đang dần được khôi phục, đội văn nghệ của bản hàng tuần vẫn tập luyện các tiết mục: múa quạt, múa nón, múa khăn, múa xòe. Đặc biệt, không thể thiếu nhạc cụ dân gian dân tộc Giáy.
Nhạc cụ của đồng bào dân tộc Giáy nổi tiếng độc đáo, gồm nhiều loại: kèn, sáo, kèn lá, trống, chiêng. Cấu tạo của các loại nhạc cụ kể trên đều làm bằng chất liệu bằng gỗ, trúc tự nhiên, da động vật (dê, bò, trâu) và bằng đồng. Các loại nhạc cụ chủ yếu dùng trong các nghi thức đám cưới, đám tang. Nhất là vào dịp lễ tết, bản người Giáy vui như ngày hội bởi tiếng hát xen lẫn tiếng kèn, sáo, chiêng kết hợp như mời gọi, làm say đắm lòng người.
Với những nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo riêng có của mình, cộng đồng dân tộc Giáy đang tô thắm thêm cho bức tranh đa sắc màu của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.