THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 03:48

Lùm xùm tại LĐ quần vợt Việt Nam: Cấp trên lộng quyền - phong trào đi xuống

 

*Lãnh đạo VTF tự tung tự tác?
Gửi kèm theo những bằng chứng, ông Lực nêu hàng loạt sai phạm của VTF mà tập trung vào cá nhân ông Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Kỳ (ảnh): Tùy tiện bổ nhiệm người vào các phòng ban, kết nạp thành viên, giao quyền tổ chức giải cho công ty bên ngoài… không thông qua Ban chấp hành như điều lệ hoạt động. VTF trong nhiệm kỳ khóa V (2010-2015) vận hành giống như “ban nhạc một người” là ông Kỳ.
Trong VTF, ngoài 2 chức danh kể trên, ông Kỳ còn kiêm luôn Trưởng ban Vận động tài trợ, Trưởng ban Truyền thông và Quan hệ quốc tế, Tổng Biên tập tạp chí của VTF, chỉ đạo các giải đấu trong nước và quốc tế, ngoài công việc chính của mình là Tổng Giám đốc Vietravel. Ôm đồm nhiều việc, không đủ thời gian nên ông Kỳ đã ký một số văn bản thiếu chính xác, thiếu căn cứ. 
Chủ tịch VTF là ông Nguyễn Danh Thái vốn trước đây là Thứ trưởng Bộ VHTTDL gần như ủy quyền cho ông Kỳ ký các văn bản. Trong các cuộc họp Ban Thường vụ và Ban Chấp hành VTF, ông này không thể trả lời được những câu hỏi chất vấn từ các ủy viên liên quan đến hoạt động sai điều lệ.
Trong đơn ông Lực nêu chuyện ông Kỳ thay mặt VTF ký văn bản gửi tới các nơi xin tài trợ trên 12 tỉ đồng để tổ chức giải quốc tế ATP Challenger Vietnam Open 2015, nhưng lại ủy quyền cho một công ty bên ngoài tổ chức giải với quyền lợi ghi trong hợp đồng là công ty này được “độc quyền sở hữu, thụ hưởng và toàn quyền khai thác giải”, đổi lại họ đóng góp phí chỉ 200 triệu đồng cho VTF.
Nhiệm kỳ V đến năm 2015 là kết thúc, nhưng ông Kỳ hào phóng ký cho công ty này độc quyền tổ chức giải trong 3 năm: Năm 2015 đóng phí 200 triệu đồng, năm 2016 là 250 triệu đồng, năm 2017 theo thỏa thuận sau. Công ty này có cái tên khá lạ lẫm là Công ty Cổ phần Tiếp thị thể thao du lịch giải trí Việt Nam - STREAM, nhưng người đại diện của nó có cái tên khá quen thuộc với giới quần Vợt Việt Nam: Lê Đức Hoàng Long, hay còn gọi là Hoàng “Longy”. Anh này được ông Kỳ đưa vào làm Phó ban Vận động tài trợ, thường xuyên được cử đi nước ngoài dự những cuộc họp dành cho quan chức cấp cao của VTF, từng đình đám trên truyền thông năm ngoái khi đội tuyển quần Vợt nam Việt Nam dự giải đấu Davis Cup ở Malaysia. Là cán bộ Ban vận động tài trợ nhưng anh này lại có tên trong danh sách thành viên đội tuyển, bị các VĐV tố là can thiệp vào việc chuyên môn, thao túng HLV nước ngoài trong việc chọn VĐV.
*Phong trào đi xuống
“Một trong những điều khiến nhiều ủy viên Ban chấp hành bức xúc là kiểu làm ăn như thể VTF là công ty con của Vietravel của ông Kỳ” - ông Lực bức xúc. Năm 2014, ông Kỳ với tư cách lãnh đạo Vietravel đề nghị VTF chuyển ủy thác chi kinh phí gần 1 tỉ đồng của VTF cho Vietravel để tổ chức giải Davis Cup ở Đà Lạt. Nhưng nếu lại chính ông Kỳ lấy tư cách Tổng Thư ký VTF để ký ủy thác chi cho Vietravel thì không khác nào lấy đồ tay trái chuyển sang tay phải nên đẩy cho Phó Tổng Thư ký Trần Cương ký. Anh Cương từ chối ký vì việc đó thuộc thẩm quyền của chủ tài khoản và không lâu sau bị cắt chức mà Ban chấp hành không được hỏi 
ý kiến. Kết quả làm việc trong nhiệm kỳ V của “ban nhạc một người” này không có gì bất ngờ: Quần Vợt Việt Nam không có nổi một tấm huy chương ở SEA Games 2015, các giải quần Vợt trẻ ngày càng ít đi, không có kế hoạch đào tạo tài năng trẻ, quần Vợt phong trào thì èo uột.
Thành tích chung hiện nay chỉ trông vào một số VĐV trẻ do gia đình, địa phương đầu tư như Lý Hoàng Nam, Nguyễn Hoàng Thiên. Vai trò của VTF rất mờ nhạt, thậm chí còn nhiều lúc làm khó cho các VĐV này, như vụ xung đột giữa VTF với HLV Trần Đức Quỳnh và VĐV Lý Hoàng Nam năm 2014. Theo bảng báo cáo thu-chi tài chính 2010-2015 của VTF, chi phí tập huấn cho VĐV tổng cộng trong 6 năm là 231 triệu đồng, trong khi chi lương, thưởng, phụ cấp cho cán bộ VTF là 4,14 tỉ đồng, chi phí cho công tác cán bộ là 900 triệu đồng, chi “khác” là 2,3 tỉ đồng… Chi cho VĐV tập huấn như vậy thì lấy đâu ra VĐV tốt?
*Không đại hội được vì chưa “chốt” được chủ tịch
Theo đúng lịch thì Đại hội VI của VTF phải được tổ chức vào tháng 4.2015, nhưng có lẽ do người chịu trách nhiệm chuẩn bị công tác tổ chức đại hội là ông Tổng thư ký bận quá nên đến bây giờ, sau hơn 1 năm, Đại hội VI vẫn chưa được tổ chức.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch Liên đoàn Quần Vợt Việt Nam nhiệm kỳ V - ông Nguyễn Minh Tâm - cho rằng các tố cáo vi phạm tài chính, vi phạm điều lệ, trục lợi, cố tình làm sai… của lãnh đạo VTF từ ông Nguyễn Toàn Lực - Ủy viên Ban Chấp hành VTF - lên các cơ quan nhà nước là có cơ sở.
“Nhiệm kỳ khóa V (2010-2015) là nhiệm kỳ thất bại với VTF, cả quần vợt đỉnh cao lẫn phong trào đều đi xuống vì cách điều hành ôm đồm, chuyên quyền của ông Nguyễn Quốc Kỳ” - ông Tâm nói.
“Vì trách nhiệm với môn thể thao này, tôi phải lên tiếng. Anh Nguyễn Danh Thái làm Chủ tịch VTF ở nhiệm kỳ qua quá hiền, để ông Kỳ thao túng cả Ban chấp hành và Ban thường vụ. Nếu để ông Kỳ tiếp tục ngồi lại vị trí điều hành thì liên đoàn sẽ giậm chân tại chỗ và tiếp tục tồn tại những mâu thuẫn. Chúng ta phải tìm những người có tài, có tâm, làm việc không vụ lợi trong nhiệm kỳ tới mới mong quần vợt Việt Nam tiến được. Anh Thái là Chủ tịch, nhưng tôi cũng nói thẳng, để VTF xảy ra tình trạng hiện nay là do sự điều hành yếu kém của anh Thái. Trước khi họp Ban Chấp hành VTF hồi tháng 7.2016 để chuẩn bị đại hội và nhân sự cho nhiệm kỳ VI, BCH đã bàn bạc với anh Thái và chúng tôi đồng ý mời anh Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Becamex - tham gia nhiệm kỳ mới với tư cách Chủ tịch VTF. Trước đó, BCH có nghị quyết đồng ý để anh Kỳ rút lui theo nguyện vọng”. “Sau đó Ban Thường vụ VTF họp đưa ra nghị quyết thu hồi các quyết định sai của ông Kỳ và có hình thức kỷ luật ông Kỳ vì những sai phạm trong điều hành, ký các văn bản thiếu chính xác, thiếu căn cứ, vi phạm điều lệ hoạt động của VTF”. 
Được biết, tại cuộc họp ban thường vụ nhằm chuẩn bị cho Đại hội VTF lần thứ VI  có duy nhất một ý kiến đề cử ông Kỳ tham gia ứng cử Chủ tịch VTF nhiệm kỳ tới, dù đây không phải là cuộc họp bàn về nhân sự, nhưng Chủ tịch Nguyễn Danh Thái lại bất ngờ đồng ý. “Việc yêu cầu ông Kỳ rút và mời chủ tịch mới cho nhiệm kỳ tới đã được đưa vào nghị quyết của ban chấp hành, làm sao có thể vì một ý kiến đề cử duy nhất của ban thường vụ mà phủ nhận nghị quyết của cả ban chấp hành được, làm vậy là rất sai nguyên tắc”. 
Theo ông Tâm, Tổng cục TDTT sẽ phải vào cuộc làm rõ vụ việc này.

MINH HIỆP/Báo Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh