THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:24

Lượm lặt từ đất nước chùa tháp

 

1. Chỉ cần bước chân qua khỏi cửa khẩu Việt Nam, bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều casino. Casino ở Campuchia khá tấp nập, theo thống kê thì có tới 90% là người Việt. Lý do casino thường nằm dọc các cửa khẩu là vì thủ tướng Campuchia ra lệnh tất cả các casino phải cách thủ đô Phnom Penh ít nhất 100km. Tại trung tâm Phnom Penh chỉ có duy nhất Casino Saga ở trung tâm và chủ yếu phục vụ khách tham quan. Nhớ đợt tôi đi Campuchia bằng xe gắn máy từ cửa khẩu Xà Xía, Hà Tiên, nhiều người địa phương bảo tôi, không cần xin vi sa làm gì, vì mỗi ngày người Việt Nam qua Campuchia rất nhiều. Nhưng tôi nghĩ, đi du lịch nếu được sự kiểm soát của nước sở tại sẽ tốt hơn và không bị gọi là “xâm nhập bất hợp pháp”. Khi làm visa tại Xà Xía, theo luật được miễn phí cho hộ chiếu Việt Nam, nhưng không hẳn vậy, bạn được yêu cầu đưa 50.000 đồng, nếu muốn làm thủ tục nhanh hơn.

2. Người Campuchia bắt đầu được học luật giao thông đường bộ. Tất cả xe gắn máy đều phải đóng bảo hiểm, sau khi đóng bảo hiểm trên xe sẽ được gắn một kí hiệu nhận diện, mỗi năm một màu. Cũng gần giống ở Việt Nam, phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi xe máy, xe phải có kiếng chiếu hậu, không được bật đèn xe ban ngày... nhưng mức phạt thì thấp hơn nhiều, nếu mỗi lần phạm luật sẽ bị cảnh sát phạt 1 đô với mục đích giáo dục là chính. Cảnh sát giao thông luôn có tiền thối lại cho người đóng phạt trong trường hợp không có tiền lẻ để đóng. 1 đô có vẻ phổ biến ở Campuchia. Mua ly chè, nước mía, cà phê, hộp trái cây... người bán hàng hầu như nói giá 1 đô. Nói về tiền thì có tới 99% người dân Campuchia không sử dụng tờ 2 đô vì họ thờ tờ tiền này như một loại bùa may mắn trong kinh doanh. Họ không nhận tờ 2 đô vì sợ bị ém bùa. Nếu đi đổi tờ 2 đô sẽ bị mất giá khoảng 30% và chỉ có ngân hàng chấp nhận đổi tờ tiền này.

Nụ cười may mắn.

3. Cây thốt nốt được xem như cây xoá đói giảm nghèo của người dân Campuchia. Cũng giống cây đu đủ, cây thốt nốt cũng có giới tính. Cây đực trổ ra những ống hoa dài, người dân thường chiết lấy nước để làm đường, bia, rượu. Cây cái cho trái, trái non thì để giải khát, trái già được dùng nấu xôi. Để cây cho nước và trái cần phải trồng ít nhất từ 27 đến 30 năm. Đường thốt nốt dẻo ngon nhất là vào tháng 2, 3, 4. Có một dạo, người Trung Quốc thu mua cây thốt nốt với giá 30.000/cây, hàng loạt cây thốt nốt bị chặt đốn nhưng sau đó chính phủ Campuchia ra lệnh cấm bán cây thốt nốt. Bên cạnh cây thốt nốt là cây điển hình của Campuchia, thì các loại trái cây khác của Campuchia nhìn không đẹp mắt, nhưng ăn khá ngon vì được trồng tự nhiên, không sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu nên phải theo mùa mới có. Đặc biệt, lúc gạo Campuchia, 1 năm có 2 vụ, tức phải tới 6 tháng mới thu hoạch một vụ.

4. Giống như khí hậu ở miền Nam, Campuchia có hai mùa mưa nắng. Từ cửa khẩu Bavet đến Phnom Penh thường bị ngập vào mùa mưa nên nhà cửa hai bên đường xây dạng nhà sàn, để tránh ngập. Vào mùa khô, những cánh đồng trơ gốc rạ, đàn bò lông màu vàng nhạt, ốm dơ xương gặm cỏ ven đường. Trông cuộc sống của các vùng nông thôn ở đây khá xác xơ. Hệ thống thủy lợi ở Campuchia khá kém, nắng mưa gì cũng tùy trời.

5. Tôi còn nhớ lần đầu đến Campuchia, khi vào một khu chợ và siêu thị ở Phnom Penh, mua đồ ăn và vài thứ lặt vặt, nhưng khi cả nhóm nói tiếng Anh, tiếng Việt và cả chỉ trỏ tùm lum mà mấy cô bán hàng cũng không hiểu. Lần sau, tôi cố tập tành vài tiếng Campuchia giao tiếp theo kiểu chào hỏi, hỏi đường, hỏi giá, số đếm…  mang ra thực hành tại chợ côn trùng.  Vừa mở miệng hỏi giá món hàng thì cô bán hàng nói tiếng Việt rất rành rọt: “Mười lăm nghìn đó chị gái đẹp”. Ui chao, sau này hỏi mới biết hóa ra nhiều người bán hàng tại chợ côn trùng là người Việt. Đến chợ này bạn có thể nói tiếng Việt nhé! Nhưng lưu ý là đừng có ăn côn trùng vì chẳng biết thế nào, còn trái cây thì nhìn xấu xấu nhưng ăn rất ngon.

Angkor Wat mang phong cách kiến trúc Khmer cổ điển.

6. Từ đoạn Phnom Penh đi Siem Reap chắc chắn bạn sẽ nhìn thấy rèm cửa ở nhiều ngôi nhà ven đường có màu sắc khác nhau như hồng, trắng, đỏ vàng... Nhà nào treo rèm hồng là nhà đó có con gái đến tuổi gả chồng. Trong trường hợp cái rèm màu hồng bạc màu là do treo hoài cũng chưa có chồng. Nếu cô gái đó chưa cưới được chồng thì dù đến 70 tuổi cũng vẫn treo rèm hồng. Còn những màu khác thì có thể là chồng chết, hoặc nhà có tang...  Về đám cưới, nhà gái thường ra giá hết mọi thứ và nhà trai có quyền trả giá cho đến khi thống nhất cả hai họ. Nhà gái sẽ đứng ra lo toàn bộ đám cưới nhưng chỉ mang tính tượng trưng.

7. Campuchia được mệnh danh là đất nước chùa tháp, với khoảng 4.500 ngôi chùa. Các nhà sư Campuchia chỉ ăn một bữa trước 12 giờ và chỉ uống nước lọc từ sau 12 giờ trưa đến sáng hôm sau. Các tín đồ Tiểu thừa được dùng đồ mặn. Trước đây, trẻ em đến trường sẽ phải đóng 2.000 Ria (tiền Campuchia) để hỗ trợ giáo viên. Những bé gái thường phải nghỉ học ở nhà. Mới đây Thủ tướng Campuchia ra sắc lệnh nâng lương cho giáo viên và không cho nhận tiền.

8. Người ta nói chưa đến Quảng trường Độc Lập là chưa tới Campuchia nên du khách thường được đưa đến đây chỉ để chụp hình và check in. Cà phê trên đường phố Campuchia giá rẻ và hầu như không ngon. Cũng có một số quán cóc, xe đẩy hệt như cà phê trên đường phố Việt Nam và có thể đó là… người Việt.

9. Chụp hình ở Campuchia cũng khá lạ. Khi xe vừa dừng tại Cầu Rồng, cây cầu lâu đời được xây dựng ở triều đại Vua thứ II, cách đây 10 thế kỷ, nằm cách Siem Reap khoảng 60km, theo hướng về thủ đô Phnom Penh, khi vừa xuống xe, có một thợ chụp hình nhào tới bấm máy liên tục. Sau khoảng 10 phút, những tấm hình được rửa ra, ép plastic và dán vào một cái khung. Nếu ai thích thì mua lại hình của mình với giá 50 ngàn, ai không thích mua cũng không sao. Khi xe chạy tới các điểm tham quan, có lẽ bạn sẽ thấy người thợ chụp hình trông quen quen. Chính là người đã chụp hình cho bạn trước đó, họ đi theo xe và chụp hình cho đoàn.

10. Tại Siem Riep, chắc chắn bạn không thể bỏ qua những khu di tích đền thờ. Trong tiếng Campuchia, Angkor nghĩa là kinh đô, nhiều khách sạn cũng có tên gọi gắn với chữ Angkor. Bạn sẽ thấy, hầu hết các nhà hàng, khách sạn, nhà riêng đều xây theo phong cách mái nhọn, và thường để chữ Angkor ở đầu sau đó mới là tên nhà hàng, hay khách sạn.

- Đền Ta Prohm nơi quay bộ phim “Bí mật ngôi mộ cổ” với sự góp mặt của ngôi sao Angelina Jolie.  Chuyện kể, sau khi thắng trận trở về, vị Vua thứ 7 vĩnh viễn không được gặp mẹ nữa. Ông đã cho xây đền Ta Prohm thờ mẹ và là một trong 5 trường đại học lớn nhất thời bấy giờ. Đến năm 1432, ngôi đền này bị lãng quên hoàn toàn. Mãi đến năm 1860, một người Pháp khám phá ra và thông tin về ngôi đền được tìm thấy trong cuốn “Hành trình Mekong đến Angkor” của Châu Độc Quan.

- Đền Bakeng: Hãy đến vào buổi hoàng hôn có thể chụp được những bức hình đẹp nhất. Đền này giờ đang còn là tàng tích và đang tu sửa nên cũng không ấn tượng lắm. Đường lên đền được cảnh báo đó là đường voi đi nên cần cẩn thận.- Angkor Thom: Được xây dựng dưới triều Vua thứ VII. Đây là vị vua có tầm nhìn sâu rộng nhất trong các triều đại Vua của Campuchia. Ông là người tạo lập mối quan hệ hài hoà của các tôn giáo trong nước khi đó là Balamon giáo, Hindu giáo và Phật giáo. Kiến trúc Angkor Thom đã thể hiện tinh thần ấy.

- Angkor Wat: Một trong những kỳ quan thế giới bắt đầu xây dựng vào triều đại Vua thứ II người theo Balamon giáo. Thời gian xây dựng kéo dài suốt 200 năm. Các hình ảnh điêu khắc trong đền do các vũ công Apsara làm mẫu nên mỗi người đều có dung mạo và trang phục khác nhau. Có khoảng 40.000 người và 20.000 voi đã chết trong quá trình xây dựng đền.

11. Nếu đi Campuchia qua cửa khẩu Xà Xía, bạn có thể tự đi bằng xe máy vì đường phố ở đây vắng vẻ và khá đẹp.Thong dong  bằng xe máy, bạn có thể tự do ngắm biển Kep đẹp lung linh, hay chạy xe lên đèo Bokor cách mực nước biển chừng hơn 1.000m, khí hậu mát mẻ, có khi còn có sương mù. Từ đây bạn còn có thể nhìn thấy đảo Phú Quốc của Việt Nam. Thực ra đối với nhiều người Việt, khi đi qua đất nước Campuchia đều có không mang cảm giác xa lạ, không phải vì họ là hàng xóm cận kề mà những món ăn, hàng hóa, phong cách... cũng khá gần và giống ta.

KIM THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh