Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách: Đề nghị lấy tên là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
- Tây Y
- 21:08 - 08/09/2016
Sáng 8/9, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn của 2 dự án Luật sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kì họp thứ 2 vào tháng 10 tới là Luật Tín ngưỡng tôn giáo và Luật về Hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Hiến pháp năm 2013 quy định, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo vệ, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và đây là quyền con người, quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định. Để tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Bộ luật dân sự (sửa đổi), Luật báo chí (sửa đổi). Quốc hội khóa 14 đưa dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Dự án Luật về Hội vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2016.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, việc ban hành 2 dự thảo Luật này là rất cần thiết để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền lập Hội của công dân và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước.
Tại báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (UBVHGDTNTN&NĐ) đề nghị giữ tên gọi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để bao quát phạm vi điều chỉnh của Luật, trong đó có cả việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như tổ chức, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Tên gọi này cũng phù hợp và có tính kế thừa các văn bản của Đảng cũng như hệ thống pháp luật có liên quan.
Tại phiên thảo luận, các ĐB Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai), ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng đồng thuận với các đặt tên gọi như trên. Tuy nhiên BĐ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị lấy tên luật là Luật Hoạt động tín ngưỡng tôn giáo sẽ phù hợp với các quy định trong dự thảo Luật.
Một nội dung nữa của dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được đề cập trong báo cáo của UBVHGDTNTN&NĐ là: Tổ chức có đăng ký hoạt động tôn giáo sau 5 năm hoạt động ổn định được xem xét công nhận tổ chức tôn giáo, nhằm kiểm nghiệm thực tế hoạt động của tổ chức trước khi công nhận, bảo đảm tổ chức tôn giáo hoạt động ổn định, tồn tại lâu dài.
Phát biểu tại phiên thảo luận, nhiều ĐB không nhất trí với quy định về điều kiện để một tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo phải hoạt động ổn định sau một thời gian dài.
Một số ĐB đề nghị quy định theo hướng khi tổ chức đã đăng ký hoạt động tôn giáo và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một tổ chức tôn giáo thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và công nhận ngay.
Báo cáo giải trình, tiếp thu cũng nêu rõ, hiện nay, theo phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng; chưa có cơ quan nào quản lý nhà nước về tín ngưỡng. Việc giao chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo cho Bộ Nội vụ cũng chưa thật sự phù hợp, vì mới chỉ dựa trên sự tiếp cận theo góc độ quản lý tổ chức mà chưa chú trọng việc bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần. Do đó, quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong thực tiễn còn phân tán, thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả.
Phát biểu tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến ĐB đề nghị phải có một cơ quan nhà nước phù hợp chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi trong quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Nhiều ĐB đề nghị giao chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để thống nhất quản lý và bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần.
ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh: Cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan nào quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cũng phải thể hiện rõ là tạo điều kiện cho tôn giáo hoạt động, do vậy đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là hợp lý.
ĐB Trần Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, cần giao cho một cơ quan độc lập để quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo sẽ tốt hơn. Ông Vượt cũng cho biết, vấn đề tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên rất phức tạp, nếu giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ giao cho Sở thì quản lý vẫn chưa sát vì Sở cũng có rất nhiều việc cần làm.
Một số ĐB đề nghị nếu chưa sắp xếp được cơ quan quản lý thì giữ nguyên như hiện nay.
Chiều nay, các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật về Hội.