Lương - yếu tố quan trọng để giữ chân lao động
- Bài thuốc hay
- 22:15 - 15/01/2015
Câu chuyện về lương của các phi công thuộc hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines (VNA) được dư luận quan tâm trong những ngày qua là một ví dụ điển hình cho thấy mức lương tại khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân đang có sự chênh lệch nhau quá lớn.
Theo tìm hiểu, hiện mức lương của các phi công thuộc VNA là 2.500 USD/tháng (làm đủ 23 ngày công), trong khi đó, lương của phi công làm việc tại VietJet là 7.500USD/tháng (với 15 ngày công).
“Đây là sự chênh lệch quá lớn về thu nhập giữa đơn vị nhà nước và tư nhân”, một phi công bày tỏ.
Ghi nhận mức lương hiện VNA trả cho các phi công hiện thấp hơn các hãng hàng không tư nhân, nhưng ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc VNA cho rằng “không thể so sánh như vậy, vì VNA là Hãng hàng không Quốc gia nên không thể vượt quá mức lương do Nhà nước quy định, dù đã tính đến yếu tố đặc thù của công việc”.
Hơn nữa, theo ông Minh, để đào tạo được một phi công là vô cùng tốn kém, bên cạnh các chi phí do gia đình trả thì chi phí đào tạo do VNA chi trả cũng là khá lớn.
Cũng theo ông Minh, từ năm 2008, VNA đã xây dựng lộ trình cải cách tiền lương trong nội bộ, phấn đấu thu nhập của đội ngũ lao động đặc biệt tiếp cận ở mức 75-80% mặt bằng phi công nước ngoài, với chức danh tương đương.
VNA đã quan tâm đãi ngộ phi công. Ảnh: MD.
Cụ thể, năm 2008, lương của đội ngũ phi công tăng gấp đôi. Sang đến năm 2014, VNA tiếp tục cải cách tiền lương theo lộ trình. Năm nay, VNA sẽ có 2 lần cải cách tiền lương nữa vào 6 và vào tháng 7/2015.
“Các đợt cải cách tiền lương đều nằm trong lộ trình cam kết của Hãng với người lao động, trong đó riêng tăng lương cho phi công ở đã mức hai con số, trong khi lương của bình quân của toàn VNA cũng tăng trưởng nhưng không tương ứng. Ở thời điểm cuối năm 2014, thu nhập bình quân của người lao động còn lại của Hãng mới xấp xỉ 12 triệu đồng/tháng”, ông Phạm Ngọc Minh, cho hay.
Đến cuối năm 2014, mặt bằng lương phi công của Hãng đã đạt 80% so với mặt bằng khu vực, ở các chức danh tương đương. “Về lâu dài, Hãng cần có giải pháp về tăng năng suất lao động, đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh - đây mới là những giải pháp lâu dài để mức lương tiệm cận thị trường. Nếu không giải quyết được bài toán này Hãng sẽ còn vấp vấn đề tương tự trong tương lai”, ông Minh nói.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, tình trạng trên đã bộc lộ một thực tế, trước đây vì độc quyền, VNA có quyền đặt giá lao động kỹ thuật dưới mức thị trường.
Tuy nhiên, bây giờ muốn níu kéo họ thì phải điều chỉnh quyền lợi cho họ bằng các phương tiện hành chính. Cũng theo ông Thành, "cơn khát nhân sự" trong ngành hàng không diễn ra thời gian gần đây chủ yếu do tốc độ tăng trưởng nhanh của hàng không tư nhân, dẫn tới hiện tượng chảy máu chất xám trong ngành hàng không.
“Một chính sách đơn giản là VNA phải tăng phúc lợi cho công nhân, cán bộ của mình để giữ họ ở lại. Đó chính là đặc điểm bình thường trong thị trường khi cầu về lao động tăng lên do có nhiều hãng mới gia nhập ngành, phúc lợi lao động tăng nhờ cạnh tranh”, ông Thành phân tích.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân: VNA đã quan tâm, đãi ngộ phi công Nghề phi công là lao động đặc thù, đào tạo rất khắt khe, chi phí đào tạo lớn. Do đó, VNA mất rất nhiều công sức tạo ra một đội ngũ phi công hiện nay. Bản thân doanh nghiệp cũng nhận thức được đây là lực lượng lao động chủ chốt thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp nên đã quan tâm đến chế độ đãi ngộ cho phi công. Trong những lần thẩm định đơn giá tiền lương của VNA, Bộ LĐ-TB&XH đã tạo cơ chế tiền lương, ngoài cơ chế tiền lương chung có cơ chế tiền lương đặc thù cho lao động kỹ thuật trong hàng không. Bộ LĐ-TB&XH và VNA đã hướng tới lộ trình cải cách dần tiền lương phi công hướng đến tiếp cận thị trường. Nếu trước đây tiền lương của phi công chỉ bằng 40% lương phi công nước ngoài và hiện nay đã lên tới 60, 70%. Theo lộ trình, năm 2015 mức lương sẽ tiếp cận hơn 90% so với phi công nước ngoài. VNA đang sử dụng phi công người nước ngoài nên phi công người Việt có sự so sánh. Bản thân VNA đã cải cách tiền lương tiếp cận thị trường rất sớm, bắt đầu từ năm 2008 và sẽ kết thúc trong năm 2015. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đang tiếp tục xây dựng các chế độ phúc lợi khác như mua bảo hiểm cho các phi công, chế độ giờ làm việc, chuyển chuyến ra nước ngoài... Tuy nhiên, để giữ chân lao động, VNA vẫn cần tập trung xây dựng được văn hóa của Hãng hàng không quốc gia cùng chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Tất nhiên không thể tránh khỏi sự cạnh tranh từ các hãng khác, nhưng con đường VNA đang làm, đã làm và sắp làm sẽ giữ chân được lực lượng lao động là các phi công. Th. Huyền (ghi) |
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, pháp luật quy định tôn trọng quyền tự do, lựa chọn việc làm của người lao động. Trong nền kinh tế thị trường thì hướng chuyển dịch nhân sự, lao động là chuyện bình thường.
Nơi nào có chế độ và văn hóa phù hợp sẽ giữ được lao động chất lượng cao, nơi nào chế độ lao động không tốt thì lao động sẵn sàng dịch chuyển sang những nơi tốt hơn.
VNA cũng xây dựng chế độ đãi ngộ, ví dụ như mua bảo hiểm cho phi công, chế độ giờ làm việc, chế độ điều chuyển chuyến khi ra nước ngoài. Tất nhiên mọi giải pháp đang là tạm thời, quan trọng về lâu dài là người lao động phải cảm thấy tự hào khi làm việc tại VNA và tự nguyện gắn bó lâu dài với đơn vị.