CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:24

Luồn rừng săn ảnh vượn đen tuyền quý hiếm

 

“Vàng đen” Tây Bắc 

Theo báo cáo sơ bộ của FFI, chỉ còn khoảng 1500 cá thể vượn đen tuyền, chúng phân bố rải rác ở các nước Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam là nơi cư ngụ của nhiều cá thể vượn đen nhất Đông Nam Á. Đó là khu bảo tồn Mù Cang Chải, với những cánh rừng rộng tiếp giáp với rừng phòng hộ của huyện Mường La (Sơn La) tạo cho loài vượn đen tuyền một “vương quốc” riêng biệt để có thể sống và tồn tại.

Ông Sòi Ngọc Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La hào hứng cho biết: “Nhiều chuyên gia một thời từng nhầm lẫn giữa vượn đen tuyền với những loài vượn đen thông thường khác. Ngay cả dân bản, những người sống với rừng cũng chẳng biết đó là loài vượn gì. Tiếng hú của chúng là “linh hồn” rừng già, nếu ai may mắn được nghe tiếng hú ấy mới có thể cảm nhận được hết những kỳ thú của thiên nhiên”.

Ông Quàng Văn Toàn, Tổ trưởng Tổ tuần tra bảo vệ rừng thuộc xã Ngọc Chiến (huyện Mường La) là người gắn bó với rừng phòng hộ từ khi còn trẻ và cũng là người tâm huyết trong việc khảo sát và bảo vệ vượn đen tuyền cho biết thêm: “Ngày xưa, khi rừng chưa bị tàn phá, ngoài các loại thú như hổ, báo, nai, hoẵng, gấu thì những con vượn đen luôn là bí ẩn với dân bản.”

Mẹ con vượn đen tuyền (vượn mẹ màu vàng).

FFI khẳng định, loài vượn đen tuyền là “của trời cho” vùng Tây Bắc. Còn ông Sòi Ngọc Dũng cho rằng, đó là “vàng đen” của Việt Nam. Các thành viên trong nhóm Tuần tra bảo vệ rừng nhẩm tính số lượng vượn đen tuyền phải trú ngụ trong rừng lên tới hàng trăm con. Ông Sòi Ngọc Dũng tiết lộ: “Loài vượn đen tuyền rất tinh khôn, chúng có thể cảm nhận “mùi nguy hiểm” cách xa hàng cây số. Cho nên để “tận mục sở thị” được loài vượn này là rất khó. Các chuyên gia bảo tồn của FFI đã nhiều lần kết hợp với nhóm tuần rừng của ông Quàng Văn Toàn đi khám phá “vương quốc” của vượn đen tuyền, nhưng hầu hết các chuyến đi đều thất bại.

Ông Trần Ngọc Huệ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường La cho biết, trước đây vượn đen tuyền từng bị “xẻ thịt” một cách không thương tiếc. Các chuyên gia bảo tồn sau khi đến Mường La đã thấy những xương cốt, sừng vuốt của thú rừng treo trên tường nhà và đã phải bật khóc cho những con thú bị săn bắt.

Đoàn tuần tra phổ biến quy chế bảo vệ rừng.

 

Ngược dốc đến “lõi rừng”

Trong chuyến “săn ảnh” linh trưởng quý trong rừng, đoàn chúng tôi gồm ông Quàng Văn Toàn, anh Lò Văn Đoàn, người dân tộc Thái, anh Lường Văn Hoàng dân tộc La Ha, anh Sùng A Giạng dân tộc Mông và tôi.

Cuộc khởi hành bắt đầu từ 7 giờ sáng. Trên lưng các thành viên lỉnh kỉnh chăn màn, xoong nồi, gạo nước và thịt hun khói. Những con dốc phải leo qua ở vùng đệm của khu rừng không khó để chinh phục. Nhưng vào đến vùng trong thì phải cực khoẻ và dẻo dai thì mới không bị khuỵ ngã. 12 giờ trưa, chúng tôi nghỉ ngơi bên bờ con suối nhỏ vắt ngang khu rừng. Mọi người ăn xôi nếp đã nấu sẵn kèm theo lạp xường ướp mặn hun khói cùng một ít rau dại. Tại đây, chỉ còn cách khu ở của vượn đen chừng hơn 10 cây số. Thế nhưng, 10 cây số đó cũng là thách thức khủng khiếp nhất với những người đi rừng. Theo ông Toàn, năm ngoái một chuyên gia của FFI đã ốm liệt 3 ngày sau khi vượt qua 10 km ấy. Sau mấy chục lần nghỉ ngơi lấy sức, đúng 5 giờ chiều, chúng tôi mới đến được “lõi rừng” cách nơi vượn ở chừng 2 cây số. Trưởng nhóm quyết định hạ trại nghỉ ngơi. Đúng 3 giờ sáng hôm sau, chúng tôi lại “hành quân” đến nơi vượn ở để “phục kích”, nhằm chụp được bức ảnh về loài linh trưởng này. Nơi vượn ở, cách chúng tôi hạ trại chỉ 2km, nhưng phải mất 3 tiếng đồng hồ hì hục trườn bò, luồn lách qua lớp đá trơn trượt và đống gai rừng. Khoảng 6 giờ sáng, chúng tôi đến nơi và tiếp tục trèo lên một cây dẻ cao gần 20 mét để nhìn ra xa. Đúng 6 giờ 15, tiếng hú của vượn cái đánh thức muôn vật trong khu rừng.

Nạn phá rừng là nguyên nhân vượn đen tuyền không còn đất sống.

Tiếp đó là tiếng một con đực hú theo, và tiếp nữa là tiếng vượn con. Nhưng không ai nhìn thấy chúng đâu. Sau những sốt ruột, cuối cùng 3 con vượn này cũng xuất hiện cách chúng tôi khoảng 1 cây số ở độ cao 1700m. Anh Lò Văn Đoàn đem máy định vị ra đo, ở đúng 3300 Bắc. Vượn đực màu đen, vượn cái màu vàng nhạt ôm theo vượn con đang nhảy nhót trên các cành cây. Chúng hú gọi nhau chào buổi sáng và phải rất khó khăn, chúng tôi mới chụp được hai bức ảnh về loài vượn đặc biệt này. Chỉ 5 phút sau, gia đình vượn phát hiện bị theo dõi nên hú nhau chạy vào rừng sâu. Kiểm tra ảnh, chúng tôi hơi thất vọng vì ảnh mờ và xa. Chỉ thấy những chấm đen và chấm vàng đang đu đẩy trên cây. Tuy nhiên, ông Toàn vui mừng: “Như vậy đã là thành công rồi, chưa có ai chụp được ảnh chúng đâu”.

Thu xếp đồ đạc, chúng tôi lại xuôi những dốc đá cheo leo ra phía bìa rừng. Sự mệt mỏi hằn rõ trên những khuôn mặt đầy nắng gió. Nhưng trong những ánh mắt ấy, lộ rõ những niềm vui khôn tả. Rồi đây, rừng phòng hộ Mường La sẽ được công nhận là khu bảo tồn. Loài vượn đen sẽ được bảo vệ, cả thế giới sẽ biết điều đó.

Vượn đen tuyền, danh pháp khoa học là Nomascus concolor có hình dáng thon mảnh, chân tay dài, không có đuôi. Con đực trưởng thành màu đen tuyền, cái con màu vàng nhạt. Vượn đen tuyền chỉ kiếm ăn trên cao, rất ít khi xuống đất. Chúng sống theo đàn, mỗi đàn từ 2 – 5 con. Hiện ở khu bảo tồn Mù Căng Chải và Mường La tồn tài khoảng dưới 100 cá thể. Vượn đen tuyền được xếp vào nhóm nguy cấp trong sách Đỏ thế giới.

“Loài vượn đen tuyền có mặt ở nước ta là một điều may mắn. Tuy nhiên, công tác bảo vệ cần phải được quan tâm tối đa nếu không rất có thể loài vượn quý hiếm này sẽ tuyệt chủng. Trải dài từ khu bảo tồn Mù Căng Chải sang tận các xã của huyện Mường La, nên các thành viên nhóm Tuần tra phải rất vất vả leo đồi lội suối để bảo vệ loài linh trưởng này”, ông Sòi Ngọc Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sơn La cho biết.

THANH NGỌC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh