THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:54

Lùm xùm chuyện “vương miện”, “cái sừng” trên đầu cô gái Huế

Hình ảnh các nữ diễn viên Festival nghề truyền thống Huế 2019 đội chiếc nón bài thơ có gắn thêm chữ "HUE" phía trên tại Lễ hội rước tôn vinh nghề được dư luận quan tâm

Cụ thể, chữ “HUE” gắn trên chiếc nón được các diễn viên dùng trong Lễ  rước tôn vinh nghề diễn ra vào chiều tối 29/4 và tại đêm Bế mạc Fetival nghề truyền thống Huế 2019 bị dư luận cho là trông không khác gì “chiếc sừng” cắm trên đầu cô gái Huế; trong khi đó, NTK Minh Hạnh – Tổng đạo diễn Festival cho rằng đó là “chiếc vương miện dành cho xứ Huế”. Liên quan sự việc, chiều 3/5, Lãnh đạo TP. Huế, BTC Festival nghề truyền thống Huế 2019 đã họp để đánh giá lại cụ thể sự việc.

Theo báo Người Lao động, Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND TP. Huế Trưởng BTC Festival nghề truyền thống Huế 2019 cho rằng, các thành viên trong ban tổ chức đều nhận định đây chỉ là ý kiến cá nhân của một vài thông tin trên mạng xã hội, không phải một nguồn chính thống nên đề nghị ban tổ chức không nhất thiết phải trả lời ngay những chuyện đấy.

"Các ý kiến đều phân tích rằng các hình tượng đó là rất bình thường. Chữ gắn trên nón lá rất rõ ràng. Không thể chữ Huế được viết bằng chữ quốc ngữ mà hình dung ra cái sừng được. Nón và chữ là 2 cái khác nhau, ý tưởng của đạo diễn là muốn kết hợp tạo ra như một vương miện nhằm tôn vinh Huế" - ông Thành nói trên NLĐ.

Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Huế, Phó BTC Festival nghề truyền thống Huế 2019, cũng nói rằng chữ "HUE" trên nón lá được thiết kế hợp lý. Ý đồ của đạo diễn như muốn là vương miện để làm Huế rực rỡ, lung linh trong ngày hội. Chữ được thiết kế rõ ràng chứ không phải trừu tượng nên những ai nghĩ đó là cái sừng thì người đó đã làm tổn thương chữ Huế.

Trong khi đó, trả lời với báo chí, nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết, chữ “HUE” được làm bằng chất liệu format, màu tím, xung quanh trang trí đèn led và được gắn lên trên chiếc nón. Đây là công nghệ đèn led được sử dụng rộng rãi trong nghệ thuật biểu diễn, quanh vành nón cũng được trang trí bằng công nghệ này. Theo bà Hạnh, thiết kế như vậy để muốn hình ảnh Huế lung linh trong những ngày hội về đêm. “Tại sao họ không hiểu đó là một vương miện cho Huế?. Người ta nói vậy thì xúc phạm luôn Huế rồi và tự làm cho Huế thấp kém đi”, bà Hạnh nói.

Hình ảnh này xuất hiện trở lại trong đêm Bế mạc 

Sau phát ngôn của BTC, Tổng đạo diễn Festival nghề truyền thống Huế 2019, báo Tiền Phong đã ghi nhận được những phản hồi trái chiều từ phía dư luận bạn đọc. Cụ thể, báo này dẫn lời một sô độc giả, như: độc giả Võ Thuận bày tỏ: “Là người con xứ Huế ở xa, tôi đề nghị ban tổ chức nên giữ nguyên chiếc nón lá bài thơ không cần có hình tượng chữ Huế ở trên nón lá vì làm mất tính thẩm mỹ, nét điệu đà, khép nép, trầm mặc, làm mất vẻ tôn vinh người con gái Huế bao đời nay!”.

Đối với ý kiến của nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng “Tại sao họ không hiểu đó là một vương miện cho Huế? Người ta nói vậy thì xúc phạm luôn Huế rồi và tự làm cho Huế thấp kém đi”, độc giả Lê Bình bày tỏ: “Nón là nón, vương miện là vương miện đừng nên sáng tạo một vẻ đẹp vốn đã thuần khiết không có gì thay thế được nó. Hãy nhìn mỗi người trên đầu với chiếc nón bị che và mất đi vẻ đẹp thướt tha của người con gái xứ Huế. Cái chữ "HUE" trên đầu chả nói lên ý nghĩa cả, quá rườm rà và quá màu mè, lãng phí, tốn kém... ! Sáng tạo kiểu này thì Huế còn có cái gì thuần khiết nữa? !”

Cùng quan điểm trên, độc giả Đỗ Thị Dung viết: “Tôi còn thấy cái quai nón dài lướt thướt cũng đâu có đẹp, thậm chí nó còn làm hỏng nét mềm mại riêng có của áo dài. Sáng tạo luôn cần trong nghệ thuật, luôn được hoan nghênh nhưng sáng tạo là làm đẹp lên (cả về ý nghĩa, cả về trực quan) thì mới khó và đáng quý. Tôi nghĩ các ý kiến tham gia chân thành, có tính xây dựng cũng cần được chọn lọc để tiếp thu”.

Còn độc giả Tano Nguyen góp ý: “Mình cũng phải công nhận mới nhìn thoáng qua thì trông giống gạc con hươu. Nếu nói theo công nghệ thì mình thử chữ “HUE” bên trong nón vì lá cọ cũng mỏng mà. Chỉ khi tắt nắng bật đèn lên thì vẫn hiện lên chữ “HUE” còn ban ngày thì vẫn là các thiếu nữ Huế đơn giản nhưng đằm thắm trong tà áo dài tím, e lệ dưới vành nón bài thơ”

Bên cạnh đó cũng xuất hiện một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng cần góp ý và đưa giải pháp cho ý tưởng lần này của nhà thiết kế Minh Hạnh như tài khoản Diep Pham: “Em thì nghĩ là sáng tạo đôi khi cũng có những khoảng thời gian bị “bí”. Từ năm 1992 tới giờ, Festival Huế và Festival các làng nghề Huế được tổ chức liên tục xen kẽ lẫn nhau hàng năm. Có năm đẹp lộng lẫy, có năm bình thường, có năm “dở quẻ”. Đặc biệt khi là nghệ sỹ, việc giữ vững phong độ liên tục trong một quãng thời gian dài là chuyện hơi bị khó. Vậy nên thông cảm và đưa ra giải pháp, hoặc gợi ý mở cho nhau là điều sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Chứ chê thì dễ quá”.

Hay như tài khoản facebook mang tên Tiểu Vũ đưa ra quan điểm: “Nghệ thuật là phải sáng tạo không ngừng, nếu nhất nhất theo một khuôn mẫu có sẵn thì chắc là không phải nghệ thuật rồi.

Nón lá truyền thống xứ Huế cũng tương tự như vậy thôi. Việc gắn chữ “HUE” trên chiếc nón không phải kiểu thiết kế để ứng dụng ngoài đời sống mà nó có tính nhất thời trong khuôn khổ 1 lễ hội. Chữ “HUE” gắn trên nón bằng công nghệ led giúp cho chương trình biểu diễn trong đêm lung linh nhiều sắc màu hơn.

Mình ủng hộ ý tưởng của chị Minh Hạnh và không đồng tình với ý kiến phản đối chê bai dè bỉu một số nhà "Huế học" khác”.

Trước những ý kiến trái chiều, Ban tổ chức và lãnh đạo thành phố đã có cuộc họp bàn vào chiều ngày 3/5 về những vấn đề cần phải giải quyết sau khi kết thúc lễ hội.

CAO TIẾN (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh