Lùm xùm thi nhan sắc và nỗi nhục khi xem hoa hậu
- Văn hóa - Giải trí
- 19:51 - 11/10/2015
Hoa hậu scandal
Chiếc vương miện Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam đã tìm được chủ nhân sau những lùm xùm về chuyện nhan sắc, mua giải, thí sinh chat sex, người đẹp hoàn vũ trả lời phỏng vấn ngô nghê… Thế nhưng, sau cuộc thi, Hoa hậu Hoàn vũ vẫn là từ khóa hot khi một loạt scandal liên quan đến tân hoa hậu tiếp tục làm nóng dư luận và được đưa ra mổ xẻ.
Người đẹp Phạm Thị Hương đối mặt với những chuyện thị phi: Nhan sắc đã qua phẫu thuật thẩm mỹ, mua giải từ ban tổ chức, được ưu ái, kiện cáo, tranh chấp với một nhà thiết kế nổi tiếng và bị người này tố cô không đủ tư cách tham gia một cuộc thi sắc đẹp có bản quyền quốc tế.
Hoa hậu hoàn vũ 2015, Phạm Thị Hương
5 năm tham gia showbiz, va vấp với không ít thị phi, nên tân hoa hậu thừa hiểu dính scandal chưa chắc đã xấu, nhất là khi showbiz luôn tồn tại song hành giữa hào quang và điều tiếng. Cộng thêm câu chuyện về scandal hoa hậu đã trở thành motif quen thuộc, khi chẳng cuộc thi nhan sắc nào “thoát” scandal và chẳng người đẹp nào khi đăng quang không chịu thị phi, điều tiếng.
Đến người đẹp được coi là “hoa hậu của các hoa hậu” Đặng Thu Thảo còn bị tố thiên vị, khai gian bằng cấp sau khi giành vương miện Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thùy Dung cũng bị đưa chuyện học hành không tốt lên mặt báo. Ngẫm ra, Phạm Thị Hương còn may mắn chán khi không bị chê về nhan sắc như một số người đẹp. Vì lâu nay, người ta vẫn ví “đẹp như hoa hậu”, đằng này hoa hậu lại bị chê xấu thử hỏi còn nỗi buồn nào bằng?
Trong cuộc họp báo sau đêm chung kết, không ít lần người của ban tổ chức đã đứng ra “gánh” búa rìu dư luận thay thí sinh khi nhận trả lời hầu hết các câu hỏi của phóng viên, báo chí. Tân hoa hậu đang được lòng dư luận khi chọn cách bình thản phủ nhận mọi lời đồn thổi về mình, vì ai cũng hiểu “100 lời đồn thổi vẫn chưa là sự thật”, đằng này chỉ xuất phát từ một hai lá đơn tố cáo theo dạng nặc danh hay giả danh kiểu “thay trời hành đạo”, “bóc trần sự thật”.
Cũng có người hiểu, scandal hoa hậu có thể xuất phát từ yếu tố chủ quan, khi chính người tổ chức cố tình tạo ra để làm “điểm nhấn”, quảng bá cho sự kiện. Không phải ngẫu nhiên, trước đêm chung Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, ban tổ chức công bố con số 10 thư tố cáo nặc danh nhận được, nhưng lạ thay không ai gửi dưới dạng “giấy trắng mực đen” mà đều là lời đồn trên mạng xã hội. Mà facebook vốn bị coi là thế giới ảo, nên ban tổ chức nghiễm nhiên cho mình quyền không hơi đâu đi giải quyết những chuyện vốn được coi là không có thật đó.
Nhưng từng đó cũng đủ làm nóng dư luận trước đêm chung kết và khiến công chúng tò mò về cuộc thi lẫn các người đẹp tham gia. Suy cho cùng, tạo scandal trước và sau cuộc thi hoa hậu chẳng sợ ai phạt vì không có bằng chứng. Giới truyền thông lại được thưởng thức “bữa tiệc scandal” để khai thác nhằm câu view, tăng lượng người đọc, còn thí sinh bỗng nổi như cồn, nhà tổ chức thì cứu được mùa giải nhàn nhạt giữa thời cuộc bão hòa thi hoa khôi, người đẹp hiện nay.
Nhưng việc gì cũng có hai mặt, scandal cũng như con dao hai lưỡi, giúp người trong cuộc được chú ý tức thời, song nếu sử dụng quá nhiều dễ làm người xem phát ngán, vì khán giả đủ thông minh để hướng sự quan tâm vào đâu thay vì để ý đến những cuộc thi kiểu “hoa hậu scandal”, “hoa khôi tai tiếng”.
Nỗi nhục khi xem hoa hậu
Ngay sau khi cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 kết thúc, một phần trả lời phỏng vấn của đạo diễn Lê Hoàng với tiêu đề "Tôi thấy "nhục" khi xem hoa hậu" bất ngờ được chị em chia sẻ "rầm rầm" trên mạng xã hội. Phát ngôn của vị đạo diễn nổi tiếng đanh đá này trở thành chủ đề tranh luận, nhất là khi nó "động chạm" đến câu chuyện rất "đời" và nỗi đau của không ít người: Phụ nữ có cần đức hy sinh?
Số là, nhân tiện việc Hoa hậu Hoàn vũ đang trở thành từ khóa hot nhờ scandal, một trang thông tin đã “lật lại” nỗi nhục khi xem hoa hậu của Lê Hoàng và không ngờ tạo được hiệu ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội. Chỉ một động tác đăng lại bài phỏng vấn trong tập sách "Phỏng vấn con bò" (xuất bản 2013) được đạo diễn Lê Hoàng viết theo kiểu bay bướm bằng trí tưởng tượng phong phú của mình mà câu chuyện về “nỗi nhục của đàn ông” khi xem hoa hậu bỗng được làm mới và gây tranh cãi.
Lê Hoàng cho rằng, mình cũng như bất cứ người đàn ông nào khác, mê thể thao và thích xem hoa hậu, nhưng nếu người khác cười, vỗ tay rào rào khi thấy các cô gái trả lời ứng xử rằng sự hy sinh là đức tính quan trọng nhất của người phụ nữ Việt Nam, thì Lê Hoàng lại thấy nhục khi nghe điều này.
Anh tâm sự: “Tại tôi là đàn ông. Một trong những phẩm chất vô cùng quan trọng của đàn ông là phải biết che chở, lo lắng, hy sinh cho phụ nữ.
Vậy mà trong các cuộc thi hoa hậu, tôi đã xem và vừa xem, nhiều cô gái đã trả lời trong phần thi ứng xử đại ý rằng: Đức tính cao quý nhất của người phụ nữ Việt Nam là sự hy sinh.
Tôi không dám đại diện cho bất cứ ai hết. Tôi nhục cho mình. Tại sao những người phụ nữ cứ phải hy sinh mới là tốt? Tại sao họ cứ nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn vui chơi, nhịn đủ thứ cho chồng, cho con thì mới được đề cao?...
Cho nên, tôi kinh ngạc khi thấy trên sân khấu các cô gái đẹp nói về đức tính hy sinh, dưới khán giả (phần lớn là đàn ông) vỗ tay rào rào… Riêng tôi, tôi cảm thấy nhục…”.
Lê Hoàng không nhắm đến cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015, vì trong đêm chung kết, các “người đẹp hoàn vũ” đều không nói đến sự hy sinh, mà chỉ nhắc đến những phạm trù trừu tượng hơn như hướng đến hình ảnh người phụ nữ hoàn hảo, có nhân cách, sắc đẹp và trí tuệ theo một motif quen đã được đào tạo ứng xử từ trước. Nhưng hai sự việc lại cùng có từ khóa hot là "hoa hậu". Khi Ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ hỉ hả vì kết thúc mùa giải thành công, vừa tạo hiệu ứng dư luận - dù bằng cách này hay cách khác, vừa chọn được hoa hậu được lòng công chúng - thì Lê Hoàng thấy nhục vì xem hoa hậu.
Nỗi nhục của vị đạo diễn nhận được sự ủng hộ của chị em, nhưng mấy người đàn ông xem hoa hậu thấy nhục giống Lê Hoàng? Cũng như đã thi hoa hậu thì khó tránh scandal, hay sự hy sinh vốn đã là bản năng của phụ nữ. Có chăng, khán giả chỉ thấy "nhục" khi cuộc thi nhan sắc Việt quá "nghèo" câu hỏi ứng xử, có mấy câu cũ đem ra hỏi đi hỏi lại, còn thí sinh cũng "nghèo" kiến thức, chỉ lên ứng xử theo kiểu "dập khuôn", "trả bài" lấy lệ cũng ấp úng chưa xong.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc