CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:58

Lương tối thiểu vùng năm 2018: Chốt phương án tăng 6,5%

 

Phiên họp thứ 3 cũng là phiên họp cuối cùng của Hội đồng tiền lương Quốc gia. Tại cuộc họp, Hội đồng đã đưa ra hai phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là tăng trung bình 6,5% và 7% để bỏ phiếu. “Kết quả bỏ phiếu cho thấy 6/14 thành viên hội đồng chọn phương án tăng 7%, 8/14 thành viên hội đồng chọn phương án tăng 6,5%. Căn cứ vào mức đề xuất này, Hội đồng sẽ làm báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 thời gian tới” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH  Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết.

Trước đó, từ mức đề xuất tăng 13,3% ban đầu, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã hạ xuống mức 8% với lý do ở mức này người lao động mới có thể đảm bảo được mức sống tối thiểu. Phía VCCI từ mức đề xuất chỉ tăng từ 1-2% rồi nâng thành 5%. VCCI lập luận nếu vượt quá mức này, doanh nghiệp sẽ không chịu được. VCCI cho biết lương tối thiểu năm nào cũng tăng nhưng năng suất lao động hàng năm lại tăng không đáng kể. Tuy nhiên, sau 3 phiên thảo luận, khoảng cách tăng lương đã được thu hẹp dần. “Các cuộc đối thoại đều thiện chí giữa các bên nhằm chia sẻ thành quả phát triển kinh tế xã hội, mang lại lợi ích cho người lao động cũng như đỡ gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp", Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhận định.

Theo đó, mức lương tối thiểu vùng năm 2018 sẽ tăng cụ thể như sau:

Vùng I: Tăng từ 3.750.000 đồng lên 3.980.000 đồng

Vùng II: Tăng từ 3.320.000 đồng lên 3.530.000 đồng

Vùng III: Tăng từ 2.900.000 đồng lên 3.090.000 đồng

Vùng IV: Tăng từ 2.580.000 đồng lên 2.760.000 đồng

 

Hội đồng lương Quốc gia thông báo kết quả cho phóng viên báo chí


Nhận định về mức tăng trên, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, phía Tổng liên đoàn mong muốn mức tăng thấp nhất cũng phải bằng năm ngoái là 7,3%. Khảo sát của Tổng liên đoàn tại 17 tỉnh, thành cho kết quả hơn 51% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; hơn 20% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% thu nhập không đủ sống và chỉ 16% người lao động có thể có tích lũy. "Theo tính toán của Tổng liên đoàn, nếu mức tăng thấp như trên thì lộ trình lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu theo Điều 91 Bộ luật Lao động phải lùi lại sau năm 2018"- ông Chính nói.

Trong khi ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, phía VCCI cũng chưa hoàn toàn hài lòng với mức này, vì  hiện nay doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn, tăng lương liên tiếp sẽ khó đáp ứng được năng lực chi trả. Qua khảo sát, đại đa số doanh nghiệp kiến nghị không tăng lương tối thiểu năm 2018, bởi liên tục nhiều năm chúng ta tăng trong khi điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lúc này khá khó khăn. "Mức tăng 6,5% là con số thể hiện sự cảm thông chia sẻ của doanh nghiệp đối với người lao động. Doanh nghiệp mong muốn người lao động bằng trí tuệ, sức lao động, sự sáng tạo sẽ  cống hiến nhiều hơn, thông cảm, chia sẻ với doanh nghiệp để cùng nhau cống hiến vì sự phát triển của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng" - ông Phòng nói

Mặc dù kết quả trên chưa hoàn toàn thỏa mãn cả hai phía Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và VCCI nhưng mức tăng này được đánh giá là hợp lý về lợi ích cho cả hai bên. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, với mức tăng 6,5% thì sẽ đáp ứng được 92-95% mức sống tối thiểu của người lao động, mức tăng này cũng làm chi phí sản xuất của doanh nghiệp khoảng 0.55 đến 0.6%, đây cũng là mức là tăng chấp nhận được, các doanh nghiệp cần nhận thức người lao động là tài sản lớn nhất và chấp nhận chia sẻ lợi nhuận.

 “Tôi đánh giá rất cao thiện chí của cả hai phía trong quá trình đàm phán. Các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia không chỉ là đại diện cho người lao động hay chủ sử dụng lao động mà còn là đại diện cho ý chí của cả đất nước, làm sao để cải thiện đời sống người lao động nhưng đồng thời cũng để khối doanh nghiệp có thể mạnh hơn, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng của đất nước. Xác định mức tiền lương tăng 6,5% chính là sự chia sẻ thành quả giữa doanh nghiệp và người lao động” – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

 

Ông Phạm Minh Huân, Nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia: 
 Tỷ lệ tăng lương phải giảm dần

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết: 10 năm qua (từ năm 2008 đến nay) năm nào cũng điều chỉnh mức lương tối thiểu, bình quân 10 năm qua tăng 18,5%. Năm 2018, nền lương nâng dần, lương tối thiểu bình quân 4 vùng là 3.150.000, nên bây giờ tăng tiếp với tốc độ cao là rất khó. Qua 3 phiên thương lượng và cuối cùng Hội đồng chốt ở mức tăng 6,5% là hợp lý. Ban đầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức 13,3% và rồi điều chỉnh xuống 8%, còn VCCI trước thì từ 2% rồi dưới 5%.
Theo ông Huân, nếu tăng liên tục hàng năm cũng tạo tâm lý cho người lao động yên tâm khi năm nào cũng được tăng lương. Nhưng tăng hàng năm như thế thì tỷ lệ tăng phải giảm dần. Trong khi nhiều DN còn khó khăn, nếu cứ đà tăng lương thì nhiều DN cũng sẽ nghĩ đưa công nghệ thiết bị vào thay thế con người sẽ tạo được năng suất cao hơn, chi phí lần đầu có thể cao nhưng dần dần sẽ ổn, còn nếu chi phí cho người lao động cứ liên tục tăng thì đây cũng là điểm khó.
GIANG ĐÔNG

THÁI AN - GIANG ĐÔNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh