Tai nạn giao thông và kiểu thống kê hời hợt, sơ sài vô trách nhiệm
- Văn hóa - Giải trí
- 14:35 - 19/02/2016
Ảnh minh hoạ.
Điều đáng bàn là không chỉ những con số báo cáo của mấy ông, mấy bà “mắc bệnh thành tích” ở cơ sở, hay các đơn vị nhỏ lẻ, thêm tí chút “hoa lá cành” cho đẹp cái báo cáo với cấp trên, mà những con số như tốc độ tăng trưởng kinh tế, nợ xấu, nợ công,… vẫn mỗi nơi mỗi khác. Ví như mấy năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của các địa phương, tất tật đều trên dưới 10%, trong khi cả nước, năm cao nhất chưa vượt qua con số 7.
Không bàn luận đâu xa xôi, ngay trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân - 2016, con số thống kê tổn thất về người do tai nạn giao thông gây ra, cũng đã làm cho không ít người thấy khó chịu, vì tính thiếu chân thực của nó.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 9 ngày từ 28 đến mùng 7 Tết (tức từ ngày 6 đến 14/2/2016) cả nước có 300 người chết, 380 người bị thương vì tai nạn giao thông. Thế nhưng, theo thống kê của các bệnh viện ở Hà Nội, thời gian trên đã tiếp nhận hơn 1000 người bị thương về tai nạn giao thông. Thật trớ trêu, chỉ riêng Hà Nội đã phải cứu chữa cho hơn 1000 ca tai nạn giao thông, tại sao cả nước chỉ có 380 người bị thương?. Không những thế, theo thống kê trong 3 ngày Tết (ngày 29, mùng 1 và mùng 2) của Bộ Giao thông Vận tải, cả nước có 64 người chết vì tai nạn giao thông, thì Bộ Y tế lại đưa ra con số 88 người chết vì tai nạn giao thông. Đồng thời Bộ Y tế còn cho biết, trong 3 ngày trên các bệnh viện trong cả nước phải cấp cứu 17.278 trường hợp tai nạn giao thông. Chỉ trong 3 ngày thôi mà thống kê của 2 cơ quan đã có khác biệt quá lớn. Phải chăng Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ thống kê những người bị chết tại chỗ, còn Bộ Y tế thống kê số người chết tại bệnh viện?. Nếu đúng như vậy con số người thiệt mạng do tai nạn giao thông ở nước ta, mỗi ngày không chỉ khoảng 30 người, mà phải 50 - 60 người.
Cách đây không lâu, trong cuộc trò chuyện với một tiến sĩ, bác sĩ công tác ở Bệnh viện Việt - Đức, chúng tôi được vị tiến sĩ, bác sĩ cho biết, ngày ít ở Bệnh viện Việt - Đức cũng có dăm người, còn ngày nhiều có trên chục người chết vì tai nạn giao thông. Tính sơ sơ, mỗi năm có hơn 2000 người bị tai nạn giao thông vào bệnh viện Việt - Đức không trở về nhà. Con số thật kinh hoàng!
Không chỉ có việc thống kê về người, mà việc thống kê tai nạn giao thông ở các địa phương cũng còn lắm bất cập. Như việc Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu danh 3 địa phương (Ninh Bình, Vĩnh Phúc và Đồng Nai) không để xảy ra tai nạn giao thông trong dịp Tết Bính Thân, ông Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cho rằng, đó là một sự nhầm lẫn. Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, trong 9 ngày Tết Bính Thân, tỉnh Đồng Nai đã xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 7 người, bị thương 2 người. Con số này của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia là 8 người chết, 2 người bị thương, sau khi Ủy ban này nhận ra sai sót. Trong khi đó theo Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, trong dịp Tết Bính Thân, bệnh viện đã tiếp nhận 164 ca bị thương do tai nạn giao thông, có 3 người đã tử vong; còn Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận 123 ca tai nạn giao thông, trong đó có 16 ca chấn thương sọ não. Như vậy số người bị thương vong do tai nạn giao thông không phải là con số của tỉnh, của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia liệt kê !.
Tại sao nỗi đau của những nạn nhân giao thông rất cụ thể và rõ ràng, xé nát tâm can của bao người, khi thống kê lại có sai số lớn đến như vậy ?. Phải chăng để có con số chính xác, những người có trách nhiệm về vấn đề trên không những nên đi học toán sơ cấp để biết làm phép cộng, mà còn phải tôi luyện về đạo đức và tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức ?.