CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:05

Luật về đặc khu: Đừng chậm trễ nữa

 

TS Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Bộ Nội vụ

 

Với 3 đặc khu kinh tế đang xây dựng Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, thì mô hình tổ chức chính quyền sẽ theo cách nào, thưa ông?
Hiện có rất nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Thứ nhất là phương án cho rằng chính quyền ở đặc khu nên gọn nhẹ, tối giản với một người đứng đầu là ông trưởng đặc khu - người được giao thẩm quyền khá lớn.
Phương án thứ hai là tổ chức đặc khu như một cấp chính quyền đầy đủ với HĐND, UBND, có những điểm khác biệt đặc thù, không giống như mô hình thông thường hiện nay để phù hợp với yêu cầu của đặc khu.
Tôi chọn phương án trưởng đặc khu vì địa bàn đó phải có những đặc trưng trong cơ chế quản lý. Để phát huy được điểm ưu việt và những lợi thế vượt trội của đặc khu thì bộ máy hành chính cũng phải được tổ chức tương ứng chứ nếu đưa ra hướng tổ chức chính quyền với đầy đủ HĐND, UBND như hiện hành thì sẽ có nhiều trói buộc, cản trở sự nhanh nhạy, yêu cầu hoạt động linh hoạt, năng động của đặc khu.
Để giải quyết thỏa đáng vấn đề này, theo tôi, mấu chốt nằm ở cách hiểu, cách giải thích Hiến pháp, cụ thể là điều 110, điều 111 Hiến pháp về tổ chức chính quyền địa phương.
Trưởng đặc khu, như được đề xuất trong dự luật, được trao quyền lực rất lớn với 77/116 thẩm quyền thuộc Thủ tướng. Trước vấn đề thẩm quyền cho trưởng đặc khu lớn như vậy, câu hỏi đang được đặt ra là công cụ nào để ngăn chặn lạm quyền, nhóm lợi ích..., thưa ông?
Chúng ta nên nhìn nhận thực tế về hệ thống bộ máy nhà nước, nhìn vào cách thức tổ chức, vận hành tại các thành phố trực thuộc trung ương với đầy đủ lệ bộ các cơ quan như hiện nay. Có đủ cả hệ thống thanh tra, kiểm tra… mà sao cũng vẫn có chuyện lạm dụng quyền lực, phát sinh tiêu cực.
Kiểm soát quyền lực theo mô hình tổ chức chính quyền đặc khu, theo tôi, có vai trò của rất nhiều cơ quan thanh tra, giám sát mà không nhất thiết phải có HĐND.
Tôi cho rằng kiểm soát quyền lực, phòng ngừa tiêu cực ở đây phải gắn với hoạt động kiểm tra thực sự, thực chất, từ nhiều luồng khác nhau, từ HĐND tỉnh, từ Chính phủ, thậm chí là từ Quốc hội xuống cho tới các kênh kiểm tra của Đảng…
Vậy nên tôi không lo ngại việc không có HĐND ở đó thì không kiểm soát được quyền lực của trưởng đặc khu.
Có ý kiến nhận xét ngay những chuyên gia có tư duy cấp tiến, đổi mới bậc nhất hiện nay cũng đang loay hoay trong những nguyên lý về tổ chức chính quyền địa phương trong khi cái cần cho đặc khu chính là sự đặc biệt, vượt lên những mô hình thông dụng. Quan điểm của ông về vấn đề này?
 

" Chủ trương xây dựng các đặc khu kinh tế đã có hơn 10 năm nay mà cứ bàn đi bàn lại mãi là rất lãng phí thời gian và làm lỡ đi các cơ hội"

TS  Đinh Duy Hòa

Nguyên tắc để xác định là khu vực này cần thu hút những nhà đầu tư giàu tiềm lực. Nếu chúng ta có cơ chế chính sách thông thoáng hơn các nơi khác, thu hút vượt trội hơn hẳn nơi khác mà nhà đầu tư nghĩ là cầm chắc khả năng vào làm ăn sẽ “thắng” thì họ sẽ vào. Bộ máy hành chính nơi đây được tổ chức để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thì họ sẽ càng tin tưởng và mạnh dạn hơn để bước vào. Chỉ cần vậy cũng đủ để thu hút rồi.
Chúng ta đặt vấn đề xây dựng thể chế vận hành đặc khu kinh tế từ lâu rồi. Chủ trương xây dựng các đặc khu kinh tế đã có hơn 10 năm nay mà cứ bàn đi bàn lại mãi. Như vậy là rất lãng phí thời gian và làm lỡ đi các cơ hội. Giá như ta sớm chốt được vấn đề này từ 5 - 7 năm trước thì có khi mọi việc giờ đã tương đối ổn định, mô hình đặc khu đã vận hành êm xuôi.
Thời gian để nghiên cứu, cân nhắc mô hình này cũng đủ chín rồi, giờ cần sớm đưa vào triển khai. Việc này cũng là để hiện thực hóa chủ trương, tinh thần chỉ đạo của Đảng là xây dựng luật về chính sách đặc thù cho cả 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, qua đó tạo điểm nhấn mạnh mẽ, sức lan tỏa trong phát triển kinh tế xã hội cho đất nước. Việc bắt đầu đã muộn rồi thì phải bắt tay ngay, phải vào cuộc ngay, đừng chậm trễ nữa.
Xin cảm ơn ông!

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh